Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Kiên trì, quyết tâm hơn nữa đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Hà Nội: 9 tháng xảy ra 17 vụ TNGT liên quan học sinh
563 vụ TNGT liên quan học sinh xảy ra trong 9 tháng
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ quý IV/2023 sáng 10/10, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết, 9 tháng đầu năm 2023 toàn quốc xảy ra 563 vụ TNGT liên quan đến học sinh làm 329 em tử vong, 528 em khác bị thương.
"Các em đều là những mầm non tương lai của đất nước, mất mát này rất đau xót", ông Huy nói và cho biết cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để kiềm chế và kéo giảm TNGT liên quan đến thanh thiếu niên trong thời gian tới đây.
Nhận định về con số này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, số học sinh tử vong do TNGT trong 9 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu tăng so với năm 2022 và rất đáng báo động.
Dù đã có nỗ lực rất lớn tuyên truyền, giáo dục pháp luật TTATGT trong nhà trường, có ký cam kết tuân thủ pháp luật giữa gia đình và nhà trường vào dịp mỗi đầu năm học song theo ông Hùng, đâu đó vẫn còn những người làm cha mẹ, ông bà, anh chị không nêu gương trong công tác đảm bảo TTATGT đối với con em mình, thậm chí còn giao xe mô tô, xe gắn máy cho trẻ em (dưới 18 tuổi) chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe để đi học, đi chơi.
"Quá trình điều khiển phương tiện, nhiều em tụ tập để lạng lách, đánh võng gây ra TNGT, nhiều vụ TNGT thương tâm gây hậu quả nghiêm trọng làm chết nhiều cháu như vụ TNGT xảy ra ở Hà Giang vừa qua.
Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, tới đây, Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo riêng trong thực hiện chuyên đề về công tác đảm bảo TTATGT đối với thanh thiếu niên, trong đó nhấn mạnh tập trung đối với trẻ từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, bởi hiện nay, đây là nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật về TTATGT và TNGT cao nhất trong nhóm học sinh, sinh viên trên cả nước", ông Hùng cho hay.
Kiểm soát mạng xã hội, xử nghiêm nhóm thanh thiếu niên tụ tập đua xe
Trao đổi bên lề Hội nghị, Đại tá Phạm Quang Huy cho biết thêm, thời gian qua xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên tổ chức tụ tập, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, đua xe, cầm dao, cầm vũ khí thô sơ di chuyển trên đường, sau đó quay video đăng lên facebook, tiktok câu like, câu view, thậm chí có trường hợp còn quay video dạy giới trẻ cách đánh võng, nằm trên xe điều khiển mô tô.
9 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện 110 vụ với 1.855 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, Tạm giữ 1.559 phương tiện.
Có 21 vụ bị xử lý hình sự với 147 đối tượng. Trong số này, 1 vụ tổ chức đua xe trái phép, 1 vụ cướp tài sản, 7 đối tượng manh động quay lại tấn công lực lượng chức năng để cướp phương tiện bị tạm giữ; 19 vụ gây rối trật tự công cộng.
"Những video này đã ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ và tạo ra những hệ luỵ vô cùng nguy hiểm. Đây là những tư duy sai lầm của giới trẻ", ông Huy nhìn nhận và cho biết: Vừa qua, lực lượng chức năng đã xử lý rất nghiêm các trường hợp vi phạm, ngay cả với diễn viên, người mẫu rất nổi tiếng (người mẫu Ngọc Trinh – PV) có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, Cục CSGT cũng đã nhanh chóng phối hợp với Công an TP.HCM để xử lý quyết liệt.
Ngoài ra, cơ quan công an cũng xác định cần phải xử lý từ gốc rễ của vấn đề, do đó, tập trung thực hiện các biện pháp kiểm soát các trang mạng xã hội, để tìm những nhóm đối tượng có dấu hiệu tổ chức đua xe, đánh võng để kịp thời ngăn chặn và xử lý.
Theo ông Huy, rất nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt, vào cuộc quyết liệt xử lý tình trạng này, các đối tượng bị phát hiện vi phạm đều bị khởi tố xử lý về hành vi Gây rối trật tự công cộng như vụ ông già Noel, vụ hai vợ chồng nằm trên xe di chuyển trên đèo Hải Vân hay vụ tụ tập đua xe ở Bắc Giang.
Cùng với đó, sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền rộng rãi công tác xử lý những vi phạm này, tạo sự lan toả và nâng cao ý thức chấp hành của thanh thiếu niên.
Ngoài ra, ông Huy cũng khuyến cáo người dân, các gia đình cần quản lý chặt chẽ con em mình, tránh để các cháu sử dụng xe tham gia các tổ chức hội nhóm tụ tập vi phạm giao thông dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia cần tổ chức cuộc họp chuyên sâu để phân tích mổ xẻ những bất cập về tình trạng thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô gây TNGT để từ đó kiến nghị những sửa đổi bổ sung những quy định quản lý cho phù hợp với tình hình mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất cấp thiết và đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban để thực hiện.
Về phía Bộ Công an, Bộ trưởng đề nghị duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, nhất là các trường hợp gây tai nạn giao thông.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của địa phương, Bộ trưởng cho rằng, các quy định pháp luật chỉ đi vào cuộc sống khi được triển khai hiệu quả tại địa phương. Do đó, các địa phương vừa tuyên truyền, vừa có các hoạt động xử lý nghiêm với hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ quý IV/2023, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương đã tham gia phát biểu, đóng góp nhiều kinh nghiệm, đề xuất các kiến nghị liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT. Trong đó, tập trung vào 2 vấn đề chính đang gây bức xúc trong dư luận, gồm: hoạt động đảm bảo TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hiện tượng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây tai nạn giao thông ở một số địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận