Chiều 6/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vi Thế Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cho biết cầu treo Kẻ Nính đã bị sập đổ hoàn toàn vào khoảng 12h trưa nay.
“Rất may, thời điểm cầu sập không có người dân nào ở gần. Cầu cũng không có người qua lại. Chỉ có một con gia súc dưới cầu không may bị các vật liệu từ cầu văng phải. Hiện xã đang cho lực lượng phong tỏa hiện trường sập cầu”, ông Long cho biết thêm.
Xác nhận thông tin, ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Quỳ Châu cho biết thêm: Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc để xác định nguyên nhân vì sao cầu sập.
Cũng theo ông Hùng, cầu treo Kẻ Nính được xây dựng vào năm 2011. Đợt mưa bão lớn vào tháng 8/2022 khiến mố cầu phía bản Kẻ Nính bị sạt lở, hộp thanh neo bị nứt vỡ…
Ngay sau đó, huyện đã phối hợp với chính quyền xã tiến hành thông báo cho người dân, cắm biển báo và thực hiện cấm cầu.
Trong khi đang chờ có nguồn để sửa chữa, khắc phục thì trận lụt lịch sử vào tháng 9/2023 khiến cầu càng bị hư hỏng nghiêm trọng hơn.
Mới đây, huyện đã thuê Trung tâm Khoa học công nghệ GTVT, Trường Đại học GTVT về kiểm tra, đánh giá.
Kết quả, kết cấu phần cứng của cầu cho kết quả bình thường. Sau đó, huyện đã bố trí kinh phí 2 tỷ đồng để khắc phục, ngăn sạt lở ở mố cầu phía Tây Bắc.
“Việc khắc phục chưa hề đụng chạm gì đến phần cứng của cầu; chỉ mới đắp ở mố cầu phía Tây Bắc và chỉ mới thực hiện được ngày thứ 2 thì cầu bất ngờ bị sập. Hiện các cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân vụ việc”, ông Hùng nói và cho biết thêm:
Hiện trên địa bàn huyện còn có một số cầu treo khác nhưng cũng đã được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên vẫn đang khai thác tốt.
Liên quan đến cầu Kẻ Nính, Báo Giao thông cũng đã từng có bài viết phản ánh sau nhiều năm đưa vào sử dụng, năm 2022 do ảnh hưởng của mưa lũ khiến cầu Kẻ Nính nối bản Hạnh Tiến với bản Đình Tiến và bản Kẻ Nính (thuộc xã Châu Hạnh) bị hư hỏng nghiêm trọng.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã có cảnh báo, thậm chí là đổ đất, hàn thanh sắt chắn ngang để ngăn người dân qua lại. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm đi lại qua cầu này.
Cùng với đó, địa phương đã báo cáo lên Sở GTVT Nghệ An, sau đó thuê Trung tâm Khoa học công nghệ GTVT, Trường Đại học GTVT về kiểm tra, đánh giá.
Thông qua kết quả kiểm định chất lượng tại hiện trường và kết quả kiểm toán, trung tâm cho biết, dưới tác động của tải trọng thử nghiệm, đã được bố trí ở trạng thái gây hiệu ứng tải bất lợi nhất, các bộ phận kết cấu cũng như toàn bộ hệ thống có những đáp ứng bình thường, hoàn toàn trong phạm vi đàn hồi…
Quá trình kiểm tra lại khả năng chịu tải, các hạng mục công trình cầu đảm bảo khả năng chịu lực với tải trọng khai thác người 150kg/m2 hoặc tải trọng xe có trọng tải toàn bộ xe là 2500kg.
Đoàn kiến nghị không tập trung quá 35 người trên cầu, xe khai thác có trọng tải toàn bộ xe không quá 2500kg và từng xe một qua cầu; hạn chế tốc độ xe không quá 10km/h.
Ngoài ra, đơn vị sử dụng cần theo dõi thường xuyên các vị trí mố neo, độ võng tĩnh của dây cáp chủ, cao độ giữa hai mặt phẳng dây cáp, phương thẳng đứng của các dây treo, có biện pháp chống đọng nước ở khu vực chân tháp và mố neo, không qua cầu trong khi có gió bão…
Tổng kinh phí sửa chữa, khắc phục dự kiến lên đến khoảng 7 - 8 tỷ đồng. Do ngân sách địa phương hạn hẹp, nên huyện phải xin các nguồn từ tỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận