Không thể khoán trắng trách nhiệm cho lái xe
Ngày 16/9, lãnh đạo Trạm CSGT Đức Phổ - Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã tổ chức buổi làm việc với các chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế thường xuyên hoạt động trên địa bàn TX Đức Phổ để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự ATGT cũng như làm rõ các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra.
Ông Lê Hồng Bàng, đại diện Công ty TNHH Xây dựng quảng cáo Hồng Sang, chủ đội xe tải mang lô gô Hồng Sang cho rằng một phần nguyên nhân do hiện nay tiến độ một số tuyến cao tốc gấp rút trong khi mùa mưa đến gần nên các đơn vị vận tải phải tăng chuyến, tăng giờ chạy nhằm đảm bảo hợp đồng đã ký kết.
Nhưng tăng phương tiện vận chuyển, chạy dày quá thì người dân phản ứng, bức xúc. Còn chạy ít thì không đảm bảo tiến độ. Mong lực lượng CSGT hỗ trợ, hướng dẫn cách điều tiết, phân luồng để các đơn vị hoạt động hiệu quả và không gây phản ứng từ dư luận.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Tùng, đại diện doanh nghiệp vận tải Anh Đức cho rằng, tình trạng xe chạy quá tốc độ thời gian qua là do một số doanh nghiệp "khoán" theo chuyến với số tiền nhất định tùy vào cự ly di chuyển cho lái xe. Thậm chí để "khuyến khích" lái xe chạy nhiều chuyến nhằm tăng sản lượng chủ xe còn "khuyến mại" thêm tiền mỗi chuyến ngoài lương cứng.
"Việc này buộc tài xế phải chạy nhanh, tăng chuyến và tăng sản lượng vận chuyển. Từ đó dẫn đến tình trạng quá tốc độ, quá tải", ông Tùng chỉ rõ và cho biết thêm, vấn nạn xe chở vật liệu lưu thông trên địa bàn TX Đức Phổ với tốc độ 80km/h thì không thể chấp nhận được.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Minh Thử, đại diện nhà xe mang lô gô CCB cho biết, ông có nắm thông tin một số đơn vị vận tải có khuyến khích lái xe chạy tăng chuyến dẫn đến tình trạng tài xế giành vị trí đậu đỗ, chen lấn trên đường… gây mất ATGT.
"Chủ doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong điều phối cũng như đảm bảo trật tự ATGT, không thể khoán trắng trách nhiệm cho lái xe.
Khi có tai nạn xảy ra ngoài tài xế chịu trách nhiệm thì chủ doanh nghiệp cũng "lao đao", khổ lắm. Do đó, phía nhà xe luôn yêu cầu lái xe khi lưu thông qua các khu dân cư phải chạy thật chậm, nhất là giai đoạn này học sinh đến trường", ông Thử nói.
Phải thay đổi ý thức từ chủ doanh nghiệp
Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi đã trình chiếu phim về TNGT, phân tích nguyên nhân, hành vi và trách nhiệm của doanh nghiệp, tài xế với từng mức phạt theo Nghị định 100 và Nghị định 123 sửa đổi.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi, mức phạt hiện nay đối với các vi phạm từ lái xe đến chủ xe đều rất cao, song một bộ phận không nhỏ tài xế, chủ doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, vô ý thức khi tham gia giao thông.
"Tôi làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT trên đường, tài xế điều khiển xe chở đầy đất chạy ngang qua. Dù thấy lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ nhưng người này vẫn cố tình rồ ga tăng tốc và "nhả" khói bụi vào lực lượng làm nhiệm vụ. Thử hỏi, như vậy có văn hóa tham gia giao thông không?
Các doanh nghiệp vận tải kêu lực lượng CSGT làm khó, nhưng trách nhiệm của các anh trong việc giáo dục tài xế như thế nào.
Bản thân tài xế điều khiển xe chạy tốc độ cao, chở quá tải dù biết rõ sẽ bị phạt nhưng vẫn cố tình cầm lái. Vậy hành vi này có đáng lên án, có đáng bị xử phạt. Chúng tôi đồng hành nhưng các anh không tuân thủ quy định thì hỗ trợ bằng cách nào", lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi đặt câu hỏi.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 21 người, bị thương 26 người, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2023.
Về xử lý vi phạm đã phát hiện 5.835 trường hợp, phạt tiền 2.825 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước hơn 8 tỷ đồng; tước 821 giấy phép lái xe, kiểm định, phù hiệu, tạm giữ 728 phương tiện, 5.046 giấy tờ xe các loại.
Trong đó, vi phạm về tải trọng hàng hóa gần 1.200 phương tiện. Riêng, Trạm CSGT Đức Phổ lập biên bản xử phạt 235 trường hợp với số tiền nộp phạt gần 1,7 tỷ đồng.
Để chống các hành vi vi phạm trật tự ATGT, đại diện các doanh nghiệp vận tải cho rằng, trước hết các chủ xe phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong vận hành, quản lý phương tiện và lái xe. Đồng thời, quán triệt và xử lý nghiêm lái xe cố tình vi phạm thì mới giảm được tình trạng mất ATGT.
Theo ông Trần Thanh Tùng - doanh nghiệp vận tải Anh Đức, để giám sát đội phương tiện cả chục chiếc hoạt động liên tục trên đường, doanh nghiệp lắp thiết bị giám sát hành trình, camera theo dõi dữ liệu hoạt động để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở khi có dấu hiệu vi phạm.
"Nếu phát hiện phương tiện lưu thông trên địa bàn TX Đức Phổ quá 40km/h, tôi điện thoại nhắc ngay. Trường hợp vi phạm trên 50km/h và tái phạm, tôi yêu cầu tài xế đưa xe về bãi, làm thủ tục thanh lý hợp đồng, trả lương đã làm việc và cho nghỉ.
Mình làm chủ doanh nghiệp mà buông lỏng quản lý để lái xe gây tai nạn trên đường vì các vi phạm là khổ tới mình, gia đình bị hại và bản thân tài xế. Tôi cho rằng, để đảm bảo ATGT, chủ doanh nghiệp vận tải phải mạnh tay xử lý vi phạm đồng thời với việc xử lý nghiêm minh của cơ quan chức năng", ông Tùng nêu quan điểm.
Trong khi đó, anh Phạm Văn Tươi, tài xế của nhà xe Công Bình Kiều cho rằng làm nghề tài xế phải tiết chế các bức bách và nghiêm túc với nghề. Tôi không dám chắc mình sẽ đúng 100%, nhưng bản thân luôn tuân thủ nguyên tắc, quy định về pháp luật ATGT. Trong đó, luôn chạy xe đúng tốc độ, tải trọng…
Ông Hoàng Minh Thử - chủ đội xe mang lô gô CCB - mong rằng các doanh nghiệp vận tải hoạt động trên địa bàn cùng chung suy nghĩ, tích cực trong hoạt động để đảm bảo ATGT. Đồng thời, quán triệt đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm quy định pháp luật, không vượt ẩu, chở quá tải…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận