Đây cũng đang là một trong những bất cập chính trong công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát từ lòng sông trên địa bàn Bình Định; kéo theo nhiều hệ lụy: xe quá tải tung hoành, buôn bán cát không hóa đơn chứng từ, lãng phí tài nguyên và phá hoại hạ tầng giao thông, cầu đường huyết mạch trên địa bàn…
Phương tiện xuất phát từ mỏ cát dọc sông Kôn chở cát lên đường ĐT636B rồi rẽ vào đường bê tông dẫn vào thôn Thủ Thiện Thượng ra QL19. Có thể thấy phương tiện này chở cát "có ngọn", dấu hiệu quá tải, che chắn không kỹ, cát và nước chảy xuống đường. Ảnh chụp lúc 14 giờ ngày 3/8
Xe siêu tải phá cầu đường yếu
Đầu tháng 8/2021, PV có mặt tại khu vực các mỏ cát trên sông Kôn, đoạn qua các xã Bình Nghi, Tây Bình (huyện Tây Sơn, Bình Định) để ghi nhận phản ánh của người dân về việc đoàn xe thùng khủng từ các mỏ cát lên cày phá đường dân sinh.
Tại đây, khoảng 15 giờ chiều 2/8, từ mỏ cát của Công ty TNHH gạch không nung Phương Thảo trên bãi bồi sông Kôn, một chiếc máy múc cỡ lớn hoạt động hết công suất, liên tục vục gàu xuống sâu dưới lòng sông múc lên những thớ cát vàng óng rồi đổ lên những thùng xe đang đợi sẵn. Hàng loạt các xe, đa số là các xe 3 chân chực chờ để nhận hàng.
Sau khi chứa cát “có ngọn”, phương tiện 77C-198.51 ì ạch bò lên con đường mở xuống lòng sông rồi ra đường ĐT636B nối từ ngã tư Nhơn Phúc lên xã Bình Nghi. Trích xuất dữ liệu đăng kiểm, phương tiện này có chủ là Nguyễn Hữu Trung, (thôn Tùng Giản, Phước Hòa, Tuy Phước). Phương tiện này có kích thước thành thùng lần lượt là 5300 x 2250 x 1450 (mm). Nhẫm tính, chỉ cần chở bằng thùng (chưa tính phần ngọn – PV), phương tiện này đã chở lên đến gần 18 khối cát. Với hệ số cát ướt, phương tiện này chở lên đến 22 - 23 tấn, vi phạm quy định rõ ràng bởi phương tiện có trọng tải cho phép TGGT chỉ 8,8 tấn.
Sau khi lên đường ĐT636B, phương tiện này bẻ lái vào đường bê tông qua thôn Thủ Thiện Thượng ra QL19 rồi chở về hướng huyện Tuy Phước. Trong khi đầu đường bê tông này có cắm bảng giới hạn 10 tấn. Nhưng trong khoảng 1 giờ đồng hồ, theo quan sát của PV đã có hơn 10 xe tải trọng lớn (20-25 tấn) hoạt động. Các phương tiện 3, 4 trục 77C-143.78, 77C-102.37… cũng xuất phát từ các mỏ Tuấn Phong, Phương Thảo, Đắc Tài… dưới sông Kôn lên cày nát tuyến đường này mà không hề thấy bóng dáng của lực lượng CSGT, TTGT kiểm tra, xử lý.
ĐT636B điểm đầu dẫn vào các mỏ cát trên sông Kôn thuộc xã Bình Nghi. huyện Tây Sơn hư hỏng nghiêm trọng
Việc xe chở cát tải trọng lớn thường xuyên qua lại khiến nền đường bong tróc lởm chởm lộ ra lớp đá phía dưới. Đoạn đường ĐT636B gần 10km từ ngã tư Nhơn Phúc lên xã Bình Nghi xuất hiện hàng chục điểm hư hỏng, “ổ gà” xuất hiện dày đặc, nhiều vị trí hư hỏng cục bộ tiềm ẩn nguy hiểm và trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Trong khi đường bê tông qua thôn Thủ Thiện Thượng có đoạn vết nứt kéo dài hàng chục mét.
Theo ông L.V.B có nhà tại thôn Thủ Thiện Thượng: “Các phương tiện này khi đi chiếm hết phần đường, các phương tiện phía sau bị mất tầm nhìn và buộc phải chờ phương tiện này đi qua mới di chuyển tiếp được. Nước từ thùng xe chảy xuống khiến con đường nhầy nhụa, trơn trượt.
Không chỉ ảnh hưởng đến phương tiện khác khi lưu thông qua đây, phương tiện này còn gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bởi con đường bê tông qua thôn Thủ Thiện Thượng rất nhỏ, nhiều đoạn quanh co, nhà cửa san sát. Quá bức xúc, liên tiếp những ngày từ 9 đến ngày 10/8, một số người dân đã kéo ra để chặn các xe này”.
Đường bê tông vào thôn Thủ Thiện Thượng cũng xuất hiện hư hỏng kéo dài hàng trăm mét khi gồng gánh đoàn xe quá tải
Cần chế tài xử lý mạnh, rút phép mỏ!
Ngày 12/8, PV trong vai người mua cát đã liên hệ với ông Tuấn, quản lý mỏ cát Tuấn Phong. Ông này cho biết: “Một năm nay, mỏ cát Tuấn Phong đã được sang lại cho ông Tài - mỏ cát Đắc Tài?!”.
Liên hệ với ông Tài, ông này cho biết mỏ Tuấn Phong vẫn đang hoạt động bình thường, ông chỉ là chủ mỏ Đắc Tài. Theo ông Tài, lâu nay xe tải trọng hơn 20 tấn vẫn cứ đi vào thôn Thủ Thiện Thượng ra QL19 bình thường, không vấn đề gì cả.
Quan sát của PV, các mỏ cát Đắc Tài, Tuấn Phong, Phương Thảo đều không được lắp cân tải trọng. Các phương tiện xuống lòng sông chở cát ướt rồi cứ thế nối đuôi nhau lên cày phá đường dân sinh.
Ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Định thừa nhận tình trạng xe chở cát quá tải trọng, xe thùng lớn hoạt động gây hư hỏng tuyến đường này. Vừa qua, lực lượng chức năng của Sở đã tiến hành kiểm tra và xử phạt một phương tiện chở cát trên sông Kôn đi trên đoạn đường qua đây với số tiền hơn 75 triệu đồng về lỗi chở hàng vượt tải trọng cho phép tham gia giao thông của xe lên đến trên 150% (cụ thể là vượt 378,24%).
“Tuy nhiên, thời gian vừa qua lực lượng của đơn vị cũng tăng cường công tác chống dịch Covid-19 nên không thể thường xuyên tuần tra trên hết các tuyến. Do đó, các phương tiện vi phạm lén lút hoạt động, né tránh sự kiểm tra”, ông Quả nói.
Những xe tải thùng lớn xuất phát từ mỏ cát trên sông Kôn chở cát vào đường thôn Thủ Thiện Thượng. Bức xúc, người dân đã ra chặn đường không cho các phương tiện này qua đây
Một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định chia sẻ với PV, việc các phương tiện vi phạm cũng có một phần lỗi từ chủ các mỏ vật liệu. Đa số các mỏ đều không được lắp cân tải trọng. Họ thường chạy theo lợi nhuận, chỉ quan tâm đến việc bán được bao nhiêu đất, cát chứ không quan tâm việc bảo vệ môi trường, kết cấu giao thông.
"Việc cấp giấy phép khai thác mỏ cát, mỏ đất phải có điều kiện, nếu doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng thì rút giấy phép. Khi phát hiện, CSGT chỉ cần lập biên bản phạt 1 lần vi phạm, nếu tài xế khai lấy cát từ mỏ nào thì chúng tôi sẽ làm văn bản gửi SởTNMT, đơn vị cấp phép khai thác mỏ, căn cứ vào biên bản của CSGT để xác minh, đủ cơ sở thì xử lý chủ mỏ vi phạm, rút giấy phép", vị này khẳng định.
(Còn tiếp...)
Thống kê Sở TN&MT Bình Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh UBND tỉnh cấp 41 giấy phép đang khai thác cát cát lòng sông trên 4 sông chính là sông Hà Thanh, sông Kôn, sông La Tinh và sông Lại Giang (hợp lưu của sông Kim Sơn và sông An Lão) cho 39 doanh nghiệp hoạt động khai thác với tổng diện tích cấp phép 120,6ha, trữ lượng cấp phép đạt 2.693.809m³, công suất khai thác hằng năm theo thiết kế đạt 650.300m³/năm.
Ngoài việc đã lắp camera, hiện các mỏ đều chưa lắp trạm cân tải trọng. Đáng nói việc lắp camera mới chỉ phục vụ hoạt động mỏ mà chưa có hệ thống kết nối giám sát đến các cơ quan chức năng (TTGT, cục thuế…).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận