Ngày 30/9, buổi thứ 2 của buổi tập huấn về ATGT đường bộ do Uỷ ban an toàn Quốc gia phối hợp với quỹ Bloomberg tổ chức tiếp tục thảo luận về vấn đề lái xe quá tốc độ và cách truyền thông thế nào để đạt hiệu quả với đối tượng tham gia giao thông đường bộ.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan Ban ATGT, Sở GTVT, CSGT ở 3 thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Một nghiên cứu ở TP.HCM cho thấy tốc độ xe nhanh nhất thường xảy ra từ 3h sáng đến 4h sáng dễ xảy ra tai nạn
Lái xe vượt quá tốc độ, nguy cơ tử vong cao!
Ông Tom Carroll, cố vấn cao cấp tổ chức Vital Strategies đặt vấn đề về thực trạng đội mũ bảo hiểm và vi phạm tốc độ ở TP.HCM hiện nay.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Quốc Hùng, đại diện Ban ATGT TP.HCM cho biết, về tỉ lệ đội mũ bảo hiểm ở TP.HCM, chiến dịch tuyên truyền đã rất thành công. Người lớn đội mũ bảo hiểm trên 90%, tuy nhiên trẻ em tỉ lệ còn thấp. Do đó, chiến dịch đội mũ bảo hiểm trẻ em tiếp tục được vận động tuyên truyền. Đến thời điểm này thì tỉ lệ đội mũ bảo hiểm ở cả trẻ em và người lớn đạt tỉ lệ cao. Thế nhưng tình trạng đội mũ bảo hiểm không chất lượng còn chiếm tỉ lệ khá lớn.
Về vi phạm tốc độ, theo ông Hùng, ở TP.HCM đường chủ yếu đô thị, đường liên tỉnh ít, do đó tai nạn giao thông do vi phạm tốc độ ít. Thống kê cho thấy, số vụ vi phạm chạy quá tốc độ chủ yếu là ban đêm và người điều khiển xe máy tham gia giao thông đã uống rượu bia. Ban ngày mật độ giao thông đông, ít có vụ tai nạn do chạy quá tốc độ.
Ông Tom Carroll, tiếp tục đặt câu hỏi: TP.HCM đã làm gì để kiểm soát vi phạm tốc độ của người điều khiển phương tiện.
Ông Hoàng Phúc Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TP.HCM) cho biết, Sở có nhiều giải pháp đảm bảo an toàn thông, hạn chế tốc độ người tham gia giao thông trên đường. Cụ thể, tại các cổng trường, trung tâm mua sắm, bến xe nhà ga… được lắp biển kiểm soát tốc độ, lắp thêm biển cảnh báo, nâng gờ vạch tốc độ, sơn màu đỏ tăng thêm nhận diện cho người tham gia giao thông đi qua cổng trường, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Cũng theo ông Dũng tại một số tuyến đường của ngõ TP, Sở GTVT lắp màn hình Led tuyên truyền, camera cảnh báo tốc độ, nếu xe chạy quá tốc độ biển cảnh báo màu đỏ và tín hiệu truyền về phòng CSGT để xử phạt.
Trước đó, TP.HCM cũng đã nghiên cứu ứng dụng dữ liệu OpenStreetMap và Google API để phân tích tốc độ phương tiện, áp dụng cho 14 tuyến đường ở TP.HCM. 4 hành lang nguy hiểm nhất ở TP.HCM có số người tử vong do tai nạn giao thông năm 2020 bao gồm: đường Rừng Sác, QL1, QL50, Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh…
Phân tích dữ liệu qua Google API cho thấy, đường cong biến thiên của tốc độ ban ngày đối với hầu hết các hành lang với hai điểm thấp vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều. Tốc độ xe nhanh nhất thường xảy ra từ 3h sáng đến 4h sáng và tốc độ thấp nhất thường xảy ra vào lúc 7h sáng và 5h chiều, tùy thuộc vào hướng lưu thông và vị trí của đường.
Ngoài TP.HCM, các đoàn ở Hà Nội, Đà Nẵng cũng cho biết để người tham gia giao thông đi đúng tốc độ, các sở ngành đã triển khai nhiều giải pháp như lắp biển cảnh báo, gờ giảm tốc, tuyên truyền… Sắp tới các địa phương tiếp tục triển khai nhiều kênh truyền thông hiệu quả đến người tham gia giao thông.
Kênh truyền thông nào hiệu quả để giảm tai nạn giao thông ?
TP.HCM phối hợp nhiều kênh tuyên truyền về ATGT
Đoàn của Hà Nội cho rằng có 4 hình thức công cụ truyền thông hiệu quả, báo chí thì có kênh của đài truyền hình, chiếu vào khung giờ khán giả xem nhiều để thu hút sự chú ý và kênh truyền thanh, màn hình Led, quảng cáo tại nhà ga, khu đông người.
Trong khi ở TP.HCM, đại diện của đoàn cho rằng có 2 đối tượng truyền thông là trực tiếp và không trực tiếp. Tuyên truyền trực tiếp là đài phát thanh, bảng quang điện tử, băng rôn tuyên truyền, lực lượng cưỡng chế. Không trực tiếp đa phương tiện qua các kênh truyền thông như báo, đài phát thanh, mạng xã hội là một trong những kênh truyền thông hiệu quả như facebook, zalo.
Xây dựng chiến dịch truyền thông luôn đi kèm với cưỡng chế thì mức độ truyền thông cao và hiệu quả hơn. Cưỡng chế không phải xử phạt mà để truyền thông. Để truyền thông hiệu quả thì phối hợp nhiều kênh truyền thông cùng lúc.
Tại hội thảo, ông Kaloi Garcia, quản lý truyền thông Philippines cho biết, truyền thông trải qua 3 tầng là gây chú ý, hiểu và thông điệp truyền tải để người xem ghi nhớ. Tài liệu truyền thông làm thế nào để người ta chú ý thì cần phải sáng tạo, thu hút sự chú ý của người xem.
"Trong chiến lược truyền thông, đặt mục tiêu 70% đối tượng được tiếp cận là thành công, điều này phải đánh giá qua điều tra, truy cập vào website, chỉ số thống kê. Truyền thông là kênh thông tin quan trọng để truyền tải thông điệp đến người xem, thông qua kênh truyền thông hiệu quả có tác động thay đổi tích cực hành vi của người tham gia giao thông", ông Kaloi Garcia nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận