Chiều ngày 14/4, có mặt tại khu vực hầm Bãi Gió (Km 1231+100, Khu gian Đại Lãnh - Hảo Sơn), PV Báo Giao thông ghi nhận công tác khắc phục sạt lở luôn tập trung, tích cực cao độ.
Đơn vị thi công tăng cường nhân vật lực, các thiết bị chuyên dụng, giàn giáo, dầm đỡ... cùng loạt giải pháp ứng phó, khắc phục triệt để sạt lở. Tuy nhiên, áp lực địa chất, tái phát sạt lở khiến các công tác thi công thêm bất lợi.
Một con đường tiếp cận mới đang được đơn vị chức năng mở để đưa vật tư thi công lên vị trí lỗ hổng vừa được phát hiện sáng 14/4. Vị trí này nằm khu rừng rậm, cách QL1 qua đèo Cả chưa đầy 50m,
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, sau khi phát hiện lỗ hổng dưới núi, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn... đã thống nhất phương án khắc phục.
Theo đó, trước mắt, trong hầm, nhà thầu vẫn bố trí 2 tổ để phun bê tông vào vị trí đất đá sạt lở ở trong hầm để giữ chân, không cho biến động. Còn ở phía trên núi, đơn vị thi công sẽ tiến hành khoan thăm dò địa chất tìm vị trí đất rỗng do sạt lở mấy ngày nay.
Theo ông Vinh, sau khi tìm thấy vị trí này, đơn vị thi công sẽ phun bê tông vào. Mất khoảng 8 giờ để bê tông đông cứng. Sau đó, bộ phận thi công trong hầm sẽ hót dọn dưới khu vực đất đá sạt lở dưới đường hầm trước khi lắp đặt thiết bị vào vị trí để gia công vỏ hầm bên trong.
"Theo tính toán, các công đoạn trên phải mất 3-4 ngày nữa mới có thể hoàn thiện khắc phục và gia cố vỏ hầm. Tuy nhiên, các đơn vị đang nỗ lực cao độ để thông hầm sớm nhất có thể, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi tàu", ông Vinh nói.
Như đã thông tin, đến sáng nay (14/4), công tác xử lý sạt lở, thông hầm đường sắt qua Đèo Cả vẫn chưa khả quan do tái phát sạt lở và xuất hiện cả lỗ rỗng lớn trên đỉnh hầm, ngành chức năng thay đổi biện pháp xử lý...
Trong hầm, một khối lượng lớn đất đá sạt lở tiếp tục lấp kín lưu thông. Đây là vị trí này vừa được ngành đường sắt hoàn thiện hót dọn, thông đường vào ngày 13/4.
Trên núi, khu vực gần vị trí đỉnh hầm, các đơn vị chức năng phát hiện thêm một lỗ hổng rộng khoảng 40cm. Nguyên nhân ban đầu xác định do lớp kết cấu, địa chất ở hầm bị tác động nên đất đá sạt lở và để lại khoảng trống lớn.
Ngay trong đêm, Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh đã họp với tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, chủ đầu tư để đưa ra giải pháp khắc phục trước những diễn biến trong những ngày qua.
Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường phương tiện trung chuyển hành khách và hành lý giữa ga Giã (Khánh Hòa) và ga Tuy Hòa (Phú Yên) qua hầm đường bộ Đèo Cả, không làm gián đoạn hành trình trong khi chờ thông hầm đường sắt.
Thống kê, trong ngày 13/4, các đơn vị đã trung chuyển khách của 12 đoàn tàu Bắc - Nam với lượng khách khoảng 3.600 người.
Sau sự cố lở hầm Bãi Gió, các đơn vị đường sắt đã huy động phương tiện chuyển tải hành khách giữa ga Tuy Hòa và ga Giã. Trong bước hành trình của mỗi hành khách, đều có màu áo của nhân viên đường sắt đồng hành làm yên lòng hành khách tiếp nối hành trình.
Những hình ảnh PV báo Giao thông ghi lại được tại ga Giã vào ngày 13 và 14/4:
Vào lúc 12h45, ngày 12/4, tại hầm Bãi Gió (Km 1231+100, Khu gian Đại Lãnh - Hảo Sơn), tuyến đường sắt Bắc - Nam, trong điều kiện thời tiết bình thường, xảy ra sạt lở đất, đá trong khi đơn vị thi công đang sửa chữa tuyến hầm này.
Sạt lở không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng có nhiều đất đá đổ xuống bịt đường hầm. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt.
Sau khi xảy ra sự cố, Công ty CP Đường sắt Phú Khánh đã huy động hai đoàn tàu công trình vào từ hai đầu để vận chuyển đất, đá bị sạt. Tìm cách phun bê tông gia cố tạm vỏ hầm.
Ngành đường sắt phối hợp hai địa phương Phú Yên, Khánh Hoà đã và đang huy động hàng trăm lượt phương tiện giao thông đường bộ trung chuyển khách đi tàu giữa ga Giã (Khánh Hòa) và ga Tuy Hòa (Phú Yên) tiếp tục hành trình đi tàu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận