Ngày 1/11, khoảng 21h00 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam vào ga Hải Vân Nam (TP Đà Nẵng) đã xảy ra vụ trật bánh tàu hàng khiến 3 toa hàng lật.
Cụ thể có 3 toa xe chở bánh kẹo và sữa bị trật bánh, các trục bánh xe của các toa trên văng ra khỏi đường sắt. Có 2 container trên 2 toa bị đổ vào đường sắt số 2. Ngoài ra có 1 container trên 1 toa khác bị đổ nghiêng 45 độ về bên trái theo hướng tàu chạy.
Tuy tai nạn xảy ra với tàu hàng nhưng , gây ách tắc tuyến đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân, khiến các đoàn tàu khác phải chờ dọc đường. Một số chuyến tàu khách chuyển tải.
"Yêu cầu số một đặt ra là phải nhanh chóng cứu viện, khắc phục để sớm thông đường. Nhưng vị trí xảy ra tai nạn một bên là vách núi Hải Vân, một bên là vực sâu nên rất khó khăn cho công tác cứu viện. Nhưng ngay sau khi xảy ra tai nạn, các đơn vị, bộ phận liên quan đã nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ theo quy trình đã được quy định, huy động lực lượng từ các đơn vị bảo trì cầu đường, nhà ga, đội cứu viện, cẩu cứu viện đường sắt… nên trưa ngày 2/11 đã khắc phục xong, thông đường", lãnh đạo một đơn vị tham gia cứu viện cho biết.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đặc thù mạng lưới đường sắt Việt Nam là đường đơn, nhiều khu gian xa đường bộ, có địa hình phức tạp, chỉ tiếp cận bằng đường sắt, vì thế rất khó khăn cho việc đưa thiết bị và lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường.
Lực lượng cứu hộ Tổng công ty Đường sắt VN gồm: 23 tổ ứng phó cứu hộ, 2 tổ cứu hộ cơ động, 3 tổ cứu hộ dùng cẩu đường bộ, 8 tổ cứu hộ cơ giới (dùng cẩu chuyên dùng đường sắt); được bố trí thường trực dọc các tuyến đường sắt tại 25 ga phù hợp với mô hình tổ chức hiện nay của tổng công ty và các đơn vị trực thuộc.
Do vậy, để công tác cứu hộ, cứu nạn được nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra tai nạn, sự cố, Tổng công ty Đường sắt VN đã xây dựng Quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên đường sắt quốc gia trong việc giải quyết các vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt". Trong đó, quy định rõ, mọi tổ chức, cá nhân liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình khi nhận được tin báo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt sẽ phải đến ngay hiện trường để giải quyết.
Theo đó, các chức danh, vị trí công tác, từ nhân viên tuần đường, nhà ga, nhân viên trên tàu đến lãnh đạo các ga, cung đường sắt, chi nhánh khai thác đường sắt, công ty bảo trì đều được quy định nhiệm vụ phải thực hiện khi xảy ra tai nạn, sự cố tùy theo tính chất vụ việc.
Hội đồng giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt (hội đồng) mặc nhiên được thành lập với thành phần tùy thuộc vào tính chất vụ việc để nhanh chóng xây dựng và triển khai phương án cứu nạn, cứu viện. Như với các vụ đâm, va, cán gạt, giám đốc chi nhánh khai thác đường sắt sở tại chủ động giải quyết.
Với các vụ tai nạn phải tổ chức cứu nạn, cứu hộ, hội đồng gồm lãnh đạo các đơn vị bắt buộc phải có mặt tại hiện trường để giải quyết gồm: Chi nhánh khai thác đường sắt, trưởng ga hai ga đầu khu gian, phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực, công ty vận tải đường sắt, các công ty bảo trì cầu đường, thông tin tín hiệu, các đơn vị quản lý đầu máy, toa xe… Trường hợp cần thiết, phải mời cả đại diện ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra vụ việc.
Khi vừa xảy ra tai nạn, nếu ở khu gian thì trách nhiệm tổ chức sơ cứu, cấp cứu do trưởng tàu, lái tàu thực hiện; nếu ở địa bàn ga thì do trưởng ga, trực ban ga tổ chức thực hiện. Đồng thời tổ chức phòng vệ, không để phương tiện đường sắt đi vào vị trí xảy ra tai nạn.
"Việc điều lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến hiện trường theo tiêu chí ưu tiên cứu nạn và giải quyết thông đường nhanh nhất. Trước tiên là lực lượng cứu hộ thường trực tại các khu vực, địa bàn, bao gồm nhân lực và phương tiện, thiết bị như cẩu đường sắt…; trường hợp cần thiết thuê cả cẩu đường bộ để khắc phục nhanh chóng", đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận