100% điểm trường ký cam kết
Từ ngày 1 - 31/10, lực lượng CSGT Vĩnh Phúc thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh.
Theo chân tổ công tác do thiếu tá Hoàng Văn Huỳnh làm tổ trưởng, PV Báo Giao thông ghi nhận tại điểm trường THPT Ngô Gia Tự thuộc thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại đây, lực lượng CSGT huyện Lập Thạch đã kiểm tra các phương tiện mà học sinh tham gia giao thông, xử lý các trường hợp vi phạm ATGT đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở các em chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng quy định.
Trước đó, tại các buổi tuyên truyền, cán bộ, giáo viên và học sinh của các trường trên địa bàn đã được Đội CSGT Công an huyện Lập Thạch cung cấp thông tin về tình hình trật tự ATGT trên địa bàn, nhận biết các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ phổ biến trong lứa tuổi học sinh hiện nay.
Ngoài ra, các em học sinh còn được phổ biến những kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, các quy tắc bắt buộc đối với học sinh, quy định về độ tuổi được phép điều khiển xe mô tô và quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy và xe đạp điện.
Tổng kết về hoạt động tuyên truyền ATGT tại địa bàn, Thiếu tá Hoàng Văn Huỳnh cho biết: “Lực lượng CSGT huyện Lập Thạch đã kết hợp nhà trường thắt chặt thống kê, lập danh sách các phương tiện học sinh di chuyển đến trường.
Học sinh cũng đã được tuyên truyền về việc tham gia điều khiển xe máy điện là phải đủ 16 tuổi cùng những quy định cụ thể".
Theo thiếu tá Huỳnh, hiện lực lượng CSGT huyện Lập Thạch đã làm công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, đồng thời cho học sinh ký cam kết tại 100% các điểm trường trên địa bàn.
Không chỉ triển khai tại các điểm trường THPT, lực lượng CSGT còn phối hợp với các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn nhằm nâng cao trách nhiệm chung giữa gia đình - nhà trường - xã hội về trật tự an toàn giao thông.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, thiếu tá Hà Văn Bàng cho biết: “Các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn cũng đã ký cam kết đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh ATGT khi đưa đón con đến trường.
Đối với các phương tiện vận tải đưa đón học sinh như xe khách, xe hợp đồng thì lực lượng đã kiểm tra về số lượng người, điều kiện phương tiện, người điều khiển phương tiện+... để đảm bảo ATGT”.
Học sinh vi phạm bị hạnh kiểm yếu
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, thầy Nguyễn Trường Giang phụ trách công tác Đoàn tại Trường THPT Ngô Gia Tự chia sẻ: “Nhà trường rà soát từ các nhà trông xe ở ngoài và nhắc nhở học sinh thực hiện tham gia giao thông đúng quy định.
Cách đây 2 - 3 năm là dù chỉ cần vi phạm không phải do lực lượng CSGT lập biên bản mà Đoàn trường biết được cũng hạ hạnh kiểm.
Nhà trường đã cho cả phụ huynh và học sinh ký cam kết để thực hiện nghiêm chỉnh từ khi các em mới bước vào lớp 10.
Việc giúp các em chấp hành tốt là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường do tác động đến tư tưởng của các em.
Ngoài ra, mỗi buổi sáng đều có thầy cô, đoàn thanh niên trực ở cổng trường kiểm tra các em học sinh tham gia giao thông”.
Trong buổi ghi nhận thực tế, PV Báo Giao thông quan sát thấy hầu hết các em học sinh trên địa bàn đã nghiêm túc chấp hành quy định về Luật GTĐB cũng như nắm rõ về nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật TTATGT.
Cũng trong buổi ghi nhận, lực lượng CSGT đã kiểm tra rất nhiều lượt phương tiện, trong đó có em Trần Thị Thanh T (lớp 12A7, THPT Ngô Gia Tự) đã quên đem giấy tờ xe.
Em T chia sẻ: “Hôm nay em lỡ quên không mang giấy tờ xe và đang đợi người nhà mang giấy tờ đến để lực lượng CSGT kiểm tra về độ tuổi.
Vào một số tiết sinh hoạt cuối tuần, chúng em đã tổ chức chuyên đề về TTATGT, để nâng cao nhận thức và hiểu biết trong lứa tuổi học sinh.
Việc đội mũ bảo hiểm đúng quy định và không được điều khiển xe trên 50cc luôn được đề cập và nhắc tới trong các buổi sinh hoạt".
Em Trần Quốc Đ (lớp 12A12, THPT Ngô Gia Tự) đang là học sinh lớp 12 sắp tới sẽ tham gia kỳ thi quan trọng - Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên rất lưu ý về vấn đề hạnh kiểm.
“Theo quy định của nhà trường, nếu trường hợp học sinh bị gửi biên bản vi phạm TTATGT thì sẽ có hình thức kỷ luật là bị hạ hạnh kiểm.
Em đang là học sinh lớp 12, vậy nên vừa cần đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng trước kì thi, vừa phải đảm bảo về quá trình học tập được tốt, vậy nên em sẽ tuyệt đối không để vi phạm”, em Đ chia sẻ.
Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ nâng cao nhận thức, mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn và bền vững.
Đây là nền tảng quan trọng giúp bảo vệ thế hệ trẻ và cộng đồng khỏi các nguy cơ tai nạn giao thông trong tương lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận