Cầu tre cheo leo trên miệng hà bá
Cây cầu tre tạm bắc ngang suối Đắk Rơ Nga là lối duy nhất để người dân thôn Đắk Tăng (xã Ngọc Tụ, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) đến khu sản xuất rộng hơn 70ha.
Nhiều năm qua, cây cầu dựng tạm bằng tre, dài hơn 30m là lối đi chính phục vụ sản xuất của người dân hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.
Chiếc cầu làm tạm bợ bằng tre nứa, gỗ nhỏ. Thân cầu thấp, mặt cầu chỉ cao hơn mặt nước khoảng 1m, có đoạn còn võng xuống sát mặt nước. Nguyên do là cọc gỗ lún không chịu được sức tải của người và hàng hóa.
Việc cầu xuống cấp, hư hỏng đã gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như việc phát triển kinh tế của thôn Đăk Tăng.
Ông A Giáo (67 tuổi, trú tại xã Ngọc Tụ) cho biết: "Cây cầu này chỉ đi được xe máy, chở nhiều thì vài ba bao sắn, vật tư nông sản nhưng mỗi năm đều phải làm lại. Mỗi khi trời mưa , nước suối dâng lên, chảy mạnh thì hầu như không ai dám đi".
"Năm nay lũ chưa cuốn cầu nên mọi người vẫn tận dụng cầu cũ. Để khắc phục tạm thời, người dân dùng dây thép, dây vải, đinh để gắn những thân tre lại với nhau", ông A Giáo nói và cho biết: Người dân mong mỏi chính quyền hỗ trợ làm cầu mới để thuận lợi phát triển kinh tế, việc đi lại, giao thương với bên ngoài cũng dễ dàng hơn".
Theo vị đại diện xã Ngọc Tụ, cây cầu tre bắc qua suối Đắk Rơ Nga được người dân đóng góp vật liệu, góp tiền và vận động nhau cùng làm để đi nương rẫy. Tuy nhiên, hầu như năm nào cây cầu cũng phải làm lại, hoặc sửa chữa thì mới đi lại được.
Nhiều năm qua, xã này đã đề nghị các cấp có thẩm quyền đầu tư, làm cầu giúp dân ổn định cuộc sống, sản xuất nhằm phát triển kinh tế nhưng... vẫn chờ.
Tương tự, cây cầu treo nối thôn 5 (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô) với khu sản xuất bên kia suối Đăk Rnghe cũng đã xuống cấp, hư hỏng từ vài năm trước.
Cầu chưa được sửa nên khi đi canh tác, sản xuất, người dân thôn 5 phải lội suối. Nhiều thời điểm mưa lũ dâng cao, người dân buộc phải ở nhà, dừng công việc đồng áng.
Ông A Nhanh, người dân xã Kon Đào chỉ vào cây cầu xuống cấp thở than: "Cầu hỏng rồi chỉ vượt suối mùa khô vận chuyển bao sắn, bao phân bón qua lại thôi.
Chở nhiều không được nên chở nhiều lần rất tốn chi phí và công vận chuyển", ông Nhanh nói và cho biết thêm: "Cầu hỏng nên mỗi khi mưa lớn đành ngồi nhìn và chờ nước rút. Mùa mưa kéo dài tận nửa năm nên bà con lo lắng lắm".
Theo thống kê của Sở GTVT Kon Tum, qua rà soát tỉnh này có 227 cầu nông thôn như cầu treo, cầu dân sinh bắc qua sông suối nhỏ.
Các cầu đều là lối đi phục vụ dân sinh làm ăn sản xuất. Trong đó, 95 cây cầu chưa đảm bảo kết cấu bê tông cốt thép và 29 cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng.
Địa phương có nhiều cầu treo hư hỏng nhất tại hai huyện Đắk Glei và Đắk Tô. Trong đó chỉ riêng huyện Đắk Glei có 76 cầu treo thì 16 cầu trong tình trạng xuống cấp. Tại huyện Đắk Tô có 17 cầu treo thì 5 cây cầu không đảm bảo an toàn.
Giải pháp tạm thời mùa mưa lũ
Theo Sở GTVT Kon Tum, với địa hình đồi núi dốc, có nhiều sông suối, cầu treo, cầu tạm vừa là con đường đi lại qua sông, suối vừa là tuyến đường vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân đi tiêu thụ. Các vị trí cầu treo, cầu dân sinh này đều ở các địa phương cấp xã quản lý.
Tại một số nơi, để phục vụ việc đi lại sản xuất, người dân góp tiền dựng tạm cây cầu bắc ngang sông, suối. Với nguồn vốn eo hẹp, các cây cầu treo của người dân chủ yếu được làm từ tre, gỗ ván kết nối bằng sợi dây thép.
Hiện, Kon Tum đang vào mùa mưa bão, những cây cầu tạm của người dân tự làm để vượt suối không còn đảm bảo an toàn, phục vụ đi lại, canh tác và nguy cơ mất an toàn rất cao.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Thuần, Phó giám đốc Sở GTVT Kon Tum cho biết, Sở đã kiểm tra, rà soát các khu vực nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa khi xảy ra mưa bão.
Bên cạnh đó, đối với các vị trí sạt lở lớn ách tắc giao thông phải cử lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương đến hiện trường, triển khai phương án phân luồng giao thông từ xa và khẩn trương khắc phục sự cố.
Cũng theo ông Thuần, hiện nay kinh phí xây dựng để đảm bảo ATGT tại các vị trí cầu treo, cầu tạm trên địa bàn còn eo hẹp. Phương án tạm thời là bố trí người trực gác, hướng dẫn người điều khiển phương tiện, khi thấy dấu hiệu không đảm bảo ATGT cương quyết không để phương tiện qua lại.
"Hiện nay số lượng cầu tạm, cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh còn nhiều. Vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát và ưu tiên xây dựng kiên cố tại các vị trí trọng điểm, xung yếu", ông Thuần cho biết.
Hình ảnh cầu dân sinh, cầu treo tại Kon Tum xuống cấp do PV Báo Giao thông ghi lại:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận