Giúp dân thoát nghèo
Tại Gia Lai, từ năm 2018 đến nay, Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã đầu tư hơn 191 tỷ đồng xây dựng 87 cầu, cống cho người dân ở vùng khó, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Theo đó, các địa phương tại tỉnh Gia Lai được hưởng lợi nhiều như: Krông Pa (6 công trình, tổng vốn hơn 52,7 tỷ đồng), Đăk Đoa (11 công trình, gần 33 tỷ đồng), Mang Yang (8 công trình, 22,8 tỷ đồng), Chư Păh (11 công trình, trên 4,6 tỷ đồng)…
"Dự án LRAMP hỗ trợ địa phương từng bước xóa bỏ những cây cầu tạm bợ, hư hỏng và mất ATGT. Hạ tầng khu vực vùng sâu ngày một hoàn thiện sẽ trở thành điểm tựa liên kết vùng khó với vùng phát triển, mang lại điều kiện sống tốt hơn cho người dân nông thôn".
Ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai
Những chiếc cầu không chỉ giúp người dân an toàn hơn trên những cung đường mà còn thuận lợi trong vận chuyển hàng hoá, vật tư nông sản góp phần phát triển kinh tế.
Những năm trước, khi chiếc cầu làng A Mơng, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh(Gia Lai) chưa được xây dựng. Chiếc cầu tạm là nỗi khó khăn vất vả mỗi khi vụ mùa của người dân làng Kép 1, Kép 2, A Mơng, Al, Phung, Ia Lôk (xã Ia Mơ Nông), làng Mrông Yố, Bluk Blui (xã Ia Ka, huyện Chư Păh).
Phía bên kia chiếc cầu có khoảng 100 ha lúa nước và gần 400 ha cà phê, bời lời, mì, cây ăn quả là nơi sản xuất của người dân. Vì thế, mỗi vụ mùa, người dân rất khó nhọc để vận chuyển vật tư nông sản.
Và cũng từ khi Dự án LRAMP đầu tư xây dựng chiếc cầu A Mơng, thì người dân của hai xã Ia Mơ Nông và xã Ia Ka, huyện Chư Păh gần như thở phào.
Có cầu, người dân dễ dàng đưa xe tải vào tận rẫy để vận chuyển cà phê thay vì phải chở từng bao như trước. Và cũng chính nhờ chiếc cầu, người dân có thể chở cả xe công nông lúa từ ruộng để về nhà.
Ông Phạm Minh Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết: "Địa phương còn khó khăn, vì thế để có một dự án cầu cống dân sinh phải chờ trong thời gian dài.
Chính vì vậy, khi Dự án LRAMP triển khai thi công không chỉ giúp cho người dân thuận tiện đi lại, ổn định canh tác và người dân cũng mạnh dạn đầu tư hơn trong nông nghiệp.
Dự án thi công xong cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo ATGT, rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các thôn, làng vùng sâu, vùng xa với vùng có kinh tế-xã hội phát triển".
Đề xuất thêm 44 cầu dân sinh
Ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho rằng: Các công trình cầu, cống thuộc Dự án LRAMP triển khai trên địa bàn đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.
Mặt khác, các công trình khi đưa vào sử dụng cũng giúp cho việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của một số địa phương.
Hiện Gia Lai có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 44% dân số, chủ yếu sống ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa với hệ thống giao thông nông thôn còn khó khăn.
Qua rà soát, nhiều nơi vẫn còn có các công trình vượt sông suối bằng cầu tự chế, cầu thân cây gỗ, cống nhỏ khiến việc lưu thông của người dân rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ.
Vì vậy, nhu cầu xây dựng cầu dân sinh tại các địa bàn dân cư rất lớn. Cụ thể, toàn tỉnh còn 48 vị trí cần đầu tư xây dựng công trình cầu, cống. Trong đó, Bộ GTVT đã đồng ý 4 vị trí đầu tư.
"Sở đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục xem xét, ưu tiên đầu tư 44 cây cầu tại 12 huyện, thị xã, thành phố khi có vốn", ông Dũng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận