Để khắc phục thực trạng này, Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, trong đó có nội dung bắt buộc các đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn.
Những con số biết nói
Cách đây gần 5 tháng, tại Gia Lai xảy ra vụ TNGT giữa hai xe khách khiến 1 người tử vong, 11 người khác bị thương. Cơ quan công an xác định cả hai xe đều chạy quá tốc độ quy định.
Hiện trường vụ TNGT tại Gia Lai khiến 1 người chết, 11 người bị thương. Cả hai xe trong vụ tai nạn đều chạy quá tốc độ.
Nhiều chuyên gia giao thông nhận định, vụ tai nạn này hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu đơn vị vận tải có bộ phận theo dõi an toàn giao thông (ATGT) và hoạt động đúng quy định để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh tài xế khi phát hiện xe chạy quá tốc độ.
Thống kê từ Cục Đường bộ VN, trong 6 tháng đầu năm 2024, các sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 18.123 phương tiện do vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên; chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 189.243 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, không truyền dữ liệu.
Đây là con số biết nói, phản ánh thực trạng các đơn vị vận tải chưa quan tâm đến việc thành lập, duy trì hoạt động của bộ phận ATGT. Nhiều đơn vị có bộ phận ATGT nhưng hoạt động chưa thực chất, chưa có quy chế xử lý tài xế, dẫn đến tình trạng tài xế "nhờn luật", liên tiếp tái diễn vi phạm.
Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, Thông tư 12/2020 đã quy định rất rõ doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phải có bộ phận ATGT.
"Song do sợ tốn thêm chi phí, các đơn vị chưa thực sự quan tâm, còn các đơn vị có quy mô nhỏ lẻ không đủ điều kiện để thành lập bộ phận này", ông Bằng nói.
Siết quản lý hoạt động vận tải
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ, trong đó có nội dung đáng chú ý là bắt buộc các đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn, bao gồm người trực tiếp điều hành vận tải và nhân lực đảm bảo ATGT cho lái xe, xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ.
Nhiệm vụ của bộ phận này là hằng ngày theo dõi thiết bị GSHT gắn trên phương tiện, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm như: Xe chạy quá tốc độ, lái xe liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình, thiết bị GSHT không có tín hiệu; ghi chép hoặc cập nhật vào phần mềm của đơn vị vận tải để theo dõi, báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy chế.
Trước mỗi chuyến đi, người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý an toàn và người lái xe phải kiểm tra GPLX của người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định; giấy chứng nhận đăng ký xe; lệnh vận chuyển; hợp đồng vận tải hoặc giấy vận tải (giấy vận chuyển)…
Hằng tháng, quý, năm, phải thống kê quãng đường phương tiện chạy, lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.
Tổng hợp các sự cố mất ATGT trong quá trình vận tải; thống kê số vụ, nguyên nhân, mức độ TNGT đã xảy ra của từng lái xe và của toàn đơn vị; tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và ATGT cho toàn bộ người lái xe…
Lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, quy định này nhằm triển khai cụ thể nội dung Luật Đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025).
Như vậy, tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải (không phân biệt quy mô lớn nhỏ) đều phải có bộ phận quản lý an toàn, nhằm siết chặt công tác quản lý tại mỗi doanh nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm của đơn vị vận tải, của tài xế, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro mất ATGT, TNGT.
Cần quy định cụ thể
Đại diện Công ty TNHH X.E Việt Nam cho biết, bộ phận quản lý an toàn của công ty này có đến 16 nhân viên được chia làm 3 ca trực để theo dõi, quản lý phương tiện, tài xế thông qua thiết bị GSHT và kiểm tra trực tiếp. Cùng đó, có quy chế thưởng phạt rõ ràng nhằm khích lệ cũng như siết trách nhiệm, ý thức của tài xế kịp thời.
Với quy định người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý an toàn phải kiểm tra GPLX, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, lệnh vận chuyển, hợp đồng vận tải… trước mỗi chuyến đi, vị đại diện này kiến nghị cần quy định rõ việc kiểm tra trực tiếp hay gián tiếp.
Nếu quy định kiểm tra trực tiếp có thể gây khó khăn cho các đơn vị vận tải khi phải sắp xếp cán bộ quản lý an toàn tại hai đầu bến (với xe tuyến cố định, xe buýt), tại các điểm đầu và điểm cuối chuyến đi (đối với xe hợp đồng). Hiện, bến xe cũng có trách nhiệm kiểm tra các nội dung trên trước khi cho xe vào vị trí đón khách.
Nghiên cứu để phù hợp thực tế
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, hiện có khoảng 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải với khoảng 946.000 phương tiện (cả hành khách, hàng hóa). Tuy nhiên, có hơn 82% đơn vị vận tải hành khách có dưới 5 xe.
"Đa phần đều là các hộ kinh doanh cá thể, nhiều hộ chỉ có 1-2 xe, vừa là chủ xe cũng chính là lái xe, không đủ nguồn lực để thành lập riêng bộ phận quản lý an toàn", ông Quyền nêu thực tế.
Ông Đỗ Văn Bằng cho biết, quy định là cần thiết nhưng rất khó để triển khai với các đơn vị quy mô nhỏ lẻ, nhất là đơn vị vận tải chỉ có 1-3 xe. Vì thế, có thể quy định đơn vị có từ 5 xe trở lên mới cần lập bộ phận quản lý an toàn.
Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, ban soạn thảo đang tiếp tục nghiên cứu sửa đổi theo hướng: Các đơn vị quy mô dưới 5 xe có thể ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thuê bộ phận quản lý an toàn của đơn vị kinh doanh vận tải khác để thực hiện; hoặc có thể phối hợp với nhau để hình thành bộ phận quản lý an toàn chung.
Trong khi đó, với các quy định khác như kiểm tra các giấy tờ xe, người lái, lệnh vận chuyển… trước mỗi chuyến đi, lãnh đạo Vụ Vận tải cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu để nghiên cứu điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Quan trọng nhất là kiểm tra, giám sát
Theo các chuyên gia, với các hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ vận tải vốn được hình thành chỉ để hỗ trợ các cá nhân (là các chủ xe góp phương tiện, đóng phí gia nhập) thực hiện các hồ sơ, thủ tục xin phù hiệu vận tải để hoạt động, rất khó để họ thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Nguyên chủ nhiệm một hợp tác xã vận tải ở Hà Nam cho biết, theo quy định của Luật Hợp tác xã cũng như hợp đồng ký với các cá nhân là chủ xe, các hợp tác xã chỉ hỗ trợ các chủ phương tiện về thủ tục, giấy tờ kinh doanh vận tải. Trách nhiệm chính trong chấp hành các quy định về giao thông, kinh doanh vận tải vẫn thuộc về cá nhân, hộ cá thể là chủ sở hữu phương tiện.
Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, khi đã có quy định, cần kiểm tra, giám sát việc vận hành bộ phận quản lý an toàn có thực chất hay không. Nếu không, cần có chế tài đủ mạnh để răn đe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận