Biến cố cuộc đời giúp vững tay lái
Chỉ còn mấy tháng nữa là ông Nguyễn Minh Tiến (55 tuổi, ngụ quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), tài xế xe khách chạy tuyến Cà Mau - TP.HCM sẽ nghỉ hưu. Nhưng ông bảo, sức khỏe còn tốt lắm, ông còn yêu nghề lắm.
"Nghỉ làm ở công ty rồi, tôi sẽ kiếm xe nhỏ chạy tiếp. Phần cũng kiếm thêm nuôi sống vợ con, phần mình còn khoẻ, không thể ngồi không được", ông Tiến bảo.
Ở thời điểm đỉnh cao của nghề, ông Tiến còn vinh dự nhận giải Vô lăng vàng vừa được trao mấy ngày qua. Đối với ông, đó là sự ghi nhận của 35 năm tâm huyết, nghiêm túc với nghề.
"Nhận giải thưởng, tôi càng ý thức được sự cao quý của nghề tài xế", ông Tiến xúc động chia sẻ.
Cuộc đời và nghề tài xế đã cho ông - một con người gốc gác Sài Gòn nếm đủ mọi đắng cay, thăng hoa. Hơn 35 năm trước, ông Tiến mê xe lắm. Mê cái cảm giác ngồi trên khối sắt gắn động cơ rồi rong ruổi khắp nơi. Vừa kiếm ra tiền vừa được đi đây đi đó, gặp gỡ bao nhiêu người, ngắm nhìn bao cảnh đẹp của đất nước.
Nghĩ là làm, ông bắt đầu với nghề lơ xe khách, phụ xe tải rồi dần dà đi thi lấy bằng để cầm lái.
"Hồi trẻ, tôi lái xe ghê lắm, không nể nang ai. Cần vượt tôi sẽ vượt bất chấp, cuối cùng tôi phải lãnh hậu quả", tài xế Tiến ngậm ngùi kể.
"Năm 1998, tôi gây tai nạn cho một người đi xe máy. Tôi húc người ta văng xa hơn 30m, xe tôi phanh kéo vệt bánh gần 40m. Vi phạm luật, tôi phải chịu án tù. Nhà cửa, tài sản phải bán tháo để đền bù cho người ta. Biến cố đó đã khiến tôi phải nhìn lại bản thân mình, quyết tâm thay đổi để làm nghề", ông Tiến nhớ lại.
Hoà nhập lại với xã hội, ông Tiến chật vật tìm kiếm công việc. Ông Tiến lên Đà Lạt - một nơi xa nhà, không ai biết mình, giấu quá khứ của mình để xin chạy xe khách đường dài. Chấp nhận thù lao ít hơn người khác để thử việc, ông được nhận. Với quyết tâm thay đổi để làm lại cuộc đời với nghề tài xế, ông cố gắng chăm chỉ gấp đôi, gấp ba người khác để hoàn thành tốt công việc.
"Mình lái xe ở đồng bằng quen rồi, lần đầu đổ đèo Bảo Lộc, đèo Prenn ở Lâm Đồng, chân tay tôi run bần bật. Nhờ đồng nghiệp đi cùng hướng dẫn, động viên mất mấy chuyến nữa tôi mới tự tin cầm lái", ông Tiến kể.
Rong ruổi trên những cung đường Bắc - Nam, nhìn rõ hiện thực của nghề tài xế, ông Tiến đặt ra cho mình những quy tắc trong nghề, những định hướng công việc rõ ràng hơn. Chính điều này đã khiến những năm tháng còn lại, ông đạt độ chín của nghề, bao gồm hiệu quả kinh tế và tác phong chuẩn mực của một người tài xế.
Ủng hộ phạt nồng độ cồn, tài xế nói không với rượu bia
Năm 2011, ông Tiến được nhận vào làm tại Công ty CP Xe khách Phương Trang Futa Bus Lines - chi nhánh Cà Mau. Cũng thời gian này, ông dắt díu gia đình về quê vợ ở Cần Thơ và định cư cho tới nay. Vào làm việc trong một công ty có quy định rõ ràng, đãi ngộ tốt là định hướng của ông trong những năm trước đó.
"Tôi tự đặt ra yêu cầu với bản thân mình, nếu lái cho chủ xe nào đó buộc tôi chạy quá tốc độ, bất chấp luật giao thông tôi sẽ từ chối. Tôi trải qua rồi, tôi biết, làm nghề không thể làm mãi như vậy được. Để an toàn cho mình, cho người khác điều tối thiểu là mình phải tuân thủ luật giao thông, những quy định của công ty", ông phân tích.
Để luôn hoàn thành công việc, ông Tiến tự đặt ra cho mình những quy tắc, thói quen có lợi cho nghề. Trong đó, theo ông tính kỷ luật, tuân thủ tuyệt đối quy định của công ty là điều phải thực hiện. Ngoài tuân thủ giờ giấc, ông Tiến tự nhắc mình không nghe điện thoại khi điều khiển bất cứ phương tiện nào. "Kỷ luật tạo thói quen, thói quen tạo kỷ luật. Những điều này giúp tôi an tâm, tự tin khi cầm lái", ông Tiến đúc kết.
Nói về quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đang gây một số tranh cãi gần đây, ông Tiến cho biết bản thân ông hoàn toàn ủng hộ quy định này. Theo ông, quy định phải nghiêm để tạo thói quen trong người dân khi sử dụng rượu bia và cả ý thức khi tham gia giao thông cho dù bất cứ phương tiện nào.
"Hồi trẻ tôi nhậu dữ lắm, uống không say, tôi không chịu. Mà giờ bỏ ngang, không tiếc nuối gì. Mình làm nghề, thấy bia rượu không giúp gì, chỉ có hại thì bỏ thôi", ông Tiến tâm sự.
Cuộc sống hiện tại của ông Tiến ngoài công việc, thời gian rảnh ông dành hết cho gia đình với vợ, con gái và hai cháu ngoại. Dù vậy, sau bao nhiêu năm cần mẫn với nghề, ông Tiến vẫn chưa có được mái ấm cho riêng mình. Hiện ông vẫn ở nhà thuê, vợ ông không có công việc ổn định. Kinh tế gia đình chỉ dựa vào ông và con gái.
"Nghỉ hưu rồi, tôi sẽ tìm một chủ xe thật tử tế để đầu quân. Tôi sẽ còn lái xe đến khi sức khoẻ không cho phép", ông Tiến chia sẻ.
Qua 11 năm tổ chức, Giải thưởng Vô lăng vàng (2013-2023) đã có 494 lượt lái xe đại diện cho hàng trăm nghìn lái xe kinh doanh vận tải trên cả nước đạt giải thưởng và 200 lượt đơn vị đại diện cho hàng chục nghìn đơn vị kinh doanh vận tải trên cả nước đạt giải tập thể.
Năm 2023, có 20 doanh nghiệp kinh doanh vận tải và 50 lái xe đoạt giải Vô lăng vàng đã được tôn vinh tại lễ trao giải lần thứ 11.
Lễ trao giải thưởng Vô lăng vàng lần thứ 11 với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông" được Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Báo Giao thông, các cơ quan liên quan cùng với sự đồng hành của Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) tổ chức vào ngày 23/12 tại Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội (Hà Nội).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận