Hạ tầng, biển báo đầy đủ
Khoảng 16h30 ngày 25/2, chiếc xe khách 29 chỗ biển số 29B-311.XX do một người đàn ông 62 tuổi điều khiển chở theo 28 hành khách chạy trên QL2B, đoạn qua xã Hồ Sơn (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) theo hướng xuống núi đã bị mất lái do mất phanh, đâm gãy hàng rào hộ lan, lao xuống dưới taluy âm khoảng 5m.
Sáng 26/2, PV Báo Giao thông trực tiếp tới hiện trường ghi nhận và tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn. Thời tiết khá bất lợi cho việc tham gia giao thông khi gần 11h trưa, trời vẫn mù, vị trí xảy ra tai nạn tại điểm xuống dốc dài, tài xế khi xuống dốc, xe đã bị mất phanh, khi đến khúc cua không xử lý kịp tình huống và lao sang phía bên kia đường nơi có hàng rào hộ lan mềm bảo vệ.
Rất may khi lao xuống ta luy âm khoảng 5m, xe bất ngờ được chặn lại bởi một cây thông lớn.
Tại hiện trường, phần hàng rào hộ lan bị phá hỏng dài gần 8m, hai cọc dài 2m, phần chôn dưới đất khoảng 1m dưới để bắt hộ lan bị gập thành hình chữ V.
Lực lượng chức năng địa phương nhận định, xe có thể lao xuống vực sâu khoảng 20m nếu như không có hộ lan mềm và hàng cây bảo vệ và sẽ thiệt hại khôn lường...
Trong quá trình khảo sát hạ tầng giao thông từ chân núi lên thị trấn Tam Đảo, PV Báo Giao thông quan sát thấy hệ thống biển báo về độ dốc, sương mù, cảnh báo đá rơi cơ bản đầy đủ.
Ở các vị trí cua khuất tầm nhìn đều đã được trang bị gương cầu lồi ở cả chiều lên và chiều xuống.
Tại khu vực từ chân núi lên thị trấn và từ đầu thị trấn xuống đều có giá long môn để cảnh báo người đi đường về những nguy hiểm trước khi lên và xuống đoạn đường đèo dốc hơn 10km.
Những kỹ năng tài xế cần tuân thủ...
Theo lực lượng CSGT phụ trách tuyến QL2B lên Tam Đảo, từ Km 13 các hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, sơn, hộ lan mềm, dốc cứu nạn cơ bản đầy đủ.
Đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng, vụ tai nạn xảy ra có nguyên nhân chủ yếu do tài xế còn non kinh nghiệm, ít đi đường đèo dốc.
"Vị trí xảy ra tai nạn chỉ cách thị trấn 4km, rất có thể là lái xe xuống dốc với số cao rồi rà phanh gây ra việc mất phanh", đại diện lực lượng CSGT nhận định, đồng thời khuyến cáo các tài xế, cần lưu ý những điều sau:
Đối với mô tô, xe gắn máy nên hạn chế đi xe tay ga và đặc biệt lưu ý không được tắt máy thả trôi đối với xe tay ga.
Còn đối với ô tô, tài xế cần kiểm tra kỹ hệ thống đèn, phanh trước khi đi lên và đi xuống Tam Đảo.
Đối với trường hợp không may mất phanh khi xuống dốc, tài xế cần giữ bình tĩnh và lưu ý những điều sau để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra:
Luôn quan sát và bật đèn báo khẩn cấp
Không hoảng loạn và cũng không chăm chăm vào việc giảm tốc cho xe. Thay vào đó việc cần làm đầu tiên là quan sát diễn biến phía trước và sau xe để tránh gây va chạm. Ngay lập tức bật đèn báo khẩn cấp, nháy đèn pha và dùng còi báo liên tục để các phương tiện đang cùng lưu thông chú ý, chủ động nhường đường.
Giảm chân ga
Xe mất phanh là trường hợp không thể sử dụng chân phanh để kiểm soát tốc độ của xe. Cách xử lý khi xe mất phanh được khuyên áp dụng nhiều nhất đó là bỏ chân ga hoặc giảm chân ga.
Tuy nhiên, nếu bạn đang di chuyển trong đường đông đúc hoặc đang xuống dốc thì người lái không nên bỏ chân ga mà chỉ cần giảm ga. Vì bỏ chân ga để xe chạy tự do càng khiến xe dễ va chạm với các phương tiện khác, gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.
Nếu xe bị mất phanh khi đang bật chế độ ga tự động Cruise Control, người lái nên tắt ngay Cruise Control và giảm ga.
Tuyệt đối không tắt máy xe
Khi xe ô tô mất phanh tuyệt đối không tắt máy xe. Bởi tắt máy xe sẽ làm xe bị mất trợ lực lái khiến người lái rất khó điều khiển xe để tránh các chướng ngại trên đường.
Hơn thế nữa, tắt máy xe nghĩa là xe không còn được hãm bởi động cơ và hộp số. Xe sẽ rơi vào trạng thái chạy tự do theo lực quán tính thì còn nguy hiểm hơn.
Chuyển xe về số thấp
Người lái có thể tận dụng phanh động cơ bằng việc chuyển xe về số thấp. Đối với xe hộp số tự động, người lái chỉ cần chuyển sang chế độ bán tự động, chế độ số thấp hoặc chuyển số qua lẫy chuyển số trên vô lăng. Đối với xe hộp số sàn, người lái chỉ cần chuyển cần số về số 1 hoặc 2.
Nhưng một vấn đề đặt ra đó là nếu xe đang chạy tốc độ cao đột ngột bị ép về số thấp có thể khiến xe bị vỡ máy, làm phá hủy hệ thống truyền động lúc này càng nguy hiểm hơn.
Một số chuyên gia chia sẻ, khi xử lý xe mất phanh không nên cho xe về số thấp ngay từ đầu. Thay vào đó hãy chuyển số theo từng cấp hoặc 2 cấp. Chẳng hạn, xe đang ở số 5 thì có thể về số 4 hoặc 3, sau khi cảm thấy tốc độ ổn định hơn thì tiếp tục về số 2 hoặc số 1.
Sử dụng phanh tay
Phanh tay được thiết kế để sử dụng khi xe dừng hẳn. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp cũng có thể dùng phanh tay để tạo lực hãm.
Tuy nhiên, nếu sử dụng phanh tay cần lưu ý chỉ sử dụng phanh tay để hãm khi xe đang chạy ở tốc độ rất thấp. Bởi sử dụng phanh tay khi xe đang chạy tốc độ cao có thể khiến xe bị khóa bánh, mất độ bám, bị trượt dài, dẫn đến các tình huống nguy hiểm như xe bị văng, xe bị mất lái.
Chủ động va chạm
Khi xe bị mất phanh người lái nên cố gắng đưa xe vào các con đường vắng, đường gồ ghề, nhiều sỏi đá… để xe giảm tốc hoặc kết hợp dùng cách đánh võng.
Trong trường hợp bất khả kháng, người lái nên chọn cách xử lý xe mất phanh cuối cùng đó là chủ động cho xe đâm vào một vật cản an toàn để xe dừng lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận