Tử vong do TNGT chiếm phần lớn trong số ca tử vong do tai nạn thương tích
Ngày 28-29/9, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2023 nhằm công bố, trao đổi kết quả nghiêm cứu khoa học, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế trong lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT), đồng thời tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý, tổ chức khoa học, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Tại Hội nghị, nhóm nghiên cứu đến từ Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết, trong nhiều năm qua, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích (TNTT) tại Việt Nam.
Phân tích số liệu báo cáo nguyên nhân tử vong từ sổ theo dõi tại 10.500 xã/phường tại 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc cho thấy, trong giai đoạn 2011-2020, trung bình mỗi năm toàn quốc có 15.326 trường hợp tử vong do TNGT chiếm gần 44%, so với số tổng số trường hợp tử vong do TNTT chung, trung bình gần 18 người/100.000 dân.
Đáng chú ý, tỷ suất tử vong do TNGT cao gấp 3 lần so với đuối nước và tự tử, cao gấp 8 lần so với tai nạn lao động và 10 - 20 lần so với các loại thương tích khác.
Kết quả này tương tự với kết quả điều tra quốc gia về TNTT tại Việt Nam năm 2010 với tỷ suất tử vong do TNGT là 16/100.000 người. Tuy nhiên số liệu này cao nhiều hơn so với báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia với trung bình 8.000 người tử vong do TNGT/năm. Sự khác biệt này có thể do ngành y tế định nghĩa trường hợp tử vong do TNGT là những trường hợp bị TNGT tử vong trong vòng 30 ngày sau khi xảy ra tai nạn song Uỷ ban ATGT Quốc gia báo cáo các trường hợp tử vong do TNGT theo số liệu của Bộ Công an và hầu hết các trường hợp tử vong do TNGT được ghi nhận tại hiện trường.
Xét theo độ tuổi và giới tính, thống kê trong giai đoạn 2011-2020 cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 15.326 trường hợp tử vong do TNGT (tỷ suất 17/100.000 dân), trong đó chủ yếu là nam giới với 10.847 trường hợp (chiếm tỷ lệ 70,71%), số trường hợp tử vong do TNGT ở nam giới gấp 4 lần nữ giới.
Lý giải điều này, nhóm tác giả cho biết do tình trạng sử dụng rượu bia tham gia giao thông ở nam giới phổ biến hơn, bên cạnh đó, họ cũng là người thường xuyên lái xe với tốc độ cao nhưng lại kém thận trọng hơn nữ giới.
Về nhóm tuổi, nhóm tuổi 20-59 chiếm tỷ lệ tử vong do TNGT cao nhất (72,31%) với 11.082 trường hợp, tiếp theo là nhóm trên 60 tuổi (15,91%). Nhóm 15-19 (8,59%), thấp nhất là nhóm 0-4 tuổi (0,92%).
Tuy nhiên, nhóm trên 60 có tỷ suất tử vong do TNGT cao nhất (25/100.000 dân), tiếp theo là nhóm 20-59 (21/100.000 dân), nhóm 15-19 (19/100.000 dân). Thấp nhất là nhóm 0-4 với 1/100.000 dân.
Tính riêng TNGT ở nhóm trẻ em và vị thành niên (0-19 tuổi), nghiên cứu cho thấy, trung bình mỗi năm có 1.806 trường hợp trẻ em tử vong do TNGT chiếm 11,8% số vụ TNGT ở các nhóm tuổi và chiếm tỷ lệ khoảng 31-35% so với tổng số trẻ em tử vong do TNTT.
Tỷ suất tử vong do TNGT ở trẻ em trung bình giai đoạn 2011-2020 là 6/100.000 trẻ. Trong đó cao nhất là nhóm 15-19 tuổi với 19/100.000 trẻ. Số trường hợp tử vong do TNGT ở nhóm này cũng chiếm tỷ lệ cao nhất với 73%. Nguyên nhân bởi trẻ ở độ tuổi này phải thường xuyên tham gia giao thông, nhiều trường hợp tự điều khiển phương tiện giao thông song lại ít kinh nghiệm trong xử lý tình huống trên đường dẫn đến nguy cơ bị TNGT và tử vong do TNGT cao hơn so với trẻ ở những lứa tuổi nhỏ hơn.
Chấn thương sọ não đứng đầu nhóm có nguy cơ tử vong do TNGT
Cũng tại hội nghị, nhóm nghiên cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, phân tích 343 trường hợp bệnh nhân chấn thương chuyển tuyến trong cấp cứu tại phòng khám của bệnh viện này trong thời gian từ 1/5 – 15/7/2023, cho thấy, có 72,4% bệnh nhân nam và 28,6% bệnh nhân nữ.
Xét về độ tuổi, bệnh nhân trong độ tuổi lao động từ 15-59 chiếm 63%, trên 60 tuổi chiếm 32,6%, dưới 15 tuổi chỉ chiếm 4,4%. Trong số này, TNGT là 211 trường hợp, chiếm cao nhất (61,5%), ngã chiếm 23%.
Thời điểm tai nạn từ 6-14h chiếm cao nhất (42,3%), phương tiện xe máy có liên quan đến tai nạn chiếm 74,4 %, đáng chú ý, nạn nhân sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông là 19%.
Tổn thương của nạn nhân gồm chấn thương sọ não chiếm 55,4%, gãy xương chiếm 38,5%, chấn thương hàm mặt 25,1%, chấn thương cột sống chiếm 21%.
Từ các con số phân tích, nhóm nghiên cứu cho rằng, TNGT vẫn chiếm tỷ lệ cao các trường hợp cấp cứu chấn thương tại bệnh viện, và chấn thương sọ não đứng đầu nhóm nguy cơ tử vong.
Chia sẻ thêm, ThS Nguyễn Xuân Vinh (Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) cho biết, TNGT liên quan ô tô và xe máy là nguyên nhân phổ biến gây ra chấn thương ngực kín (hơn 78%).
Trong đó, gãy xương sườn (86%), tràn máu màng phổi (73%) và dập phổi (34%) là những chấn thương ngực phổ biến nhất.
"Chấn thương ngực là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ ba sau chấn thương bụng và chấn thương sọ não ở bệnh nhân đa chấn thương", ThS Nguyễn Xuân Vinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo PGS.TS Đỗ Đào Vũ (Bệnh viện Bạch Mai), số liệu thống kê hàng năm trên thế giới cho thấy tỷ lệ tổn thương tủy sống có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, những năm gần đây, số vụ TNGT còn cao và là một nguyên nhân trực tiếp gây chấn thương tủy sống, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong và tàn tật.
Cấp cứu ngoại viện đóng vai trò quan trọng giảm tỷ lệ tử vong do TNGT
Theo nhóm nghiên cứu Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ tử vong cao do năng lực cấp cứu trước viện chưa đáp ứng một cách hiệu quả, làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong.
Phần lớn các ca tử vong do tai nạn thương tích đều là tử vong ngoại viện hoặc trong vòng 48 tiếng sau tai nạn. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống y tế ở các nước, đặc biệt là các nước thu nhập thấp và trung bình thường chỉ tập trung vào điều trị bệnh cụ thể.
Các chuyên gia y tế ước tính nếu các quốc gia tổ chức tốt hệ thống cấp cứu trước viện có thể giảm 54-90% số ca tử vong.
Qua nghiên cứu, bác sỹ Đinh Văn Quỳnh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, khi đưa nạn nhân vào cấp cứu có 8,7% do người nhà tự đưa đến, còn đa số được vận chuyển bằng xe cứu thương. Song nhân viên y tế đi hộ tống chỉ là điều dưỡng không có bác sĩ nên các kỹ thuật cấp cứu ban đầu chủ yếu là băng vết thương, bất động chi gãy, khai thông đường thở, đặt nội khí quản và nẹp cổ.
"Cấp cứu trước viện đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc cấp cứu, giúp giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong trước khi người bệnh tiếp cận nhân viên y tế hoặc trước khi đến bệnh viện điều trị thực thụ", bác sỹ Quỳnh nói và đề xuất, cần đào tạo chuyên nghiệp cấp cứu trước viện cho nhân viên y tế và ngoài cộng đồng về cấp cứu các ca tai nạn bên cạnh việc tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm thiểu TNGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận