Đi bộ dự tiệc đám cưới thì gặp nạn
Trưa 26/1, đoạn đường Hồ Chí Minh qua thôn Phú Vinh, xã Ia Băng (Chư Prông, Gia Lai) tấp nập xe cộ.
Tại đây, có hai nhà rạp dựng lên nằm trong hành lang ATGT đường bộ. Một rạp tổ chức lễ cưới, cách đó khoảng trăm mét là cảnh u uất của một gia đình có người thân chẳng may xấu số do TNGT.
Rạp đám cưới được tổ chức trước căn nhà của ông Cường (đã đổi tên nhân vật, thôn Phú Vinh) vào ngày 25/1.
Để dựng rạp này, gia đình đã yêu cầu lắp các khung tiền chế, chỉ cách mặt đường Hồ Chí Minh chưa đầy 2m. Toàn bộ rạp đám cưới nằm trọn trong hành lang ATGT của quốc lộ.
Chiều muộn ngày 25/1, ông Trần Văn Hương (SN 1965, trú TDP 5, TT Chư Sê, huyện Chư Sê) đi bộ đến ăn buổi tiệc nhóm họ (tiệc trước ngày cưới) của người cháu.
Khi gần đến rạp thì ông bị chiếc ô tô tải BKS 81C-167.95 lưu thông theo hướng Pleiku - Chư Sê do tài xế Phạm Xuân Tuất (SN 1985, trú thôn Lâm Tôk, xã Ia Krel, H. Đức Cơ, T. Gia Lai) điều khiển tông trúng. Cú tông bất ngờ đã khiến ông Hương tử vong tại chỗ.
"Chiều hôm qua, ông đi bộ từ nhà sang dự buổi cơm thân mật để cùng chung vui cho đám cháu nhưng tai nạn chẳng may xảy ra. Người cũng không còn nữa, chuyện vui hạnh phúc của các cháu đã không trọn vẹn", một người thân ông Hương nói.
Dựng rạp cưới trên hành lang không xin phép
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Trương Thị Thu Thúy, Phó chủ tịch UBND xã Ia Băng (Chư Prông, Gia Lai) cho biết, đây là vụ tai nạn đáng tiếc.
"Đám cưới là chuyện lớn của gia đình. Tuy nhiên, về nguyên tắc, người dân khi tổ chức sự kiện đông người phải thông báo và viết cam kết về việc tự ý dựng rạp trên hành lang đường bộ.
Mọi trường hợp khác ở xã đều đến công an xã, chính quyền địa phương để thông báo, đăng ký xin phép dựng rạp trên hành lang quốc lộ.
Trong đó, có đơn cam kết đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, gia đình này chỉ thông báo là tổ chức đám cưới với khoảng 700 khách mà không có cam kết hoặc xin phép liên quan hành vi chiếm dụng hành lang đường bộ để làm rạp.
Lẽ ra, gia đình nên phối hợp với chính quyền địa phương để công an xã và gia đình cắt cử người canh trực, hướng dẫn khách đi lại đảm bảo an toàn giao thông quanh khu vực tổ chức đám cưới. TNGT không may xảy ra rồi, xã cũng coi đây là bài học để rút kinh nghiệm sau này", bà Thúy, cho biết
Ông Trần Thái Hòa, Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ III.4 (Khu Quản lý đường bộ III) cho rằng quốc lộ có mật độ phương tiện lớn, tốc độ lưu thông cao.
Việc khi người dân tự ý chiếm dụng hành lang ATGT để dựng rạp đã che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.
"Việc người dân tự ý dựng rạp đám cưới, hoặc mọi hành vi lấn chiếm hành lang quốc lộ đều gây mất trật tự ATGT.
Mọi hành vi chiếm dụng hành lang ATGT đều trái pháp luật và cần được xử lý nghiêm. Người dân dựng rạp để tổ chức ma chay, cưới hỏi theo phong tục nhiều khi cũng rất khó cho công tác xử lý vi phạm. Vì vậy, chính quyền địa phương hết sức lưu ý trong trường hợp này", ông Hòa cho biết.
Cũng theo ông Hòa, khi gia đình có nhu cầu thì cần phải liên hệ chính quyền địa phương để được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có các biện pháp để tuyên truyền, răn đe khi người dân vi phạm.
"Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 thường xuyên phối hợp với các địa phương dọc trên các tuyến quốc lộ được giao quản lý để phát tờ rơi tuyên truyền người dân không tự ý chiếm dụng hành lang vỉa hè quốc lộ gây mất ATGT.
Tuy nhiên, vụ TNGT xảy ra làm thiệt hại về người là việc rất đáng tiếc. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để chung tay vì ATGT", ông Hòa nói.
Video ghi lại cảnh mất ATGT tại đám cưới của một người dân chiếm dụng hành lang ATGT đường Hồ Chí Minh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận