Đội CSGT Bình Triệu xử lý xe ba gác chở cồng kềnh |
Chủ xe than nghèo khó
Ngày 4/10, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại một số quận vùng ven TP.HCM như: Quận 9, Thủ Đức, quận 2... tình trạng xe ba gác chở cồng kềnh vẫn rất phổ biến. Điển hình trên QL1, đoạn qua phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), đường Lê Văn Việt, Hoàng Hữu Nam (quận 9)…
Thiếu tá Nguyễn Đoàn Phúc, Phó đội trưởng Đội CSGT Bình Triệu cho biết, địa bàn Đội phụ trách có nhiều cửa hàng sắt thép, chợ đầu mối Thủ Đức... nên các xe ba gác, xe lôi, xe kéo tập trung chở hàng cồng kềnh rất đông. “Các xe chở hàng cồng kềnh tạo ra nguy cơ mất ATGT, gây nguy hiểm cho người đi đường, nên Đội đã lập chuyên đề xử lý xe chở hàng cồng kềnh từ nhiều tháng nay. Từ tháng 5/2016 đến nay, Đội đã xử lý được 218 trường hợp, tạm giữ 145 xe chở hàng cồng kềnh, kéo theo xe khác và chở quá tải…”.
Theo thống kê của Công an TP HCM, toàn thành phố có hơn 24.000 xe 3, 4 bánh tự chế bị đình chỉ lưu thông, trong đó hơn 3.000 xe của những người thuộc diện hộ nghèo. |
Theo Thiếu tá Phúc, quá trình xử lý xe chở hàng cồng kềnh cũng có nhiều khó khăn vì đa số các chủ xe nghèo khó, chỉ có chiếc xe để mưu sinh và ở các tỉnh xa đến. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp thấy CSGT thì cố tình né tránh, nên công tác xử lý chưa được dứt điểm.
“Các chủ xe đều “than” rằng, dù biết là trái quy định nhưng do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mua xe phù hợp để vận chuyển. Nếu không chở sẽ không có tiền sinh sống cho cả gia đình. Các chiến sĩ CSGT phải tuyên truyền, giải thích, dù mưu sinh cũng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Nếu chẳng may chở cồng kềnh va phải người đi đường, gây TNGT thì hậu quả còn nhiều hơn tiền công chở hàng ngày. Lúc này, các chủ xe đều tuân thủ, dỡ hàng xuống ngay tại chỗ và cam kết không tái phạm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xử lý quyết liệt hơn xe chở hàng cồng kềnh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”, Thiếu tá Phúc nói.
Cần xử tận gốc
Thiếu tá Lê Quốc Việt, Đội CSGT quận 9 cho biết, sau hai trường hợp tai nạn đáng tiếc liên quan đến xe ba gác xảy ra ở Hà Nội, Đội cũng đang tăng cường xử phạt xe chở hàng cồng kềnh. “Các xe ba gác thường chở sắt, tôn, vật liệu xây dựng cồng kềnh, sau khi lập biên bản chúng tôi đã yêu cầu chủ xe hạ hàng ngay tại chỗ”, Thiếu tá Việt thông tin.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban ATGT TP.HCM cho biết, sau một thời gian triển khai chủ trương cấm xe ba gác, xe 3, 4 bánh thô sơ tự chế, tình hình trật tự ATGT chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, ở một số tuyến đường ngoại thành vẫn xuất hiện các phương tiện xe thô sơ, tự chế tham gia giao thông. Việc xử phạt, thu giữ loại xe này chưa được triệt để vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khó giải quyết nhất là vấn đề sinh kế của các hộ gia đình nghèo.
“Để xử lý các loại xe thô sơ, cần có biện pháp để kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe 3, 4 bánh tự chế. Nếu những cơ sở lắp ráp này vi phạm, sẽ rút giấy phép kinh doanh. Hiệu quả của công tác này phụ thuộc vào sự phối hợp với các đơn vị, các ngành liên quan như công an, Sở LĐ,TB&XH, UBND các quận, huyện. Trong đó, cần tập trung kiểm tra công tác thực hiện chuyển đổi nghề, thu hồi, xử lý phương tiện xe 3, 4 bánh không được phép hoạt động theo quy định trên địa bàn”, ông Tường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận