Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông
Những năm qua, thông qua nhiều nguồn lực đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã có hệ thống giao thông đồng bộ tạo liên kết nội vùng, liên vùng đồng bộ.
Cụ thể, đến nay, Quảng Ninh đã sở hữu 6.300km đường bộ. Trong đó có tuyến cao tốc nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài 176km, 7 tuyến quốc lộ, 14 tuyến tỉnh lộ và hàng nghìn tuyến đường liên huyện, thôn, xã...
Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ với những dự án trọng điểm, chiến lược.
Theo đó, năm 2024, Quảng Ninh dự kiến bố trí kế hoạch vốn đầu tư công gần 15.000 tỷ đồng để triển khai hàng trăm công trình giao thông vận tải.
Tiêu biểu là đường dẫn cầu Bến Rừng nối Quảng Ninh - Hải Phòng đã và đang được đầu tư xây dựng. Dự án chiều dài 2,2km, 6 làn xe, vốn đầu tư gần 360 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 6, dự án sẽ hoàn thành, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Hay như dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều dài 40,25km, đi qua TX Quảng Yên, TP Uông Bí và TX Đông Triều. Trên tuyến thiết kế 13 cầu vượt sông, 10 nút giao cùng mức và 3 hầm chui dân sinh. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 6.400 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, khởi công đầu năm 2023 dự kiến hoàn thành năm 2025.
Ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh cũng có nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được khẩn trương thi công. Tiêu biểu là dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ nối với TP Hạ Long và tỉnh Lạng Sơn sắp cán đích.
Hay như dự án đường nối các xã Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh ra quốc lộ 18C ở huyện Bình Liêu; Dự án đường xuyên đảo ở xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn... đang được thi công đều đóng vai trò quan trọng kết nối vùng, liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kịp thời sửa chữa, khắc phục
Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo các tuyến giao thông luôn thông suốt, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Ninh đã tích cực kiểm tra, đồng thời luôn quan tâm đến việc tiếp nhận thông tin từ cơ sở để có kế hoạch duy tu, bảo vệ kết cấu hạ tầng.
Điển hình là đoạn quốc lộ 18 từ Trạm Đăng kiểm giao thông đến thôn 11, xã Hải Đông (TP Móng Cái) xuống cấp, đã xảy ra một số vụ tai nạn. Qua kiểm tra thực địa, Sở GTVT Quảng Ninh đã giao đơn vị quản lý đường bộ tập trung sửa chữa, khắc phục các vị trí, vệt lún sâu trên mặt đường, đảm bảo giao thông êm thuận.
Hay như tại TP Cẩm Phả, từ tháng 1/2024, Sở GTVT Quảng Ninh đã chỉ đạo khắc phục đầu tư xây dựng rãnh dọc thoát nước tỉnh lộ 326; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, giao cho địa phương nghiên cứu phương án đầu tư đảm bảo đồng bộ với công trình thoát nước, vỉa hè đô thị.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ninh, dự báo mùa mưa bão năm nay diễn biến bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương, nên đơn vị đã và đang chuẩn bị đầy đủ những giải pháp kịp thời ứng phó với các tình huống.
Cụ thể, với phương châm "3 trước", "4 tại chỗ", Sở GTVT Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, thực hiện kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xác định rõ các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao, kịp thời khắc phục trước mùa mưa bão, trong đó chú trọng đến hệ thống thoát nước, kè chống sạt lở...
Đặc biệt là tại các vị trí đèo dốc, xung yếu có khả năng sụt trượt, đứt đường, Sở GTVT Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý rà soát để sửa chữa mặt đường bị hư hỏng; bổ sung, sơn sửa cọc tiêu, biển báo hiệu, thanh thải lòng cầu, lòng cống, chặt tỉa, đốn hạ cây có thể gây mất an toàn.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông, huy động nhân lực, vật tư thiết bị, dự phòng nguyên vật liệu (đá hộc, rọ thép, ống cống…) tại các vị trí trung tâm, dễ lấy, dễ vận chuyển để sẵn sàng ứng phó với diễn biến thiên tai với mục tiêu khắc phục thiệt hại phải đảm bảo nhanh nhất, hiệu quả, an toàn và đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận