Năm 2022, Hòa Bình xảy ra 100 vụ TNGT, làm chết 71 người, bị thương 96 người. So với với cùng kỳ năm 2021, TNGT tăng cả 3 tiêu chí. Còn riêng trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão, tỉnh này xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết 7 người, bị thương 3 người (so với cùng kỳ, tăng 3 vụ TNGT, tăng 3 người chết).
Lực lượng CSGT-TT TP Hòa Bình tổ chức kiểm tra nồng độ cồn xuyên suốt, kéo dài từ 28/11/2022 đến nay, đã phát hiện hơn 250 trường hợp vi phạm.
Đồng loạt ra quân, đã làm là triệt để
Tối 6/2, lực lượng CSGT-TT Công an TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) tiếp tục triển khai kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện. Theo kế hoạch đã được phê duyệt từ trước Tết Nguyên đán, mỗi ngày 2 lần (sau 12h trưa và sau 19h30 tối), lực lượng này lại triển khai quân tỏa đi các tuyến đường để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo ghi nhận của PV, khác với các tổ làm cồn thông thường, tổ của TP Hòa Bình làm việc lưu động trong phạm vi toàn thành phố, không cố định vị trí, tuyến đường. Khu vực thực hiện đo kiểm soát nồng độ cồn được lãnh đạo ấn định vào thời điểm trước ca làm việc.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc các cán bộ chiến sĩ phải ghi hình quy trình đo thông qua thiết bị cá nhân và thiết bị nghiệp vụ do Công an thành phố trang cấp.
Việc làm này đảm bảo tính công khai, minh bạch và đặc biệt là ngăn chặn tình trạng cả nể khi gặp người thân quen.
Người vi phạm nồng độ cồn ở Hòa Bình nhận thức được hành vi vi phạm nên nhanh chóng chấp hành việc kiểm tra và ký vào biên bản.
Trong hơn 2h kiểm tra trên tuyến đường Hữu Nghị, các chiến sĩ kiểm tra tới gần 100 phương tiện, bao gồm: ô tô, xe máy, xe biển công vụ (biển xanh), xe taxi, xe quân đội (biển đỏ) và kiểm tra tất cả người điều khiển phương tiện mà không phân biệt giới tính, độ tuổi.
Cả ca tuần tra, tổ chỉ phát hiện 2 trường hợp vi phạm, gồm 1 người lái xe ô tô, 1 người điều khiển xe máy. Cả 2 trường hợp đều tự ý thức hành vi vi phạm và chấp hành ký vào biên bản.
Thượng úy Nguyễn Thị Thu Trang, cho biết: Giờ người dân chấp hành tốt rồi. Có hôm anh em làm cả buổi, kiểm tra rất nhiều phương tiện mà không có trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn, thậm chí vi phạm về giấy tờ cũng không có.
Lãnh đạo Đội CSGT-TT TP Hòa Bình cho biết: Xác định vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT nên công tác kiểm tra và xử lý vi phạm này được anh em làm xuyên suốt từ trước trong và sau Tết Nguyên đán.
Tính đến ngày 31/1/2023, lực lượng CSGT-TT TP Hòa Bình phát hiện, xử lý 248 trường hợp vi phạm lỗi nồng độ cồn, phạt tiền 1,94 tỷ đồng.
Còn đối với lực lượng CSGT tỉnh, từ sau Tết Nguyên đán, lực lượng này tập trung rất mạnh vào kiểm tra xử lý xe khách. Thượng tá Nguyễn Quang Huy - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và kế hoạch của Công an tỉnh về đảm bảo TTATGT sau Tết, Phòng CSGT đã chủ trì và phối hợp Công an huyện, thành phố tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt 24/24h các tuyến đường có xe khách đi qua, thời gian từ ngày 26/1 - 26/2.
Thông qua các ca tuần tra, đến nay (ngày 8/2) lực lượng CSGT đã lập 158 biên bản xử lý vi phạm hành chính, trong đó có 69 trường hợp chở quá số người quy định, 43 trường hợp chở hàng hóa, vật liệu có nguy cơ cháy nổ trong khoang hành khách và 51 lỗi vi phạm khác; tạm giữ 2 phương tiện, tước GPLX 26 trường hợp, tổng số tiền phạt lên đến 371 triệu đồng.
169 tàu chở khách vùng Hồ Hòa Bình bị buộc nằm bờ do không có đăng ký, đăng kiểm.
Siết chặt quản lý, đưa vận tải thủy vào khuôn khổ
Không chỉ trên đường bộ, trong lĩnh vực vận tải đường thủy, nhất là vận tải khách du lịch, năm nay, tỉnh Hòa Bình thể hiện sự quyết tâm và cương quyết đối với các hành vi vi phạm. Ngay từ ngày đầu tiên của năm Quý Mão, lực lượng liên ngành gồm: thanh tra giao thông, CSGT đường thủy, công an địa phương đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra hoạt động của các tàu thuyền chở khách du lịch, các bến trong vùng Hồ Hòa Bình. Qua kiểm tra phát hiện 169/260 phương tiện chưa được đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Tất cả các tàu thuyền này đã bị buộc phải nằm bờ cho đến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định thì mới được xuất bến.
Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hòa Bình - Lê Xuân Cử cho biết: Trong dịp trước trong sau Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2023, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, các sở ngành và các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc một cách quyết liệt. Đặc biệt, các lực lượng đã tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra, xử lý xe khách, hoạt động vận tải thủy nội địa vùng hồ Hòa Bình, đảm bảo đưa đón nhân dân đi lại an toàn, không để xảy ra tình trạng thiếu tàu xe, hay bị ép giá, nâng cước. Các lực lượng cũng đã thể hiện sự quyết tâm, cương quyết trong xử lý các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông; cương quyết buộc các tàu thuyền không đủ điều kiện hoạt động, không đảm bảo an toàn phải nằm bờ.
Về phương hướng và các nhiệm vụ cần triển khai năm 2023, ông Cử cho biết: Năm 2023, tỉnh Hòa Bình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT theo kế hoạch 14 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”. Ban ATGT tỉnh yêu cầu các đơn vị thành viên, theo chức năng nhiệm vụ của mình triển khai đến cơ quan đơn vị, từng người dân trên địa bàn bằng các kế hoạch cụ thể. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nhất là về tác hại rượu bia, đã uống rượu bia thì không lái xe; thực hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông tuân thủ quy định về tốc độ, phần đường làn đường, tuân thủ điều hành giao thông tín hiệu biển báo; các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn nếu có.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận