82% đơn vị kinh doanh vận tải quy mô dưới 5 đầu xe
Đã hai tháng trôi qua, nhắc tới vụ việc một trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh dẫn đến tử vong ở Thái Bình, nhiều người bàng hoàng. Đáng nói, vụ việc đau lòng này hoàn toàn có thể được ngăn chặn, nếu đơn vị vận tải có bộ phận theo dõi ATGT, kịp thời nhắc nhở lái xe; lái xe tuân thủ quy trình trước khi kết thúc hành trình.
Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận theo dõi ATGT (Trong ảnh: Xe khách tại bến xe Giáp Bát, Hà Nội). Ảnh minh họa: Tạ Hải.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, người đứng đầu đơn vị vận tải có trách nhiệm thành lập và giám sát hoạt động của bộ phận ATGT. Song do sợ tốn thêm chi phí, các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ lẻ, các hợp tác xã dịch vụ chưa thực sự quan tâm.
Bên cạnh quy định thành lập bộ phận ATGT, Thông tư 12/2020 bổ sung quy định giám sát phương tiện trong quá trình hoạt động, yêu cầu người lái xe trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra, bảo đảm không còn hành khách ở trên xe.
Quy định là vậy, song theo đánh giá, nhiều đơn vị vận tải có quy mô nhỏ lẻ không đủ điều kiện thành lập bộ phận ATGT.
Theo thống kê của Cục Đường bộ VN đến hết năm 2023, có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải với 946.000 phương tiện (vận tải cả hành khách, hàng hóa). Tuy nhiên, hiện đến hơn 82% đơn vị vận tải hành khách có dưới 5 xe.
Kêu khó vì không đủ nguồn lực
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, định nghĩa kinh doanh vận tải bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể. Thực tế, các hộ kinh doanh phần lớn chỉ có 1-2 xe, nhiều trường hợp chủ xe cũng chính là lái xe. Đối tượng này không đủ nguồn lực để trả chi phí riêng chỉ để theo dõi an toàn của phương tiện.
Là doanh nghiệp có hàng trăm xe hoạt động tuyến Thái Nguyên - Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Hà Lan cho rằng, khi doanh nghiệp không có bộ phận an toàn sẽ không thể kiểm soát và giảm thiểu các rủi ro cho phương tiện khi tham gia giao thông. Việc này còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn khi các vụ tai nạn xảy ra.
Ông Hà cho biết, bộ phận ATGT của Hà Lan có 5 người, bao gồm thanh tra, hành chính, bộ phận tổng đài, có trách nhiệm theo dõi, cập nhật nhật ký của từng phương tiện, cảnh báo với tài xế nếu vi phạm ATGT. "Tuy vậy, đối với các đơn vị vận tải chỉ có vài xe, việc thành lập bộ phận này đối với họ là rất khó".
Cần tích tụ vận tải, loại bỏ dần các đơn vị nhỏ lẻ
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh vận tải, quy định thành lập bộ phận quản lý ATGT tại doanh nghiệp vận tải đã được luật hóa tại Luật Đường bộ 2004.
Cho rằng các đơn vị nhỏ lẻ khó có nguồn lực thực hiện quy định này, ông Nguyễn Văn Quyền đề xuất, có thể nghiên cứu hình thành những bộ phận làm dịch vụ chung. Theo đó, cho phép đơn vị vận tải, nhất là những đơn vị nhỏ lẻ, ít phương tiện được thuê đơn vị giám sát ATGT.
"Các đơn vị này có thể chính là các hợp tác xã vận tải hoặc đơn vị hoạt động chuyên nghiệp và độc lập, cung cấp các dịch vụ như kiểm tra, giám sát về ATGT", ông Quyền nói và đề xuất, tới đây khi xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn cần nghiên cứu phân định rõ: Đơn vị vận tải có quy mô ở mức nào mới phải có bộ phận theo dõi ATGT.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, thực tế đa số các doanh nghiệp vận tải hiện nay có quy mô nhỏ, chỉ có một vài xe, thậm chí chủ xe kiêm luôn lái xe, làm ăn chộp giật. Năng lực quản lý và tài chính yếu kém sẽ khiến cho việc thực hiện quy định là quá sức.
"Cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát nghiêm các điều kiện kinh doanh để loại dần khỏi thị trường các doanh nghiệp có dưới 5 xe, buộc họ phải tích tụ vận tải, đảm bảo quy mô", ông Hà nói.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT cho rằng, cần quy định doanh nghiệp, hợp tác xã phải đáp ứng được số xe tối thiểu mới được tham gia kinh thể ứng dụng khoa học vào quản lý, điều hành, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về ATGT. Khi đã có quy định, cơ quan quản lý phải có cơ chế, biện pháp kiểm soát", ông Sùa nói.
Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, với quy định mới trong Luật Đường bộ, đơn vị kinh doanh vận tải nhỏ lẻ sẽ gặp khó khi thực hiện. Tuy nhiên, luật đã quy định thì khó cũng phải làm để đảm bảo an toàn. Quy định cụ thể sẽ được chi tiết hóa khi xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận