Làm rõ bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, cùng với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình TNGT tiếp tục được kiềm chế.
Bộ trưởng biểu dương Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành và các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí đã chỉ đạo và triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT.
Đồng thời, cũng ghi nhận và và biểu dương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trong 9 tháng đầu năm 2023, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM có mật độ giao thông lớn nhưng TNGT kéo giảm sâu cả 3 tiêu chí.
Bộ trưởng cho biết, mặc dù TNGT đã được kiềm chế, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Số người thương vong do TNGT còn ở mức cao, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người; tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn có xu hướng diễn biến phức tạp hơn.
Về nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân đã phân tích tại báo cáo, bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh hành vi trực tiếp của người điều khiển phương tiện là nguyên nhân chính gây TNGT cần xem xét trách nhiệm gián tiếp của công tác quản lý Nhà nước ở các khâu có liên quan. "Bởi vậy, hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về TTATGT là một trong những trọng tâm", bộ trưởng lưu ý.
Đối với triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2023, bộ trưởng nhấn mạnh, một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay trong quý IV/2023.
Trong đó, đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chỉ thị số 10, đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 149 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
Đối với Uỷ ban ATGT Quốc gia cần tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ban hành hướng dẫn bảo đảm TTATGT để các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT khi cần thiết.
Tổ chức cuộc họp chuyên sâu để phân tích mổ xẻ những bất cập trong hoạt động quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và hành vi thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô gây TNGT để từ đó kiến nghị những sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất cấp thiết và đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban để thực hiện.
Ngoài ra, bộ trưởng đề nghị Uỷ ban ATGT Quốc gia cần tham gia các buổi họp tại các địa phương về các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền ATGT; kiểm tra các lĩnh vực, địa bàn, địa phương có tình hình TTATGT phức tạp, TNGT tăng cao trong 9 tháng đầu năm; tham dự các cuộc họp do Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ trì khi xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Tăng chế tài, rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan quản lý
Đối với Bộ GTVT, bộ trưởng nhìn nhận: Những bất cập vừa qua liên quan rất nhiều tới thể chế, bởi vậy các cơ quan của Bộ GTVT theo chức năng nhiệm vụ phải đặc biệt chú trọng tới việc hoàn thiện các quy định pháp luật, trước mắt là dự thảo Luật Đường bộ và phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông Đường bộ.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trước và trong mưa lũ, nhất là các tuyến quốc lộ qua địa hình đèo, dốc có nguy cơ sạt lở, các vị trí cầu vượt tuyến đường thuỷ có chiều cao và khẩu độ thông thuyền hẹp… phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT kịp thời rà soát, phát hiện, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.
Đáng chú ý, bộ trưởng yêu cầu nhanh chóng sửa đổi quy định để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải một cách hiệu quả hơn.
Lấy ví dụ từ vụ TNGT tại Đồng Nai khiến 5 người tử vong vừa qua, bộ trưởng chỉ rõ bất cập khi xe khách của Công ty Thành Bưởi vi phạm và bị tước phù hiệu tới 246 lần.
"Vậy việc tước phù hiệu đó có thực sự có hiệu lực không? Nếu chưa đủ hiệu lực thì phải rà soát và có chế tài mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn giao thông, trách nhiệm của các cơ quan quản lý tại địa phương trong việc hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc xử lý vi phạm", bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, yêu cầu tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX bằng, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện; kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động các bến xe ô tô khách; vận tải hành khách đường thuỷ từ bờ ra đảo.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong 9 tháng, qua theo dõi thiết bị giám sát hành trình, camera, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm 469.739 phương tiện, trong đó thu hồi phù hiệu hơn 25.000 phương tiện.
Tuy nhiên, Nghị định 86 quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước đây quy định thu hồi phù hiệu xe vi phạm giao thông từ 1-2 tháng, sau đó mới xem xét cấp lại phù hiệu mới. Khi sửa đổi và ban hành Nghị định 10, nội dung này không còn. Doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại, dẫn đến quản lý chưa hiệu quả. Trước đây, doanh nghiệp có 20% số xe bị thu hồi phù hiệu sẽ bị xử lý cả giấy phép kinh doanh nhưng quy định hiện hành cũng không còn. Cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất sửa đổi các nội dung liên quan của Nghị định 10, thêm các chế tài để tăng tính răn đe.
Về phía Bộ Công an, bộ trưởng đề nghị duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có GPLX điều khiển mô tô, nhất là các trường hợp gây TNGT.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tích hợp thông tin khám sức khỏe lái xe lên hệ dữ liệu quốc gia để dùng chung, qua đó cho phép các doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể truy cập tham khảo các thông tin sức khỏe lái xe khi cần thiết.Nhấn mạnh tầm quan trọng của địa phương, bộ trưởng cho rằng, các quy định pháp luật chỉ đi vào cuộc sống khi được triển khai hiệu quả tại địa phương. Từ đó, đề nghị các địa phương vừa tuyên truyền vừa có các hoạt động xử lý nghiêm với hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm TTATGT của học sinh.
Trong Chỉ thị 10 của Thủ tướng đã yêu cầu rất rõ: Khi có vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chủ trì tổ chức hội nghị với các cơ quan, lực lượng chưc năng đánh giá nguyên nhân, triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập, đồng thời xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương làm đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương đã tham gia phát biểu, đóng góp nhiều kinh nghiệm, đề xuất các kiến nghị liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT. Trong đó, tập trung vào 2 vấn đề chính đang gây bức xúc trong dư luận, gồm: hoạt động đảm bảo TTATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hiện tượng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy gây tai nạn giao thông ở một số địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận