Đáng báo động
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông khiến 3 người cùng gia đình tử vong, ngày 3/8, Công an TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy tài xế Trần Doãn Tùng (SN 1975, ngụ huyện Krông Pắk) dương tính với ma túy.
Chiếc xe ben do tài xế Đàm Văn Lương (dương tính với chất ma túy) điều khiển gây tai nạn khiến 4 mẹ con tử vong ở Hoài Đức, Hà Nội ngày 16/7.
Vào sáng 2/8, Tùng lái xe tải lưu thông trên quốc lộ 26, đoạn qua xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột và xảy ra va chạm với xe máy do chị Quách Thị L (SN 1988, trú xã huyện Ea Kar) điều khiển chở theo chồng là Vũ Văn H (SN 1983) và con trai. Vụ tai nạn khiến ba người tử vong tại chỗ. Cảnh sát xác định Tùng đã lấn làn khi gây tai nạn.
Cách đây chưa đầy nửa tháng, trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến bốn mẹ con chị Nguyễn Thị H (SN 1991, trú tại Hoài Đức) tử vong tại chỗ. Tài xế xe tải trong vụ tai nạn này được xác định là Đàm Văn Lương, dương tính với chất ma túy.
Thống kê của Cục CSGT, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 2.900 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy. Theo các chuyên gia, con số này rất đáng báo động.
Lãnh đạo Phòng Quản lý, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, thực tế, tại Thông tư 05/2024 của Bộ GTVT có hiệu lực thi hành từ 1/6/2024 đã quy định khi người lái xe bị phát hiện trong cơ thể có ma túy thông qua việc khám sức khỏe sẽ bị thu hồi GPLX.
Cơ quan quản lý GPLX cập nhật dữ liệu trên hệ thống, lái xe không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm. Muốn được cấp lại phải học và sát hạch lại như trường hợp cấp lần đầu.
"Tuy nhiên, quy định tại thông tư này chưa bao gồm trường hợp lái xe bị phát hiện sử dụng chất ma túy khi điều khiển phương tiện", vị này cho biết.
Có thể tước GPLX vĩnh viễn
Tại Chỉ thị số 23 ban hành ngày 26/7 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất hình thức xử phạt bổ sung với lái xe dương tính với ma túy khi bị phát hiện, ngoài việc bị phạt hành chính còn bị thu hồi GPLX và phải sát hạch lại để được cấp khi có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
Tình trạng sử dụng ma túy thường xuyên xảy ra ở bộ phận lái xe đường dài là rất nguy hiểm. Bởi một khi đã lệ thuộc vào ma túy, họ sẽ thường xuyên sử dụng, gây ra ảo giác, sức khỏe giảm sút, không làm chủ tốc độ và gây ra TNGT.
PGS. TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc nghiên cứu quy định thu hồi GPLX khi lái xe bị phát hiện sử dụng chất ma túy trong mọi trường hợp là rất cần thiết.
Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho rằng, các doanh nghiệp không bao giờ muốn sử dụng tài xế nghiện ma túy hay uống rượu bia khi lái xe. Do đó, việc này cần triển khai sớm.
"Có thể là tước GPLX vĩnh viễn hoặc tạm thời từ 3 - 5 năm, sau thời gian này, nếu tài xế có nhu cầu hành nghề phải thi sát hạch lại và phải đảm bảo điều kiện sức khỏe theo quy định", ông Bằng nêu ý kiến.
Nghiên cứu kỹ chế tài với doanh nghiệp
Tại Chỉ thị 23, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu đề xuất hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy phép kinh doanh vận tải có thời hạn đối với đơn vị sử dụng lái xe dương tính với ma túy và các chất cấm.
Về nội dung này, ông Quyền cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, để vừa đảm bảo ATGT, vừa phù hợp với quy định chung, đảm bảo quyền lợi kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra giấy khám sức khỏe lái xe khi tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ cho lái xe hằng năm. Song, không phải lúc nào họ cũng kiểm soát được. Có doanh nghiệp quản lý hàng nghìn lái xe, nếu chỉ một lái xe bị phát hiện mà tước giấy phép sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động.
Theo ông Quyền, hiện các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải đã đầy đủ, quan trọng nhất là việc kiểm tra, giám sát một cách thực chất: "Khi đã làm tốt các quy định hiện hành mà thực trạng vẫn báo động thì có thể nghiên cứu chế tài với các doanh nghiệp một cách phù hợp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lái xe vi phạm, tái phạm".
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Bằng cho rằng, trước mắt cần kiểm soát việc tuyển dụng đầu vào của doanh nghiệp, việc thực hiện khám sức khỏe định kỳ người lái xe.
Tuy nhiên, cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về người lái xe (sức khỏe, thông tin GPLX, vi phạm ATGT). Từ đó, doanh nghiệp có cơ sở rà soát để loại trừ tài xế có tiền sử sử dụng ma túy hoặc kịp thời sa thải nếu phát hiện.
"Điều này cũng sẽ khiến các lái xe nâng cao ý thức bởi chỉ cần một lần sử dụng ma túy bị phát hiện có thể sẽ vĩnh viễn không được ai tuyển dụng", ông Bằng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận