Trong giai đoạn tỉnh Hưng Yên tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, phát triển các khu công nghiệp, đô thị thì kéo đó là tình trạng TNGT tăng nóng.
Liên tiếp xảy ra tai nạn, nhiều nơi tăng nóng
Chiều tối ngày 11/2, 2 thanh niên đèo nhau bằng xe máy đi trên tuyến đường tỉnh qua xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã không làm chủ tốc độ tự đâm gốc gây tử vong.
Một trong số nhiều vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời gian gần đây.
Tối 9/2, 2 nữ công nhân ở xã Hàm Tử, trên đường đi làm về nhà không may va chạm với xe ô tô tải ở tuyến đê dốc Nhạn Tháp. Hậu quả một người chết tại chỗ, người còn lại bị thương.
Đầu giờ sáng ngày 4/1, người phụ nữ khi đi ngang QL39 (TT. Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ) để đi làm không may xảy ra TNGT với ô tô con, tử vong tại chỗ.
22h đêm ngày 31/12/2022, trên tuyến QL39 đoạn qua khu Phố Nối, Yên Mỹ, Hưng Yên, nam công nhân trên đường đi làm ca đêm về đã đâm vào xe ô tô tải tử vong.
Thống kê của Ban ATGT tỉnh Hưng Yên, trong năm 2022, toàn tỉnh này xảy ra 148 vụ, làm chết 108 người, bị thương 121 người. So với cùng kỳ năm 2021: tăng 3 vụ, tăng 3 người chết, tăng 8 người bị thương. Trong đó, có một số địa phương có số người chết vì TNGT tăng cao như: huyện Yên Mỹ, Kim Động, Văn Lâm.
22h52’ ngày 20/11, tại vòng xuyến xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, 2 thanh niên đèo nhau đi xe máy tốc độ cao, không đội MBH. Khi vào khu vực nút giao đã đâm vào sườn đuôi phía sau xe tải. Hậu quả cả 2 cùng tử vong.
Đêm ngày 3/12, tại ngã tư giao nhau giữa đường ĐH.18 và đường ĐH.13 kéo dài, thuộc thôn Cát Lư, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, một xe máy kẹp 4, đấu đầu xe đầu kéo, làm 3 nam nữ thanh niên tử vong, 1 người bị thương rất nặng. Cùng thời điểm này, đoạn 21h, tại QL5 đoạn qua Chợ Đường Cái, 3 nam thanh niên đèo nhau trên 1 chiếc xe máy đi ngược chiều đâm vào xe tải; hậu quả cả 3 nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời gian gần đây. Điểm chung trong các vụ TNGT là nạn nhân, cũng như người liên quan đều có tuổi đời rất trẻ: có thiếu niên, có thanh niên mới 20, 21 tuổi, cũng có người mới lập gia đình, con còn nhỏ, người bản thân đang trong độ tuổi lao động sung sức nhất. Ngoài ra, các khung thời gian xảy ra tai nạn cũng tập trung nhiều hơn vào buổi tối, giờ tan tầm, tan ca.
Các vụ TNGT thường xảy ra vào đêm tối, người bị tai nạn đều ở độ tuổi rất trẻ. (Ảnh vụ TNGT khiến nam công nhân tử vong khi đi làm ca đêm ngày cuối năm trở về)
Công nghiệp, hạ tầng phát triển, kéo TNGT tăng theo
Trăn trở với tình hình TNGT trên địa bàn, ông Lê Ngọc Hưng - Chánh Văn phòng Ủy viên Ban ATGT tỉnh Hưng Yên, cho biết: Công tác đảm bảo TTATGT thời gian qua ở Hưng Yên luôn được cấp ủy Đảng và chính quyền đặc biệt quan tâm, hiện thực hóa qua rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, kế hoạch...
Tình hình TTATGT trong các đợt cao điểm nghỉ lễ, Tết được đảm bảo. Các đơn vị là thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành thị và các lực lượng đã tích cực triển khai các hoạt động trong công tác đảm bảo trật tự ATGT theo kế hoạch...
Tuy nhiên, trong năm 2022 các chỉ tiêu số vụ, số người chết, số người bị thương đều tăng so với năm 2021. Cá biệt, có một số địa phương có TNGT tăng cao như: Yên Mỹ (số vụ tăng 133,3%, người chết tăng 166,7%, số người bị thương tăng 375%); Kim Động (số vụ tăng 83,3%, người chết tăng 60%, số người bị thương tăng 136,4%); Văn Lâm (số vụ tăng 28,6%, người chết tăng 37,5%, số người bị thương tăng 188,9%).
Nhiều công trình dự án quy mô lớn và quá trình cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông khiến cho áp lực về giao thông gia tăng và làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Theo ông Hưng, qua phân tích đặc điểm tình hình và kết quả điều tra các vụ tai nạn, Ban ATGT tỉnh đã xác định một số nguyên nhân chung khiến cho tình hình TNGT trên địa bàn có diễn biến phức tạp như:
"Một là hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tới 8 dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các tuyến giao thông huyết mạch cùng triển khai. Các dự án làm tăng lượng xe vận chuyển vật liệu, giảm bề rộng các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác, từ đó, làm gia tăng áp lực giao thông.
Hai là, tỉnh đang triển khai hàng loạt các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sạch rộng 143 hecta ở Khoái Châu và Ân Thi; hạ tầng KCN số 05, quy mô 192,64 hecta ở Ân Thi và Kim Động; Dự án hạ tầng KCN số 03, quy mô dự án 159,71 hecta tại xã Hồng Tiến (Khoái Châu), xã Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ) và xã Xuân Trúc (Ân Thi); Hạ tầng KCN Thăng Long II mở rộng (giai đoạn 3); Dự án hạ tầng KCN Yên Mỹ; dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho người thu nhập thấp KCN Yên Mỹ II... Kéo theo một số lượng lớn công nhân, người lao động, phương tiện từ các nơi đổ về làm tăng áp lực giao thông trên địa bàn. Trong lúc đó, hệ thống đường tỉnh, đường huyện đều xây dựng từ lâu nên mặt đường nhỏ, chưa đạt cấp quy hoạch. Hạ tầng giao thông chung của toàn tỉnh chưa theo kịp nhu cầu phát triển phương tiện của người dân, làm cho một số tuyến đường quá tải, ùn tắc, tăng TNGT".
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào điều hành giao thông, xử lý vi phạm được xem như là một trong những giải pháp để Hưng Yên cải thiện tình hình TTATGT trên địa bàn. (Ảnh minh họa)
Cũng theo ông Hưng, hiện nay ý thức chấp hành luật lệ ATGT của một bộ phận người dân còn thấp, nhất là độ tuổi thanh, thiếu niên. Nhiều nơi còn tái diễn tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện, không tuân thủ các quy định về tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, không tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, thanh niên tụ tập đua xe, lạng lách đánh võng gây mất TTATGT...
Tình trạng thanh niên, học sinh, sinh viên vi phạm các quy định về trật tự ATGT gia tăng, dẫn đến nhiều vụ TNGT do thiếu kỹ năng điều khiển xe, thiếu kiến thức pháp luật về TTATGT. Nhiều vụ TNGT trọng liên quan đến người lao động từ các địa phương khác về tỉnh làm việc, điển hình như 2 vụ TNGT rất nghiêm trọng ngày 3/12/2022, trên địa bàn huyện Văn Lâm, làm 4 người chết, 4 người bị thương; các nạn nhân đều là người từ tỉnh khác.
Để kéo giảm TNGT trong năm 2023, ông Hưng cho rằng, ngoài việc tiếp tục nâng cao các hoạt động tuyên truyền, tăng cường tuần tra xử lý, thì việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ cao trong công tác đảm bảo trật tự ATGT là cần thiết. Trong năm 2023, Ban ATGT tỉnh và các đơn vị thành viên sẽ tăng cường tuyên truyền trên không gian mạng thông qua các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” chú trọng tuyên truyền đến các đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp; Sắp xếp tổ chức, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; Xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT. Cùng đó, sẽ triển khai lắp đặt thêm các thiết bị camera giám sát trật tự ATGT trên các tuyến đường trọng yếu, các nút giao có đèn tín hiệu giao thông để phục công tác giám sát, cảnh báo và xử lý vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận