Gian nan đường vào nơi "sơn cùng, cốc thẳm"
Sáng một ngày cuối tháng 5, vừa nhìn những đám mây đen ầng ậc nước như sắp trút xuống, anh Bàn Văn Vượng, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 10, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) vừa nhắc chúng tôi, nếu muốn vào điểm dân cư Bàng Danh thì phải đi nhanh, nếu không mưa đổ xuống thì sẽ rất khó trở về.
Chừng vài phút sau, anh Vượng cho chúng tôi mượn chiếc xe máy rồi anh điều khiển một chiếc dẫn đường vào Bàng Danh. Qua đoạn đường bê tông ở điểm trường Đồng Mỏ chừng hơn một cây số thì gặp con đường đất trơn trượt, đầy "ổ gà, ổ voi" hiện ra trước mắt...
"Đường trơn khó đi lắm. Vào những ngày mưa, bà con ở đây phải tay "lái lụa" lắm mới dám đi xe máy. Bởi chỉ cần sơ xảy là bị ngã ngay", anh Vượng nhắc chúng tôi trước khi cài số 1 rồi ga hết tốc lực chiếc xe để vượt lên đoạn dốc lổn nhổn đá cuội trơn trượt vắt lên lưng chừng đồi để vào Bàng Danh.
Sau gần chục phút "đánh võng" qua những hố, vũng đầy bùn trơn trượt, chúng tôi đến trung tâm điểm dân cư Bàng Danh.
Căn hộ đầu tiên chúng tôi rẽ vào là của gia đình anh Đặng Tiến Vượng. Lúc này, anh Vượng đang sửa chiếc máy cày trước cửa nhà. Thấy khách đến, anh Vượng than thở: Đường sá xấu thế này, nên bà con muốn bứt lên phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn. Chính vì thế, bao đời nay, cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào tự cung, tự cấp...
"Đồng đất thì nhiều, đất lâm nghiệp rộng mênh mông, nhưng giao thông cách trở, nên giá nông - lâm sản cũng thấp hơn nhiều khu vực khác. Thời gian trước,vào mùa mưa, nước suối đá Ông dâng cao khiến Bàng Danh rơi vào cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Khổ nhất là nhiều cháu học sinh bị nhỡ buổi đến trường", anh Vượng nói.
Kế bên nhà anh Vượng là căn hộ của chị Trần Thị Tuyết - hộ người kinh duy nhất sinh sống ở Bàng Danh. Đó là căn hộ tạm bợ quây tre, mái lợp ngói xi măng. Chị Xuân cho biết, gia đình chị quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, tạm trú ở đây gần 20 năm nay.
Do không phải dân thường trú, nên gia đình chị không được hưởng chế độ hỗ trợ xây nhà theo quy định. Hằng ngày, ngoài thời gian đi làm rừng thuê thì vợ, chồng chị Tuyết chăn gà, nuôi lợn và bán hàng tạp hóa, nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn...
"Giao thông khó khăn, giá lâm sản thấp, nên ngày công làm thuê cũng thấp. Cuộc sống khó khăn, nhiều lúc vợ, chồng tôi muốn chuyển về quê cũ. Nhưng về thì làm gì để sống, nên cứ nấn ná ở lại.
Do thửa đất đi mượn cất tạm căn nhà này để ở từ lâu, giờ đã xuống cấp, nhưng chưa có tiền sửa chữa lại. Chỉ mong đường sá thuận lợi hơn thì nông - lâm sản sẽ dễ tiêu thụ hơn và giá cũng tốt hơn", chị Tuyết nói.
Trên đường trở về, chúng tôi gặp 2 thiếu niên đang đi bộ qua đoạn đường gập ghềnh vắt qua sườn đồi. Một thiếu niên giới thiệu nhà ở Tuyên Quang, mấy hôm trước bố, mẹ cho xuống đây chơi với người nhà...
"Lần đầu xuống Quảng Ninh, cháu háo hức lắm vì xem trên ti vi thấy cảnh đẹp, giao thông thuận tiện. Nào ngờ, lúc người nhà ra đón, ngồi trên xe máy qua đoạn đường xóc như "rang lạc", cháu ngỡ ngàng thắc mắc, đến quê mình miền núi, khó khăn hơn vậy mà đường bê tông còn đến tận ngõ. Vậy mà ở đây đường lại xấu đến vậy!", cậu thiếu niên chia sẻ.
Bao giờ Bàng Danh có đường mới?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Bàn Văn Tình, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 10, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, cho biết: Khu vực Bàng Danh thuộc tổ 7, khu 10 hiện có 17 hộ dân, chủ yếu là người Dao sinh sống.
Các hộ dân nơi đây di cư từ tỉnh Tuyên Quang về từ những năm 80 thế kỷ trước. Ban đầu chỉ có vài hộ rồi dần dà hình thành nên điểm dân cư như hiện nay.
Hiện trong điểm dân cư này không có hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, có hộ chị Đặng Thị Bình đang phải ở nhà cũ nát, nhưng do đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì thế không thể hỗ trợ xây nhà mới được...
"Khu 10 sống trải dài trên diện tích rất lớn, chủ yếu là đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cẩm Phả. Ngoài diện tích nông nghiệp, người dân nơi đây làm nghề trồng rừng thuê, nên đời sống tương đối ổn định.
Tuy nhiên, so với các điểm dân cư khác thì Bàng Danh nằm ở vùng xa xôi, cách trở, nên bấy lâu nay chưa được đầu tư hạ tầng giao thông, vì vậy, mặt bằng kinh tế chung thì kém xa những tổ dân khác của khu", anh Tình chia sẻ.
Cũng theo anh Tình, đường vào Bàng Danh trước kia phải qua hai đoạn suối lớn. Sau khi xảy ra vụ ông Đặng Văn Ninh ở tổ 7, khu 10 bị lũ cuốn tử vong năm 2016, vài năm trước, chính quyền địa phương đã làm 2 chiếc cầu qua suối. Tuy nhiên, tuyến đường vào Bàng Danh thì chưa được đề cập đến.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Ngọc Bình, Phó chủ tịch UBND phường Mông Dương, TP Cẩm Phả thừa nhận, cuộc sống của người dân gần 20 hộ dân ở Bàng Danh hiện gặp nhiều khó khăn do giao thông cách trở... Không những thế, tại khu vực này, điện lưới cũng rất yếu, mạng điện thoại di động lúc có, lúc không...
"Mới đây, cơ quan chức năng của TP Cẩm Phả đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, xây dựng kế hoạch làm đường bê tông vào Bàng Danh dài 1,9km. Tuy nhiên, theo dự kiến, tuyến đường sẽ mất kinh phí nhiều tỷ đồng, do vậy, hiện nay chưa biết bố trí kinh phí như thế nào.
Chính quyền và người dân địa phương rất mong mỏi UBND TP Cẩm Phả sớm có kế hoạch để thi công tuyến đường để tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với đó, người dân địa phương cũng nhiều lần kiến nghị nâng cấp hệ thống điện, viễn thông để phục vụ cuộc sống, nhưng chưa được triển khai", ông Bình kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận