Cam kết lắp trạm cân nhưng không thực hiện
Ngày 19/4, Báo Giao thông đăng tải bài viết: "Đồng Hỷ, Thái Nguyên: Chủ mỏ đá tiếp tay xe quá tải tàn phá đường", phản ánh việc nhiều mỏ đá tại các xã Quang Sơn, Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên chưa lắp đặt trạm cân tải trọng, để mặc cho xe quá tải lưu thông khiến đường tỉnh 272 xuống cấp nghiêm trọng.
Sau bài viết trên, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều phản ánh liên quan đến việc nhiều mỏ chưa đủ điều kiện, chưa thực hiện hết quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn được hoạt động trái quy định.
Đơn cử, ngày 15/7/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký giấy phép cho phép Công ty CP Khai thác đá vôi và vật liệu xây dựng được phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ đá Lũng Chò, xã Quang Sơn.
Diện tích khu vực khai thác là 5,98ha, trữ lượng khai thác là 5.020.264m3, công suất 180.000m3/năm, thời hạn khai thác 28,9 năm.
Trong giấy phép quy định rõ việc quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản phải thực hiện đúng theo quy định, trước khi khai thác báo cáo Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mốc giới…
Bên cạnh đó, ngày 17/11/2023, bà An Thị Nguyệt, giám đốc công ty đã ký cam kết chấp hành nghiêm, trong đó có việc lắp đặt trạm cân tải trọng tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi vị trí khai thác. Tuy nhiên, đến nay, công ty này vẫn chưa thực hiện.
Tương tự, Công ty CP Vật liệu xây dựng Bắc Thái đã được cấp phép khai thác khoáng sản từ ngày 29/6/2011 tại mỏ đá Xuân Quang, khu vực giáp ranh giữa hai xã Quang Sơn và Tân Long, huyện Đồng Hỷ với công suất chỉ 48 nghìn m3/năm.
Tuy nhiên, 13 năm nay, công ty này vẫn rầm rộ khai thác, vận chuyển đá đi tiêu thụ nhưng chưa lắp đặt trạm cân. Cuối năm 2023, ông Hoàng Đức Tùng, giám đốc công ty ký cam kết song đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.
Hay như trường hợp Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Bắc Sông Cầu Thái Nguyên được cấp phép khai thác đá tại mỏ đá Lân Đăm 1, xã Quang Sơn từ năm 2015, công suất khai thác là 80 nghìn m3/năm. Dù đã ký cam kết lắp đặt trạm cân từ cuối năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Điều đáng nói, trao đổi với PV, lãnh đạo, quản lý của các doanh nghiệp này khẳng định: Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên có kiểm tra, hướng dẫn và cho biết việc lắp đặt trạm cân là quy định không bắt buộc, "chưa cần thiết nên chưa phải thực hiện".
Khi PV đặt câu hỏi về việc này, lãnh đạo Phòng Quản lý khoáng sản, Sở TN&MT Thái Nguyên khẳng định: "Không có chuyện phát ngôn như vậy".
Sẽ kiểm tra, đình chỉ theo quy định
Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên cho biết, cuối tháng 8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều bị can về hành vi "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".
Trong đó có 4 bị can là lãnh đạo, nhân viên Công ty CP Yên Phước, trụ sở tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ và một số lãnh đạo Sở TN&MT, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên.
Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 3/2019-8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty CP Yên Phước với sản lượng khai thác khoảng hơn 2 triệu tấn than nguyên khai. Bình quân hàng năm, lượng than công ty này khai thác lậu gấp hơn 120 lần công suất được phép khai thác, trục lợi hàng trăm tỷ đồng.
Trước vụ việc trên, ngày 15/9/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra toàn bộ các mỏ khoáng sản trên địa bàn.
Trao đổi với PV về kết quả cuộc kiểm tra trên, ông Lê Quang Minh, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Đoàn kiểm tra đã có kết luận vi phạm đối với từng mỏ trong 117 mỏ. Nhiều mỏ đã bị đình chỉ khai thác trong thời gian dài để khắc phục vi phạm.
Sau đó, năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu tất cả các điểm mỏ phải ký cam kết lắp đặt trạm cân và chấp hành các quy định liên quan mới được khai thác trở lại.
Theo ông Minh, từ đó đến nay, do Phòng Quản lý khoáng sản chỉ có 5 người nên Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên chưa tiếp tục tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan. Qua phản ánh của Báo Giao thông, đơn vị này mới biết nhiều mỏ vẫn ngang nhiên vi phạm nên đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra.
Ngay cuối tháng 4 này, những mỏ còn vi phạm như phản ánh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động từ 4-6 tháng vì tái phạm.
Lãnh đạo Sở TN&MT cũng khẳng định: Để xảy ra vi phạm nêu trên, trách nhiệm trước hết là của đơn vị khi chưa kịp thời phát hiện, xử lý, để các mỏ chưa đủ điều kiện hoạt động trong thời gian dài. Hơn nữa, UBND huyện Đồng Hỷ cũng có trách nhiệm liên quan khi buông lỏng quản lý từ cơ sở, chưa phát hiện, báo cáo và đề xuất giải pháp quản lý, xử phạt theo quy định.
Ngày 22/4, PV đã liên hệ, trao đổi với ông Nguyễn Thế Hoàn, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ để làm rõ trách nhiệm liên quan nhưng nhận được hướng dẫn để lại nội dung tại văn phòng, UBND huyện sẽ cung cấp đầy đủ thông tin.
Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần liên hệ, UBND huyện Đồng Hỷ vẫn chưa trả lời với lý do bận họp.
Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu Công an huyện Đồng Hỷ tăng cường lực lượng kiểm soát tải trong xe trên địa bàn bằng thiết bị cân tải trọng đã được trang cấp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phối hợp với các lực lương chức năng xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng, kích thước thành thùng xe, đặc biệt là kiểm soát ngay tại bến bãi, nguồn hàng, điểm mỏ.
Ngay sau chỉ đạo trên, Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo tổ công tác thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên QL 1B, điểm gần các mỏ đá trên. Đến ngày 22/4 đơn vị này đã phát hiện, xử lý 31 trường hợp chở hàng quá tải, 3 trường hợp cơi nới thành thùng xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận