Ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên, do các vi phạm có thể bị phát hiện bất cứ lúc nào.
Clip vi phạm rõ nét, xử phạt rất nhanh
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với tài xế điều khiển ôtô BKS 30G-00x.xx về hành vi vượt đèn đỏ. Trước đó, vi phạm của tài xế trên đường Giải Phóng đã được một người đi đường quay clip và gửi tới cơ quan công an.
Tương tự, CSGT Hà Nội cũng ra quyết định phạt hành chính, tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với người điều khiển ô tô BKS 30G-08x.xx vì điều khiển xe đi vào đường có biển cấm, từ tin báo của người dân qua Facebook.
Bàn Văn S. (SN 2005, trú tại Tuyên Quang) bị CSGT mời lên làm việc, ra quyết định xử phạt nguội sau khi hình ảnh vi phạm được người dân gửi qua trang Facebook của công an
Trước đó, thông qua video clip phản ánh của người dân, Công an huyện Ba Vì, Hà Nội đã ra quyết định xử phạt N.H.A. (21 tuổi, ở Yên Bài, Ba Vì) và B.A.T. (17 tuổi, ở Yên Bình, Thạch Thất) số tiền lần lượt là 8,95 triệu đồng và 4,9 triệu đồng vì hành vi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, bốc đầu xe gây mất trật tự ATGT tại cổng thôn Quảng Phúc, xã Yên Bài.
Tại Tuyên Quang, Đội CSGT - Trật tự, Công an TP Tuyên Quang cũng vừa lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ xe máy BKS 22B2-046.44 do người điều khiển bốc đầu xe, không đội mũ bảo hiểm đối với Bàn Văn S. (SN 2005, trú tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Trước đó, CSGT đã tiếp nhận hình ảnh S. vi phạm giao thông thông qua trang Facebook của đơn vị.
Thiếu tá Vũ Hoàng Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự, Công an TP Tuyên Quang cho biết, với những hình ảnh, video clip người dân gửi về, các clip rõ nét, chất lượng hình ảnh tốt thì quá trình xử lý diễn ra nhanh chóng, có khi chỉ trong khoảng ba ngày. Nhưng với trường hợp video không rõ nét, không thể xác định được không gian vi phạm, rất khó truy tìm chủ xe.
Tiếp nhận thông tin qua Fanpage
Hình ảnh Bàn Văn S. bốc đầu xe
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Đội đã tiến hành lập hồ sơ phạt nguội khoảng 12 trường hợp vi phạm từ phản ánh trên mạng xã hội và clip người dân gửi về.
Theo Thiếu tá Chinh, việc phạt nguội thông qua hình ảnh, video người dân gửi về trải qua khá nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian xử lý hơn so với việc phạt nguội qua camera giám sát của lực lượng chức năng.
“Một số trường hợp video người dân gửi về không thể sử dụng để phạt nguội do hình ảnh không rõ ràng. Khi mời chủ phương tiện lên làm việc, họ thường “chối” không vi phạm”, Thiếu tá Chinh nói.
Theo Thiếu tá Chinh, hiện nay, lực lượng chức năng có 3 kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về vi phạm trật tự ATGT gồm: Fanpage Công an thành phố, đường dây nóng phản ánh vi phạm trật tự ATGT và gửi trực tiếp đến trụ sở Công an thành phố.
Tuy nhiên, việc xử phạt nguội vi phạm giao thông hiện nay chủ yếu đối với ô tô do xác minh chủ phương tiện dễ dàng, chính xác hơn xe máy, do nhiều xe máy mua đi bán lại qua nhiều người nên khó xác định được chủ phương tiện.
Không quên camera chuyên dụng
Theo luật sư Hoàng Tùng, Trưởng VP Luật Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), với cách thức phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh người dân cung cấp, mỗi người dân đều có thể ghi lại hành vi vi phạm bất cứ lúc nào.
Từ đó, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức của người tham gia giao thông, giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông, ngăn ngừa các vụ TNGT đáng tiếc có thể xảy ra.
TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, việc cho phép sử dụng các hình ảnh thu được từ thiết bị ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, xử phạt nguội đã được quy định rõ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tại Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công An.
“Rõ ràng, khi sự giám sát trở nên chặt chẽ và rộng khắp, sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi lái xe vi phạm, hạn chế phần nào áp lực công việc cho lực lượng CSGT”, TS. Hiếu nói.
Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, quy định này cũng có thể gặp phải những bất cập như chất lượng và độ tin cậy của các hình ảnh và clip.
Vì thế, cần hoàn thiện hơn về cơ chế tiếp nhận, đánh giá và lưu trữ các bằng chứng. Những quy định liên quan tới người cung cấp bằng chứng và phản hồi đối với họ cũng nên được xem xét.
Theo TS. Hiếu, hình ảnh từ các camera trên đường của người dân vẫn được sử dụng và tham khảo để phân tích và xử lý tai nạn ở các nước phát triển, tuy nhiên không được sử dụng nhiều để xử phạt.
Một phần vì hệ thống camera giám sát chuyên dụng của các nước này đã được triển khai tương đối rộng khắp và đồng bộ để ghi nhận và cung cấp bằng chứng của các vi phạm.
“Đây là điều Việt Nam nên học tập và tiếp tục triển khai hệ thống giám sát bằng hình ảnh chuyên dụng để có các bằng chứng xác thực, có hệ thống, mang tính tin cậy cao. Tiếp nhận và xử lý các phản ánh cung cấp từ người dân là cần thiết nhưng không nên coi đó là giải pháp thay thế cho các hệ thống chuyên dụng”, TS. Hiếu nói thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cũng cho biết, lực lượng chức năng cũng cần phản hồi tất cả những thông tin, video, hình ảnh mà người dân gửi về để có sự tương tác với người gửi, từ đó, tạo sự lan tỏa.
Đồng thời, cũng nên có hình thức khuyến khích bằng cách trích 1% số tiền xử lý vi phạm để thưởng cho người dân cung cấp hình ảnh.
Chẳng hạn, xử phạt 1 triệu đồng thì có thể trích 100.000 đồng để thường. Điều này sẽ khuyến khích được nhiều người tham gia cung cấp hình ảnh vi phạm hơn cho lực lượng chức năng.
Theo thống kê từ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong khoảng thời gian từ 1/1 - 8/6/2022, Phòng đã phát hiện, xử phạt nguội vi phạm giao thông với 11.145 trường hợp. Trong các vi phạm phạt nguội, tuy không có thống kê chi tiết song có khá nhiều trường hợp là do người dân cung cấp hình ảnh, thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận