Vụ ép mía đường năm 2023-2024 đang diễn ra sôi động tại vùng mía Đông Nam tỉnh Gia Lai, với diện tích trồng mía tăng lên hơn 14.000 ha, sản lượng mía chế biến ước đạt trên 1 triệu tấn.
Đây là nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân, tuy nhiên để quá trình vận chuyển mía về nhà máy không để xảy mất an toàn giao thông vẫn là một thách thức lớn đối với ngành chức năng tại tỉnh này.
Yêu cầu doanh nghiệp cam kết không chở quá tải
Trong những niên vụ trước, tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng diễn ra khá thường xuyên, gây mất trật tự và là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Để khắc phục tình trạng này, các nhà máy mía đường đã tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các đầu xe chở mía ngay từ đầu vào và tăng cường tuyên truyền nhằm ngăn chặn xe quá tải, quá khổ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Tuấn Thông - Phó giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai, đơn vị chủ quản của Nhà máy Đường Ayun Pa (Ayun Pa, Gia Lai) cho biết: "Từ những ngày đầu triển khai niên vụ ép, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 150 -170 đầu xe chở mía về, dao động từ 5.000 - 6.000 tấn mía/ngày".
"Để khắc phục tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng hàng, ngay từ đầu vụ mía công ty đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông tuyên truyền và yêu cầu các cá nhân, đơn vị ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông. Sau đó, các đơn vị đã ký cam kết tuân thủ. Riêng đối với những trường hợp vi phạm, chúng tôi kiên quyết không cho nhập mía vào cho đến khi các đơn vị tuân thủ".
Đặt vấn đề về việc xe chở mía quá khổ quá tải, ông Nguyễn Hữu Tâm - tài xế xe tải chở mía cho Nhà máy Đường Ayun Pa cũng cho biết, bản thân đã chở mía vào mùa vụ hơn chục năm nay.
"Ngày xưa, chúng tôi còn có thể chở thêm chút ít nhưng bây giờ rất khó khăn. Trước khi chở phải cam kết chở đúng trọng tải, như mọi người thấy, xe mía chúng tôi đều chở gọn đầu, gọn đuôi, bằng kèo và đủ tấn, đủ tải chứ không được phép chở quá. Chở đúng tải như thế này thì thu nhập có thấp hơn chút nhưng được cái an toàn".
Kiểm soát ngay từ ruộng mía
Qua số liệu rà soát của Phòng CSGT, Công an tỉnh Gia Lai, trong năm 2023, toàn tỉnh này có hơn 180 ô tô tải của 4 hợp tác xã kinh doanh vận tải tham gia chở mía của các vùng nguyên liệu mía. Các phương tiện hoạt động tại tuyến quốc lộ 25, các tuyến tỉnh lộ và đường liên huyện đến Nhà máy Đường Ayun Pa.
Để kiểm soát phương tiện không để xảy ra tình trạng xe tải lén lút chở quá tải, đơn vị này cũng đã lên kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, phối hợp cùng các nhà máy rà soát, vận động người dân không cơi nới thùng hàng, không chở quá tải, cam kết kéo giảm tình trạng mất trật tự ATGT.
Trung tá Lê Công Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Gia Lai cho biết: "Đội phụ trách tuyến quốc lộ 25 liên quan đến vấn đề vận chuyển mía của 6 huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh tập trung chở mía về nhà máy đường.
"Để đảm bảo ATGT trên tuyến, chúng tôi bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra khép kín 24/24h trong ngày. Đối với các phương tiện cố tình chở quá khổ, quá tải, đơn vị sẽ triển khai cân lưu động; nếu vi phạm, đơn vị sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Từ đó, trong những năm gần đây các vụ tai nạn liên quan đến xe mía đã không còn xảy ra".
Theo kế hoạch, vụ ép mía năm 2023-2024 tại khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai sẽ kết thúc vào cuối tháng 4/2024. Với sự phối hợp của các bên liên quan, hy vọng trong niên vụ ép 2023-2024 sẽ giảm thiểu được những rủi ro và khó khăn trong quá trình vận chuyển mía, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT.
Trong khi đó, ông Đoàn Đức Mạnh - Phó chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, các vụ mùa trước đã xảy ra tình trạng xe chở mía quá khổ quá tải. Đây cũng là vấn đề nhức nhối trong vụ mùa mía của tỉnh.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 12/2023 đến nay, TTGT của Sở GTVT qua tuần tra cho thấy tài xế chấp hành tốt, hành thùng không cơi nới, trọng tải lên cân được đảm bảo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận