Chưa lắp cân vì chưa bắt buộc (?)
Những ngày gần đây, nhóm PV Báo Giao thông nhiều lần có mặt tại thôn Thống Nhất, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận hoạt động của các mỏ khai thác đá trên địa bàn. Điều đáng nói, hầu hết các điểm mỏ đều không lắp đặt trạm cân tải trọng xe theo quy định, thậm chí còn ngang nhiên cho bốc xếp hàng hóa lên xe quá tải.
Nhiều xe cơi nới thành thùng, chở đá có ngọn.
Bà An Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty CP Khai thác đá vôi và Vật liệu xây dựng cho biết: "Điểm mỏ này đã khai thác 5 năm nay và chưa có trạm cân. Tôi mới mua lại, vận hành từ tháng 9/2023, đã cam kết lắp đặt trạm cân nhưng chưa có vị trí lắp đặt".
Cách đó không xa, mỏ đá Lân Đăm 1 của Công ty TNHH Tổng hợp Bắc Sông Cầu cũng đã hoạt động gần 10 năm nay nhưng cũng chưa lắp đặt trạm cân.
Ông Phan Văn Đại, Giám đốc điều hành mỏ này lý giải: "Chúng tôi đã hoạt động nhiều năm nay, Sở TN&MT nhiều lần kiểm tra nhưng cho biết quy định lắp đặt trạm cân là chưa bắt buộc. Chúng tôi cứ bốc xếp theo yêu cầu của khách hàng, trường hợp quá tải sẽ bị lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý khi lưu thông".
Clip nhiều mỏ đá tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã hoạt động nhiều năm nhưng chưa lắp đặt trạm cân.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Phát, quản lý mỏ đá của Công ty CP Vật liệu xây dựng Bắc Thái cũng khẳng định, hàng quý Sở TN&MT tỉnh và các cơ quan chức năng đều đến kiểm tra nhưng đều nói việc lắp đặt trạm cân là không bắt buộc nên công ty chưa triển khai.
Được biết, trên địa bàn xã hiện có 9 mỏ khai thác đá, chủ yếu tập trung tại thôn Thống Nhất. Đến nay, mới chỉ có 3 mỏ của Công ty Bê tông Việt Cường, Công ty Hải Bình và Công ty CP Xi măng La Hiên đã lắp đặt trạm cân, 6 mỏ còn lại chưa lắp đặt. Thực tế, ngay cả những đơn vị đã lắp đặt, vận hành cũng ngang nhiên tiếp tay cho xe quá tải.
Ngang nhiên chở quá tải
Đường tỉnh 272 có biển cấm tải trọng trục trên 8 tấn, cống Xuân Quang dẫn vào các mỏ có biển cấm tải trọng trục trên 9,5 tấn nhưng các xe quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông.
Trên đường có biển cấm tải trọng trục xe nhưng các xe quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông.
Lúc 11h20 ngày 16/4, xe Howo BKS 20C - 065.42 lặc lè vận chuyển đầy ắp đá ra khỏi mỏ khai thác đã của Công ty CP Khai thác đá vôi và Vật liệu xây dựng. Theo phiếu xuất hàng, chiếc xe 4 chân này vận chuyển 27m3 bây B, tương đương trọng lượng 48 tấn, quá tải hơn 300% trọng tải cho phép của xe và quá tải gần 100% trọng tải cho phép lưu thông của đường tỉnh 272.
Clip xe quá tải nối đuôi nhau lưu thông, phá đường tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên.
Trước đó, lúc 10h55 cùng ngày, PV ghi nhận xe BKS 20L - 9429 có tổng tải trọng 32,9 tấn trong khi phương tiện chỉ cho phép lưu thông với tổng tải trọng khoảng 25 tấn. Chia đều các trục, chiếc xe trên có trọng tải trục đạt 10,9 tấn/trục, quá trọng tải cho phép lưu thông của đường tỉnh 272.
Hay trước đó, khoảng 11h ngày 12/4, PV cũng ghi nhận xe đầu kéo BKS 20H - 009.14 kéo theo rơ-moóc BKS 20R - 013.83 cơi nới thành thùng, được ngụy trang bằng bạt cánh chở khối lượng hàng tổng trọng tải cả xe và hàng là 85,4 tấn ra khỏi mỏ đá của Công ty TNHH Hải Bình. Trong khi đó, tổng trọng tải tối đa của phương tiện này cho phép lưu thông chỉ khoảng 52 tấn.
Đường tỉnh nát như ruộng cày
Ghi nhận của PV, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe trọng tải lớn vận chuyển đá đi qua đường tỉnh 272. Tình trạng trên khiến tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều đoạn đường chi chít ổ trâu, ổ voi và sống trâu trên đường gây khó khăn cho lưu thông.
Phương tiện lưu thông dày đặc khiến đường tỉnh 272 xuống cấp nghiêm trọng.
Dù sử dụng xe bán tải, gầm cao nhưng PV vẫn mất khoảng 1 giờ lưu thông, vật lộn để di chuyển qua đoạn đường chưa đầy 10km. Đặc biệt, trên suốt đoạn đường này hầu như không còn bất kỳ cọc tiêu, biển báo, hộ lan hay hệ thống bảo đảm ATGT nào; nhiều đoạn nhầy nhụa, lầy lội như ruộng cày.
Nhiều người dân địa phương cho biết, tình trạng này đã diễn ra khoảng 10 năm nay, từ khi gần 20 mỏ đá được cấp phép hoạt động trên địa bàn xã Quang Sơn và Tân Long. Tuy các doanh nghiệp cũng thường xuyên sửa chữa nhưng đường vẫn thường xuyên trong tình trạng hư hỏng.
Clip người dân bức xúc, phản ánh việc xe tải nườm nượp phá đường.
Ông Khúc Kim Quảng, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn xác nhận: Trên địa bàn xã và xã Tân Long kế bên có gần 20 mỏ đá nên mỗi ngày có hàng trăm xe lưu thông khiến đường tỉnh 272 xuống cấp. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm khiến người dân bức xúc, nhiều lần chặn xe làm mất an ninh trật tự.
Đầu năm nay UBND xã đã tổ chức cuộc họp, yêu cầu các mỏ góp tiền, thuê sửa đường, tưới nước, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời kiến nghị Công an huyện Đồng Hỷ và các lực lượng chức năng vào cuộc kiểm soát tải trọng xe.
Cam kết nhưng không thực hiện
Theo Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có gần 30 mỏ khai thác đá được cấp phép hoạt động, chủ yếu tập trung tại các xã Tân Long, Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ. Trước ngày 20/11/2023, Sở đã yêu cầu 100% doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn ký cam kết, lắp đặt trạm cân tải trọng, bảo đảm lưu trữ dữ liệu khai thác, vận chuyển theo quy định.
Phiếu xuất hàng thể hiện phương tiện chở hàng quá tải hơn 300% quy định.
Khi PV đặt câu hỏi về việc các chủ mỏ cho rằng khi đến kiểm tra, Sở TN&MT nói "chưa bắt buộc lắp trạm cân", lãnh đạo Phòng Quản lý khoáng sản, Sở TN&MT Thái Nguyên khẳng định: "Không có chuyện phát ngôn như vậy. Lắp đặt trạm cân là quy định bắt buộc, đã được Sở chỉ đạo, yêu cầu phải làm ngay trong giấy phép khai thác khoáng sản. Phòng sẽ tham mưu Sở TN&MT thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".
Về việc quản lý công suất, sản lượng khai thác tại các điểm mỏ trên hiện nay, vị này cho biết: Do không có trạm cân, việc kiểm soát sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở số liệu báo cáo của các đơn vị. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ mời đơn vị tư vấn thẩm định độc lập. Việc kiểm tra công suất khai thác sẽ do Phòng TN&MT các huyện đảm nhận, vì hiện Phòng quản lý khoáng sản chỉ có 4 người, không thể kiểm tra, quản lý hết.
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Đồng Hỷ cho rằng, đơn vị chỉ có trách nhiệm kiểm tra mốc giới, bảo đảm các mỏ khai thác đúng mốc giới quy định. Riêng công suất, sản lượng, đơn vị không nắm được vì không có chuyên môn.
Trao đổi với PV, chủ các mỏ đá và lãnh đạo lực lượng TTGT, CSGT tỉnh Thái Nguyên đều khẳng định hằng năm các đơn vị đều đã ký cam kết chấp hành quy định về tải trọng xe, vệ sinh môi trường và ATGT. Tuy nhiên, hiện cam kết này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Đơn cử, xe ô tô đầu kéo BKS 99F - 006.52 kéo theo rơ-moóc mang BKS 98R - 017.98 và xe tải 15C - 143.93 chở hàng vượt quá chiều cao; các xe đầu kéo BKS 20C - 287.74 kéo theo rơ-moóc BKS 20R - 015.22; BKS 20C - 191.08 kéo theo rơ-moóc BKS 20R - 010.42 cơi nới thành thùng; xe BKS 20C - 252.73 chở hàng quá tải mức 2...
Chỉ huy Đội CSGT Công an huyện Đồng Hỷ khẳng định, đã nhiều lần phát hiện, xử lý xe quá tải trên đường tỉnh 272. Đội sẽ tham mưu ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên tuyến đường này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận