Đầu tháng 9, tại Thanh Trì (Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn tàu khách va ô tô tải lúc 5h20 sáng tại đường ngang. Trưởng tàu và các nhân viên liên quan xuống kiểm tra hiện trường, phát hiện xe tải bị hư hỏng nằm song song với đường sắt vị trí toa số 3, đầu ô tô gác lên thành toa xe.
Trưởng tàu báo ngay các đơn vị đường sắt có trách nhiệm để tổ chức phòng vệ hai đầu theo quy định, tránh để phương tiện đường sắt khác đi vào vị trí tai nạn; đồng thời xin cứu viện. Tổ tàu cũng cử một bảo vệ ở lại cùng các bộ phận Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội để giải quyết.
Đơn vị chức năng cũng đã điều cẩu đến hiện trường, cẩu xe ô tô ra khỏi vị trí bị kẹt với toa xe. Khoảng 7h00, sau hơn 1,5 giờ đồng hồ xảy ra tai nạn đã cứu viện xong, tàu chạy bình thường.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Ban An ninh - An toàn giao thông đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN) cho hay, để công tác cứu nạn, cứu hộ được nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại như vậy, đường sắt đã xây dựng mô hình trên toàn mạng lưới.
Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt VN quản lý, khai thác 3.051 km đường sắt, trong đó có 2.548 km đường sắt chính tuyến, 503 km đường ga; phân bổ của mạng lưới đường sắt gồm có 15 tuyến chính và nhánh đi qua 34 tỉnh, thành; có 301 nhà ga; 181 cầu; 39 hầm; quản lý, khai thác hàng trăm đầu máy và hàng nghìn toa xe khách, hàng các loại.
Mô hình mạng lưới các tổ cứu hộ, cứu nạn của tổng công ty giao cho đơn vị vận tải đường sắt quản lý phương tiện, trang thiết bị, lực lượng của các tổ cứu nạn, cứu hộ các khu vực; có trách nhiệm tổ chức cứu nạn, cứu hộ các vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trong khu vực quản lý. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt tổng công ty điều động vượt tuyến.
Về tổ chức thực hiện, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN ủy quyền cho các chi nhánh khai thác đường sắt tổ chức thực hiện công tác giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt khép kín trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia.
Lực lượng cứu hộ gồm 23 tổ ứng phó cứu hộ, 2 tổ cứu hộ cơ động, 3 tổ cứu hộ dùng cẩu đường bộ, 8 tổ cứu hộ cơ giới (dùng cẩu chuyên dùng đường sắt); được bố trí thường trực dọc các tuyến đường sắt tại 25 ga phù hợp với mô hình tổ chức hiện nay của tổng công ty và các đơn vị trực thuộc.
Tổng công ty cũng ban hành các văn bản quy định trách nhiệm của các đơn vị tham gia hoạt động trên đường sắt quốc gia trong việc giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt. Căn cứ vào các văn bản này, các đơn vị tiếp tục xây dựng quy định cụ thể riêng (quy trình tác nghiệp cụ thể cho từng chức danh) cho phù hợp với điều kiện tổ chức sản xuất của đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn.
Trong đó, các chi nhánh khai thác đường sắt thường xuyên khảo sát, cập nhật danh sách các loại cẩu đường bộ có sức nâng từ 50 tấn trở lên của các cá nhân, tổ chức, của địa phương trong phạm vi quản lý của đơn vị, kèm số điện thoại liên lạc, đồng thời tổ chức ký hợp đồng nguyên tắc thuê, điều động cẩu khi cần thiết. Xây dựng phương án cứu hộ (bằng đường sắt hay đường bộ) chi tiết, tỉ mỉ cho riêng từng ga (theo khu gian của ga quản lý) để thực hiện khi có sự cố, tai nạn.
Công ty vận tải đường sắt xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án quản lý, huy động lực lượng, phương tiện phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, chuyển tải hành khách, hàng hóa, bảo vệ tài sản khi xảy ra sự cố, tai nạn.
Các đơn vị toa xe Các công ty bảo trì cầu đường, thông tin tín hiệu huy động phương tiện, thiết bị phục vụ công tác chuẩn bị như san lấp mặt bằng, tạo lối đi... để phương tiện cứu hộ đường bộ tiếp cận hiện trường; sửa chữa hạ tầng đường sắt nếu hư hỏng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận