Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ, cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đây cũng là địa phương nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc.
Lực lượng TTGT Vĩnh Phúc kiểm tra xe đưa đón công nhân.
Hiện nay, trên địa bàn có đến 8 khu công nghiệp đang hoạt động, với khoảng 200 nghìn người lao động. Chính vì vậy, số lượng xe hợp đồng đưa đón công nhân tại các khu công nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều trường hợp vi phạm về điều kiện lưu hành, đậu đỗ không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định.
Trước thực trạng này, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, lập lại trật tự vận tải khách hợp đồng đưa, đón học sinh, sinh viên và công nhân trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Bản, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Vĩnh Phúc cho biết: Thời gian qua, Sở GTVT Vĩnh Phúc đã sát sao trong công tác quản lý nhà nước, thường xuyên chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tăng cường kiểm soát xử lý vi phạm.
Cụ thể, trong năm 2022, TTGT đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm 261 trường hợp vận tải hành khách bằng xe ô tô, xử phạt gần 1 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, phù hiệu kinh doanh vận tải đối với 87 trường hợp, tạm giữ 10 phương tiện vi phạm.
“Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, đến nay, hoạt động vận tải khách tại các khu công nghiệp cơ bản đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khả năng các trường hợp có thể tái vi phạm là rất dễ xảy ra (vi phạm về phương tiện không đủ điều kiện lưu hành, vi phạm về đậu đỗ trái phép, vi phạm về chở quá số người quy định…)”, ông Bản nói và cho biết thêm:
Kết quả kiểm tra, xử lý là cơ sở để đánh giá, xếp loại cuối năm
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2023, Sở GTVT đã giao nhiệm vụ cho người đứng đầu phòng ban chuyên môn tập trung tham mưu tăng cường công tác quản lý, tăng cường kiểm tra kiểm soát lập lại trật tự vận tải khách hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên và công nhân trên địa bàn toàn tỉnh.
Qua tìm hiểu đến nay các phòng ban chuyên môn đã đang tích cực xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện… Cụ thể, các xe này sẽ không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định và không được phép lưu hành để bảo đảm an toàn cho hành khách; bảo đảm các phương tiện hoạt động có tổ chức, đưa, đón học sinh, sinh viên, công nhân đúng giờ, có trật tự.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng sẽ kiểm soát, đẩy lùi tình trạng “xe dù” hoạt động vận chuyển đưa đón công nhân, xe đậu đỗ trái phép bên ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; yêu cầu tất cả các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, kể cả xe buýt, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông.
Tất cả xe dạy lái đường trường phải lắp đặt camera giám sát và cung cấp dữ liệu từ thiết bị. Các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải lắp đặt đủ cabin điện tử để phục vụ công tác đào tạo đúng theo lộ trình quy định.
“Đặc biệt, kết quả thực hiện nhiệm vụ là cơ sở đánh giá kết quả bình xét thi đua - khen thưởng của Trưởng các phòng, ban, đơn vị cuối năm, đảm bảo đánh giá đúng năng lực, kết quả công việc. Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành ở mức độ thấp thì Ban Giám đốc sẽ xem xét, bố trí vị trí công tác khác cho phù hợp”, ông Bản nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận