Các chuyên gia cho rằng, cần xử lý mạnh tay hơn với hành vi này, kể cả khi chưa xảy ra tai nạn.
Những bản án đau xót
Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử lưu động và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Yến (35 tuổi, trú Hà Tĩnh) 12 tháng tù treo về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".
Trước đó, tối 20/8/2023, bà Yến đã giao xe máy cho con là N.M.T (SN 2009) điều khiển trên đường liên huyện, gây tai nạn khiến bà Lê Thị Tính (79 tuổi) bị tổn thương cơ thể 74%.
Tại Gia Lai, cơ quan chức năng huyện Chư Prông cũng vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bà Rơ Mah Pil (SN 1986, trú tại Chư Prông) về việc giao xe cho con trai Rơ Ma Tinh (SN 2006, chưa có giấy phép lái xe) sử dụng.
Trưa 25/10/2023, dẫu biết Tinh đã uống rượu bia nhưng bà Pil không can ngăn, để Tinh điều khiển xe mô tô chở hai người bạn đi chơi.
Sau đó, xe của Tinh va chạm với xe mô tô khác, khiến cả 4 người đi trên 2 xe cùng tử vong.
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình nhìn nhận, hiện nay, một số gia đình có điều kiện đã mua, giao xe máy cho con sử dụng.
Trong khi đó, do chưa có ý thức khi tham gia giao thông, không ít học sinh điều khiển phương tiện với tốc độ cao trong đô thị, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, gây mất trật tự ATGT.
"Đây là điều rất nguy hiểm, thực tế đã xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm", ông Bình nói.
Truy tận gốc nguyên nhân
Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa) cho biết, theo quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô.
Vì vậy, hành vi giao hay để trẻ chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện là hành vi vi phạm pháp luật.
Nghị định 100/2019 cũng quy định, người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.
Việc giao xe cho người dưới 18 tuổi điều khiển mà gây tai nạn, chủ xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tùy theo mức độ gây thiệt hại của hành vi.
Đồng thời, phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng cho người bị thiệt hại, nếu có.
Chuyên gia giao thông, PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu cho biết, Bộ luật Hình sự đã có quy định về việc xử lý người giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông và gây tai nạn.
Tuy nhiên, hiện nay không nhiều người nắm được quy định, thực tế việc xử lý cũng chưa quyết liệt nên phần nào chưa đủ sức răn đe.
"Tôi tin việc xử lý nghiêm một số vụ như vừa qua, kết hợp tăng cường tuyên truyền sẽ góp phần đáng kể giúp hạn chế việc giao phương tiện cho thanh thiếu niên sử dụng, qua đó kéo giảm TNGT liên quan đến lứa tuổi này", ông Hiếu nói.
Mạnh tay răn đe, thay đổi nhận thức
Đồng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm có cả nghìn trẻ em thương vong do TNGT.
"Đây là điều rất xót xa. Dù trực tiếp học sinh, thanh thiếu niên là người có hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe gây ra tai nạn, song nếu người lớn không mua xe, không tạo điều kiện cho các cháu điều khiển tham gia giao thông, chắc chắn các cháu không thể có xe sử dụng", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, vừa qua cơ quan chức năng quyết liệt xử lý người có hành vi này, góp phần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 23, của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10 và 31, truy rõ và xử lý tận gốc nguyên nhân TNGT.
"Đây cũng như một lời nhắc nhở, răn đe đối với tất cả người lớn trong xã hội, cần điều chỉnh hành vi của mình, yêu thương con cháu đúng cách, đúng quy định pháp luật, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông, tương tự như "đã uống rượu bia không lái xe", ông Hùng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện là hành vi nguy hiểm cho xã hội song hình phạt hiện tương đối nhẹ, chủ yếu là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ.
Từ đó, luật sư đề xuất cần thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu TNGT liên quan đến học sinh, thanh thiếu niên như: Xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình trạng mất ATGT trong lứa tuổi học sinh;
Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục pháp luật về ATGT trong nhà trường;
Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo trong thực hiện pháp luật giao thông và văn hóa giao thông.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu cho rằng, bên cạnh truy tố người giao xe khi TNGT xảy ra, cần xử lý nghiêm ngay cả khi chưa xảy ra hậu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận