Tưởng nhớ người đi
Ngay từ sáng sớm 29/12, tại chùa Long Hưng - nơi tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) năm 2023, rất đông người nhà các nạn nhân, phật tử từ khắp nơi đổ về để tưởng nhớ người thân, đồng bào không may qua đời vì TNGT.
Chia sẻ với PV, chị Bá Thị Liễu (xã Vĩnh Ngọc) rưng rưng cho biết, cách đây một năm, khi chỉ cách tết Nguyên đán chưa đầy một tháng, bố chồng chị không may bị va chạm trên đường, được người dân và gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
"Lúc đó vào buổi trưa ngày 2/12 Âm lịch, vợ chồng tôi nhận được điện thoại báo bố tôi gặp tai nạn bị thương ở đoạn đường gần nhà. Khi ra đến nơi, không thấy xe gây tai nạn, chỉ thấy bố tôi nằm cạnh chiếc xe máy, kêu đau bụng, đau ngực nhưng vẫn tỉnh táo. Đưa bố đi bệnh viện kiểm tra, bác sĩ thông báo bị gãy 4 xương sườn, chưa kể rất nhiều bộ phận bên trong bị tổn thương cần phải mổ gấp. Sau mổ, bố hôn mê nhiều ngày, thận bị suy giảm chức năng, vết thương bị nhiễm trùng, rồi bố ra đi mà chưa kịp dặn dò điều gì", chị Liễu kể.
Chị Liễu cho biết, bố chị mất năm 66 tuổi, trước khi mất, sức khoẻ ông rất tốt, là chỗ dựa tinh thần cho vợ con. Gần một năm ông ra đi, mẹ chị vẫn chưa thể nguôi ngoai, bà không thể đến bất kỳ đám tang nào khác trong làng bởi nỗi đau đè nén khiến bà liên tục rơi nước mắt đến không thể thở được.
"Mấy hôm trước, đọc được thông tin tại chùa Long Hưng sẽ tổ chức đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong do TNGT nên hôm nay, tôi sắp xếp công việc đến tham dự, để tưởng nhớ bố, cầu cho linh hồn bố cũng như các nạn nhân khác được siêu thoát", chị Liễu tâm sự và mong rằng mỗi người đều sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật TTATGT để không còn tai nạn, không còn những gia đình phải mất đi người thân một cách đột ngột và đau xót.
Nghe tin đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do TNGT tổ chức ở Hà Nội, ngay trong đêm 28/12, bà Bê (trú tại Đà Nẵng) đã bắt xe khách ra Hà Nội, 6h sáng bà có mặt tại chùa.
"Con trai tôi sang Lào làm việc bị TNGT và tử vong bên đó. Con ra đi mãi mãi khi tuổi đời còn trẻ khiến người làm mẹ như tôi vô cùng đau xót. Mong rằng lễ cầu siêu sẽ giúp con tôi sớm được siêu thoát, cũng mong sẽ không ai phải trải qua nỗi đau "kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh" như mình, gia đình có thể hạnh phúc sum vầy mỗi ngày cuối năm", bà Bê tâm sự.
Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 20 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về, cùng với đó là hàng chục gia đình tan nát vì TNGT, hàng trăm người đau xé lòng vì mất đi người thân yêu.
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ; Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng các thành viên Uỷ ban ATGT Quốc gia và các cơ quan, đơn vị dâng hương tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT tại Đại lễ cầu siêu sáng 29/12 (ảnh: Tạ Hải).
Vì người ở lại
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, theo giáo lý của Phật giáo, những nạn nhân tử vong do TNGT là những người chết bất đắc kỳ tử, tử vong trong trạng thái đang tham gia giao thông tích cực nên linh hồn họ vẫn nghĩ mình đang sống.
Cũng bởi vậy, đối với nhà Phật đây là những linh hồn đáng thương nhất, cần được quan tâm tổ chức cầu siêu để linh hồn họ được siêu thoát, phù hộ độ trì cho gia đình, cộng đồng và cho những người tham gia giao thông khác.
"Thông điệp của lễ cầu siêu cũng giống như thông điệp của lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT, tưởng nhớ những người không may qua đời, cầu cho hương linh nạn nhân TNGT được siêu sinh, đồng thời, gửi đến những người đang sống thông điệp: Không có gì quý hơn sinh mạng, mỗi người cần có ý thức giữ gìn cuộc sống quý báu của mình, chấp hành pháp luật về TTATGT để tham gia giao thông an toàn cho bản thân và tất cả những người xung quanh", ông Hùng nói.
Đại lễ cầu siêu không chỉ cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân không may bị tử vong do TNGT được siêu thoát mà còn nhắc nhở các phật tử và mỗi người dân hãy chung tay với cộng đồng hướng đến mục tiêu an toàn giao thông (ảnh: Tạ Hải).
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng từng nói: "Đại lễ cầu siêu không chỉ với mục đích cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân không may bị tử vong do TNGT được siêu thoát mà còn nhắc nhở các phật tử và mỗi người dân hãy tự trân quý lấy bản thân mình và cùng chung tay với cộng đồng hướng đến mục tiêu an toàn giao thông".
Đại lễ cầu siêu năm 2023 nằm trong chuỗi các hoạt động "Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2023", hưởng ứng tinh thần Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về "Cải thiện an toàn giao thông đường bộ toàn cầu", công bố Thập kỷ hành động thứ hai vì an toàn đường bộ giai đoạn 2021-2030.
Qua đó, gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do TNGT. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan hữu quan của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo TTATGT; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT để sự bình yên, an toàn, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà khi tham gia giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận