Vô tư chở quá tải, mua cát tại mỏ không cần hóa đơn
Những ngày gần đây, trên các tuyến đường liên xã, huyện lộ và QL19B, QL19 trên địa bàn huyện Tây Sơn, PV Báo Giao thông ghi nhận từng đoàn xe chở cát “có ngọn” từ các điểm mỏ hoạt động rầm rộ, vô tư để rơi vãi, thậm chí vượt các cầu yếu, cấm tải.
Xe “siêu tải” BKS 34H-000.73 (logo Phú Hưng) vô tư chở cát có ngọn, dấu hiệu quá tải phương tiện và quá tải cầu 13 tấn trên tuyến ĐH28, rơi vãi cát suốt hành trình (Chụp ngày 30/7)
Theo chân đoàn xe này các ngày 29 - 30/7, PV tìm đến điểm mỏ Phú Hưng Hà Nội tại khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, Tây Sơn).
Ngay bên dòng sông, 2 máy múc đang hoạt động hết công suất. Từng xe tải loại 3 - 4 chân nối đuôi nhau vào nhận cát đầy “có ngọn”. Một số xe bẻ lái hướng về chiếc máy sàng đặt ngay ở đầu bãi, số còn lại đánh lái ra ngoài đường ĐH28. Nhiều xe mang logo Phú Hưng.
Khoảng 10h trưa 30/7, xe ben 4 trục BKS 34H-000.73 (logo Phú Hưng) nhận đầy thùng cát ì ạch từ phía lòng sông ra đường ĐH28. Trích dữ liệu đăng kiểm, xe này của ông Nguyễn Quy Khoa (trú Hải Dương) có tổng trọng tải 30 tấn, tải trọng hàng cho phép 18 tấn và chiều cao thành thùng giới hạn 1,1m.
Tuy nhiên, nhìn mắt thường cũng thấy xe ben này có thùng “khủng”, chất đầy cát ướt quá thành thùng. Theo cánh tài xế, số cát trên xe khoảng 22 khối, tương đương 27 - 28 tấn (hệ số vật liệu cát ướt), dấu hiệu quá tải rõ ràng.
Đáng nói, ngay tại tuyến ĐH28 ra vào mỏ này có cầu Vân Phong cấm tải trên 13 tấn, tuy nhiên chiếc xe “siêu tải” BKS 34H-000.73 vẫn vô tư chạy qua, trực chỉ ra QL19B, rẽ vào QL19 trước khi dừng tại bãi tập kết cát tại lò gạch cũ trên địa bàn xã Tây Xuân (Tây Sơn).
Tiếp đến lần lượt các xe ben “siêu tải” (tổng tải trọng theo đăng kiểm 30 tấn, chưa kể chở có ngọn, quá tải - PV) BKS 34H-000.99, 34H-000.23 (logo Phú Hưng), cùng một số xe khác BKS 77C-188.74, 98H-088.53… cũng vô tư ngược xuôi, phá đường, cầu yếu mà không gặp bất kỳ sự kiểm tra, xử lý nào của lực lượng chức năng.
Trước đó ngày 29/7, trong vai khách hàng cần mua gần trăm nghìn khối cát để san lấp, PV được một người tên Khoa (chủ xe logo Phú Hưng - PV) nhận là quản lý mỏ Phú Hưng Hà Nội (chủ mỏ là ông Toàn ở Hà Nội) tiếp chuyện tại dãy nhà điều hành ngay ở mỏ.
Ông Khoa cho biết, đây là mỏ lớn nhất của Bình Định nên cần khối lượng lớn vẫn đáp ứng đủ. Nếu ký hợp đồng, vận chuyển ngay, giá cát là 35.000 đồng/khối, cộng hóa đơn 42.000 đồng/khối.
Tuy nhiên, theo ông Khoa, cát mua bao nhiêu cũng được, còn hóa đơn chỉ xuất được tối đa 50% khối lượng mua và cũng chỉ ở mức khoảng 30.000 khối. PV đặt vấn đề mua 30.000 khối có hóa đơn, vị này lại quả quyết, chỉ có thể cấp hóa đơn được 50%. Còn lại, mỏ phải xử lý cho các khách hàng hóa đơn cát vào các trạm trộn.
“Nếu mua chậm, sang đầu năm sau, giá cát lên đến 50.000 đồng/khối, anh làm hợp đồng, mua sớm thì mới có giá tốt”, ông Khoa nói.
Cũng theo ông này, nếu cần vận chuyển, mỏ sẽ hỗ trợ xe, giá cước khoảng 2.500 đồng/khối/km. Liên quan vấn đề tải trọng, ông này cho rằng, các xe của khách hàng vẫn chạy bình thường. Dân cản thì mỏ sẽ lo, còn lại nếu xe của khách thì tự xử lý “luật” trên đường?!
Chưa lắp trạm cân, chủ mỏ chối trách nhiệm!
Xe "siêu tải" BKS 34H-000.73 cùng hàng loạt xe tải 30 tấn vô tư lưu thông qua cầu 13 tấn trên tuyến ĐH28 (Chụp ngày 30/7)
Lãnh đạo UBND thị trấn Phú Phong cho biết, địa phương nhận được nhiều kiến nghị của người dân về việc xe quá tải cầu đường khiến hạ tầng xuống cấp, nguy cơ mất ATGT và ô nhiễm môi trường…
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tây Xuân xác nhận, điểm tập kết cát từ mỏ cát Phú Hưng Hà Nội về lò gạch thủ công trên địa bàn là bãi chứa tự phát. Xã đã yêu cầu bộ phận địa chính làm việc và tiến hành cưỡng chế, giải tỏa bãi cát này.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Toàn, đại diện pháp luật Công ty CP Đầu tư Phú Hưng Hà Nội (chủ mỏ cát Phú Hưng Hà Nội) cho rằng, mỏ không có bãi cát tập kết bên ngoài, điểm tập kết ở xã Tây Xuân là của khách hàng. Vấn đề xe có quá tải hay không cũng không thuộc trách nhiệm của mỏ.
“Mỏ chỉ quản lý trong ranh giới cấp phép, còn lại vấn đề trên đường là của khách hàng, cơ quan chức năng. Đơn vị chỉ có một số xe vận chuyển trong mỏ từ lòng sông lên bãi sàng cát, còn các xe ben gắn logo Phú Hưng là trùng tên mỏ”, ông Toàn nói.
Theo nguồn tin PV, ông Khoa là “cổ đông” của mỏ và thực tế việc trao đổi hợp đồng mua bán cát với ông Khoa diễn ra ngay tại mỏ Phú Hưng Hà Nội. Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, ông Khoa chỉ là “cò” và mỏ đã đuổi, không hợp tác với ông này khoảng 2 tháng nay vì “làm ăn không thật”.
“Văn phòng công ty ở dưới Quy Nhơn, mỏ đã thuê người quản lý khác nhưng ông Khoa cứ hay lên mỏ (?). Chúng tôi yêu cầu nhân viên phải bán có hóa đơn cho khách hàng, khách lẻ ít vì chúng tôi chủ yếu bán cho các trạm trộn”, ông Toàn khẳng định.
Ghi nhận PV, tại mỏ cát Phú Hưng Hà Nội hoàn toàn không có trạm cân giám sát tải trọng và khối lượng khái thác. Điều này không chỉ trái quy định tại Nghị định 23/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông (có hiệu lực từ 10/4/2020) mà còn làm giảm hiệu lực quản lý, giám sát của cơ quan chức năng với phương thức đo đếm thủ công để đánh giá khối lượng khai thác.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Bình Định, mỏ Phú Hưng Hà Nội được phê duyệt công suất 100.000 khối/năm (trữ lượng trên 675.000m3, giấy phép khai thác trong 2 năm). Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra việc khai thác, còn hóa đơn thuộc ngành thuế. Mỗi năm, các đơn vị đo đạc hiện trạng, tính toán ra khối lượng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2021, Công ty CP Đầu tư Phú Hưng Hà Nội đã khai thác là 78.000m3.
Theo ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Định, tình trạng xe chở cát quá tải, rơi vãi tại các điểm mỏ vẫn diễn ra phức tạp. Đơn vị đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp, trong đó có phương tiện quá tải trên 150% vừa bị phạt hơn 75 triệu đồng.
“Chủ doanh nghiệp, tài xế hay đối phó, lợi dụng thời điểm phòng dịch Covid-19 để gia tăng hoạt động khiến việc TTKS chưa đạt kết quả triệt để”, ông Quả nói.
Thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó phòng CSGT Công an Bình Định cũng cho biết, đơn vị tiếp nhận phản ánh của Báo Giao thông, đồng thời chỉ đạo Đội CSGT tăng cường TTKS, xử lý nghiêm vi phạm trên tuyến QL19, QL19B theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, công an tỉnh về vận tải vật liệu xây dựng, đặc biệt lỗi quá tải, rơi vãi, chở quá chiều cao...
41 mỏ chưa lắp trạm cân, camera do đặc thù (!?)
Theo Sở TN&MT Bình Định, toàn tỉnh có 41 mỏ cát lòng sông trên 4 sông chính: Hà Thanh, sông Kôn, La Tinh, Lại Giang với tổng diện tích cấp phép 120,6ha, trữ lượng cấp phép đạt 2.693.809m3, công suất khai thác hàng năm theo thiết kế đạt 650.300m3/năm. Trong đó, mỏ Phú Hưng Hà Nội có công suất lớn nhất.
Ông Trương Bá Vinh, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Bình Định) cho hay, ngoài camera, đến nay các mỏ cát đều chưa lắp đặt trạm cân do đặc thù địa hình lòng sông, không bãi chứa và khai thác theo mùa vụ. Sở sẽ đôn đốc, yêu cầu các chủ mỏ lắp đặt trạm cân. Riêng vấn đề khai thác, vận chuyển quá tải, Sở TN&MT kiến nghị địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận