Ban ATGT tỉnh Hải Dương tổ chức cho các lái xe kiểm tra, xét nghiệm phát hiện ma túy tại BV Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Ảnh: Việt Hòa
Nhức nhối TNGT do tài xế dùng ma túy
Dư luận hẳn chưa quên vụ xe container đâm hàng loạt người đi xe máy đang dừng chờ đèn đỏ tại Bình Nhựt (Long An) chiều 2/1/2019 làm hơn 20 người chết và bị thương. Hay vụ tai nạn kinh hoàng chiều 21/1/2019 tại Kim Thành (Hải Dương) do xe tải đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang, làm 8 người chết và nhiều người bị thương,…
Điều đáng tiếc là chỉ khi xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc nêu trên, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới phát hiện lái xe có sử dụng ma túy.
Bộ Y tế đang xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe. Nếu trung tâm đào tạo nghi ngờ giấy khám sức khỏe giả có thể tra cứu trên dữ liệu này. Khi học xong ra hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, lái xe đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Doanh nghiệp sử dụng lao động, ngay từ khâu đầu vào phải có xét nghiệm, khám sức khỏe để kiên quyết không nhận những người dương tính với chất ma túy. Bên cạnh đó, trong quá trình hành nghề, định kỳ cần được xét nghiệm để kịp thời phát hiện và loại bỏ những lái xe có sử dụng ma túy.
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN)
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 5 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 5.000 vụ TNGT, làm chết hơn 2.600 người, bị thương gần 3.800 người.
Phân tích hành vi vi phạm cho thấy, có khoảng 4% nguyên nhân xảy ra TNGT do tài xế sử dụng rượu bia, 0,07% do sử dụng ma túy.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh cho rằng, không ít trường hợp tài xế tìm cách qua mặt doanh nghiệp vận tải.
Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng gần như không hiệu quả bởi nhiều trường hợp giấy chứng nhận sức khỏe không đáng tin cậy.
“Thậm chí, tài xế còn đối phó bằng việc ngưng sử dụng chất kích thích một thời gian hay sử dụng thuốc giải trước mỗi lần khám sức khỏe định kỳ. Cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc kiểm tra, xác định tài xế có sử dụng ma túy hay không, bởi thực tế là lực lượng chức năng trên đường chưa có đủ chuyên môn về y tế và không có dụng cụ lấy mẫu để kiểm tra lái xe có sử dụng chất gây nghiện”, ông Thanh nói.
Cũng cho rằng TNGT bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe có sử dụng ma túy thường để lại hậu quả nghiêm trọng, Thượng tá, PGS.TS. Lê Huy Trí, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ATGT (Học viện Cảnh sát nhân dân) lý giải: “Để tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp vận tải đường dài thường chỉ có 1-2 tài xế, điều này khiến lái xe bị áp lực công việc và nhiều trường hợp tìm đến ma túy để trở nên tỉnh táo. Trong khi đó, việc kiểm soát lái xe nghiện ma túy trên đường của lực lượng CSGT rất khó do chưa được trang cấp thiết bị test nhanh vì chi phí đắt đỏ.
Kiểm tra đột xuất, xử lý trách nhiệm doanh nghiệp
Hiện trường vụ xe container đâm hàng loạt người đi xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở Long An làm hơn 20 người chết và bị thương
Cũng theo Thượng tá Lê Huy Trí, việc kiểm soát lái xe nghiện ma túy hiện chưa làm từ gốc mà chỉ làm phần ngọn. Ngay từ khâu tuyển đầu vào, đào tạo, sát hạch, trước khi cấp bằng đối với lái xe ô tô phải được giám sát chặt chẽ, nhất là xét nghiệm máu.
Để kiểm soát lái xe nghiện ma túy phải kiểm soát ngay từ đầu vào, từ khâu dạy lái xe. Điều kiện để được học lái xe là phải có giấy xác nhận không nghiện ma túy của chính quyền địa phương vì địa phương là nơi trực tiếp theo dõi, sẽ nắm được ai là người nghiện ma túy và đưa vào danh sách quản lý toàn quốc. Đây là căn cứ để những cơ sở đào tạo lái xe loại bỏ người nghiện ma túy.
“Những người bị phát hiện mới sử dụng ma túy cũng sẽ bị hủy bằng lái xe. Việc kiểm soát này mới có tác dụng ngăn chặn người nghiện hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”, ông Trí nói và cho rằng, để ngăn tình trạng giấy khám sức khỏe giả, Bộ Y tế cần xử lý nghiêm các cơ sở y tế tiếp tay cho hành vi gian lận làm giả giấy khám sức khỏe.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục đường bộ VN) cho biết, khi nhập học, học viên phải nộp giấy khám sức khỏe đủ điều kiện cho cơ sở đào tạo lái xe.
Tuy nhiên, khó có thể phát hiện người nào sử dụng ma túy nếu chỉ căn cứ vào giấy khám sức khỏe, bởi cơ sở đào tạo không có chức năng kiểm tra được học viên có nghiện ma túy hay không.
“Việc loại bỏ lái xe nghiện ma túy từ khâu đào tạo rất khó thực hiện, bởi thiếu cả về cơ sở pháp lý. Trước mắt, cần kiểm tra đột xuất đối với đội ngũ tài xế mới loại được lái xe nghiện ma túy”, ông Thống nói.
Thừa nhận kiểm soát lái xe nghiện ma túy chưa mang lại hiệu quả, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia JICA cho rằng, doanh nghiệp vận tải phải kiểm tra bằng việc test nhanh trước khi lái xe bắt đầu mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, tới đây, ngoài việc xử lý hình sự lái xe nghiện ma túy, cũng cần xử lý trách nhiệm của cả doanh nghiệp sử dụng tài xế đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận