Cục CSGT cho biết đang báo cáo Bộ Công an đề xuất Chính phủ cho thí điểm xử phạt vi phạm giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát mà không phải lập biên bản.
Nếu đề xuất này được áp dụng, người vi phạm sẽ không phải đi hàng trăm cây số để giải quyết thủ tục như hiện nay, tốn kém tiền bạc, thời gian đi lại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để triển khai thực hiện cần có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Chỉ huy Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục nộp phạt vi phạm qua Cổng dịch vụ công Quốc gia
Người vi phạm đỡ tốn thời gian, tiền bạc
Cuối tháng 2 vừa qua, anh Trần Văn T. sấp ngửa chạy ô tô trên quãng đường gần 300km từ tỉnh Lào Cai xuống Đội TTKS Giao thông đường bộ số 1, Cục CSGT ở Hà Nội để xử lý phạt nguội.
Ba tháng trước, khi di chuyển trên tuyến Nội Bài - Lào Cai về Hà Nội công tác, đến địa phận huyện Sóc Sơn, xe của anh đã chạy quá tốc độ và camera giám sát đã ghi nhận lỗi vi phạm này.
Số tiền phạt của anh T. cho lỗi chạy quá tốc độ lần này 4 triệu đồng, song anh T. cho biết phải mất số tiền tương tự cho xăng xe, phí cầu đường và ăn uống cả đi cả về tất cả 4 lượt giữa Lào Cai và Hà Nội.
Chưa kể, anh phải xin nghỉ việc rồi nhờ một người bạn đưa đi nộp phạt, do giấy phép lái xe của anh đã bị CSGT tạm giữ 2 tháng bởi lỗi vi phạm trên.
“Không chỉ mất tiền, tôi đã phải di chuyển trên quãng đường tổng cộng khoảng 1.200km cho cả hai lần xuống giải quyết và mất trọn 2 ngày nghỉ làm việc”, anh T. than thở.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Q. ở Ninh Bình trong lần đưa mẹ tới Hà Nội khám bệnh 4 tháng trước cũng bị “dính” lỗi phạt nguội vì đi vào làn xe buýt BRT.
Theo thông báo, chị Q. bị xử phạt mức 4 triệu đồng, bị tạm giữ GPLX 2 tháng. Chị Q. cho biết, với 1 lần lên Hà Nội lập biên bản, 1 lần quay lại nộp phạt, chị mất khoảng 1,2 triệu tiền xăng và 420.000 đồng phí cầu đường, tổng cộng gần 2 triệu chi phí đi lại cho việc nộp một lỗi vi phạm.
“Rất mất thời gian, công sức khi phải vòng đi vòng lại nộp phạt nguội thế này”, chị Q. cho hay.
Tuy nhiên, những người vi phạm như anh T., chị Q. tới đây sẽ không phải tốn thời gian, tiền bạc cho việc giải quyết vi phạm, nếu như đề xuất của Cục CSGT được áp dụng.
Theo đó, Cục CSGT cho biết đang báo cáo Bộ Công an đề xuất Chính phủ tiến tới cho thí điểm xử phạt mà phát hiện qua hệ thống giám sát (phạt nguội) sẽ không phải lập biên bản.
Lý do là vì các chứng cứ đã rõ, các tài liệu chứng minh ai là người vi phạm và các nội dung khác để ra quyết định đều đầy đủ. Việc này sẽ làm thay đổi rất lớn quá trình phát hiện và xử phạt của lực lượng CSGT.
Theo Cục CSGT, với việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 135 về danh mục trang thiết bị, trong đó cho phép các phát hiện vi phạm qua thiết bị kỹ thuật được gửi đến công an cấp tỉnh, cấp huyện nơi chủ sở hữu phương tiện sinh sống, hoặc cơ quan tổ chức đó để tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt.
Người vi phạm chỉ cần đến trụ sở cơ quan công an cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú hoặc nơi ở để thực hiện việc xử phạt.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Tiền Giang cho rằng, quy định này sẽ khiến người tham gia giao thông có ý thức chấp hành Luật GTĐB cao hơn; người vi phạm không phải đến nơi vi phạm, có khi hàng trăm km để nộp phạt.
Thượng tá Võ Văn Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Bến Tre cũng cho biết, Bến Tre đã triển khai hệ thống ghi hình tại một số tuyến đường nội ô TP Bến Tre. Dù đã ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm nhưng Phòng CSGT chưa xử lý, chỉ ra thông báo nhắc nhở.
Tới đây, khi Cục CSGT triển khai kế hoạch xử phạt qua hệ thống giám sát, CSGT Bến Tre sẽ áp dụng ngay”, Thượng tá Nghĩa nói.
Thiếu tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP Bắc Giang cũng ủng hộ đề xuất trên và cho rằng, việc này sẽ giúp cho mỗi người dân phải luôn tự ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Theo Thiếu tá An, do phạt nguội còn ít nên vi phạm hiện nay vẫn rất nhiều nên nếu nhân rộng, chắc chắn người tham gia giao thông sẽ biết sợ mà không dám vi phạm.
Tài xế băn khoăn
Cho rằng đề xuất của Cục CSGT tạo thuận lợi cho người vi phạm giao thông, song không ít ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về cơ sở pháp lý.
Tài xế Vũ Thế Tùng (quận Hà Đông, Hà Nội) đặt vấn đề: Trong trường hợp CSGT không lập biên bản, người dân có được bảo đảm quyền được trình bày, giải trình lỗi vi phạm hoặc chứng minh mình không vi phạm hành chính hay không?
“Đành rằng hệ thống giám sát có thể lưu lại chính xác xe của tôi vi phạm, nhưng thời điểm đó người khác lái, vì vậy phải xử phạt người điều khiển chứ không phải chủ xe.
Nếu chỉ ghi lại hình ảnh vi phạm mà gửi luôn quyết định xử phạt thì mang tính áp đặt. Người vi phạm giao thông phải được biết lỗi của mình và họ có quyền khiếu nại quyết định xử phạt đó nếu thấy không hợp lý, chính xác.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM
CSGT ra quyết định xử phạt ngay nhưng không gọi tôi lên để lập biên bản, tôi phải làm sao để thông báo cho CSGT rằng người khác vi phạm? Vì thế cần thông báo trước cho chủ xe và dành thời gian nhất định để chủ xe xác nhận, phản hồi về vi phạm rồi mới ra quyết định xử phạt”, anh Tùng đề xuất.
Tương tự, anh Lê Thái Lâm (ở TP Nam Định), một chủ xe khác băn khoăn: “Không ít trường hợp xe dán biển số giả. Vì thế, cần có thông báo cho chủ xe biết vi phạm, nếu chủ xe không phản hồi thì mặc định chủ xe phải nộp phạt thay người lái xe vi phạm”.
Anh Nguyễn Văn Hai, một tài xế lái xe công nghệ tại TP.HCM cũng góp ý: “Nếu xe của tôi mà bạn bè mượn đi chơi rồi vi phạm, sau đó lập biên bản phạt chủ xe là chưa hợp lý, vì đối tượng vi phạm và chủ xe là khác nhau”.
Cùng chung ý kiến, ông Hoàng Văn Bảo (quận 8, TP.HCM) cũng cho biết, ông kinh doanh bằng nghề cho thuê xe ô tô, khi người thuê xe vi phạm rồi bị ghi hình phạt nguội mà không chứng minh được người điều khiển thì rất khó.
“Phạt nguội thường gửi thông tin đến chủ xe khá chậm. Khi xe vi phạm, không cần lập biên bản mà ra quyết định xử phạt người thuê xe, tôi không thể tìm người thuê để đòi tiền phạt”, ông Bảo băn khoăn.
Cần gì để khả thi?
Ủng hộ đề xuất của Cục CSGT, song Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho rằng, để thực hiện được việc này thì cần sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính và các bộ luật khác liên quan.
Thiếu tá Nguyễn Việt Anh, Đội CSGT Đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) góp ý, nếu áp dụng thì các phương tiện phải chính chủ mới khả thi. Bởi nhiều trường hợp phương tiện mua bán qua nhiều chủ, nếu lập biên bản ngay, không xác minh làm rõ thì sẽ rất khó xử lý.
“Đề xuất này tạo nhiều thuận lợi cho người dân, nhưng nếu muốn triển khai đồng bộ thì cần bổ sung vào luật, đồng thời đồng bộ thẻ CCCD có gắn chíp, đồng bộ hệ thống thông tin từ đăng ký xe đến xử phạt”, Thiếu tá Việt Anh nói.
Liên quan đến việc hình ảnh vi phạm sẽ được gửi về các địa phương xử lý, giải quyết việc nộp phạt, Thượng tá Bùi Văn Hùng, Phó Công an huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) cho biết, hiện nay lực lượng ở tuyến huyện mỏng, trong khi hàng ngày phải làm rất nhiều nhiệm vụ.
Nay nếu nhận thêm việc đi xác minh các trường hợp vi phạm theo dữ liệu từ Cục CSGT hay Công an tỉnh gửi về thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
“Chưa kể trường hợp đó có còn thường trú ở địa phương hay không, rồi việc mua bán xe chưa sang tên… Để ra quyết định xử phạt là cả một quá trình”, Thượng tá Hùng nói.
Tương tự, Trung tá Nguyễn Việt Hùng, Đội trưởng Đội CSGT- Trật tự Công an huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) cũng cho rằng: “Bình thường những lỗi từ 250 nghìn đồng có thể xử lý được nhưng những lỗi phạt nguội mức phạt cao thì hiện nay chưa rõ quy định”.
Theo Trung tá Trần Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm CSGT Tam Điệp (Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình), hiện nay chưa có văn bản, quyết định chính thức về thông tin nêu trên.
Còn nếu thực hiện theo đề xuất của Cục CSGT thì cần phải xem lại hệ thống truyền dữ liệu ở các địa phương từ tỉnh về các huyện. Hiện nay hệ thống dữ liệu chưa đồng bộ nên việc truyền dữ liệu, hình ảnh của các trường hợp vi phạm sẽ có nhiều khó khăn.
Một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh nêu quan điểm, để thực hiện được thì các địa phương phải được trang bị đầy đủ và đồng bộ các thiết bị kỹ thuật. Ngoài ra, đường truyền dữ liệu giữa các địa phương và địa phương với Bộ Công an phải luôn thông suốt.
Mới chỉ là đề xuất, sẽ cân nhắc kỹ
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT), đề xuất Chính phủ cho xử phạt vi phạm giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát mà không cần phải lập biên bản vi phạm xuất phát từ xu hướng của thế giới cũng như thực tiễn việc xử lý vi phạm giao thông hiện nay.
Việc xử lý không qua khâu đoạn lập biên bản là rút ngắn các giai đoạn và giúp tiết kiệm thời gian đi lại của người dân. Trừ trường hợp lỗi vi phạm mà mức phạt tiền lớn hoặc buộc tước giấy phép lái xe, giữ xe thì buộc người vi phạm giải trình và ra quyết định xử phạt sau.
“Tuy nhiên, đề xuất này mới chỉ là quan điểm của Cục CSGT, Bộ Công an còn nghiên cứu, cân nhắc kỹ mới đề xuất cụ thể lên Chính phủ, bởi việc xử lý vi phạm là quy định pháp luật phải được xem xét chặt chẽ, đúng trình tự”, Đại tá Nhật cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận