Phụ huynh ký cam kết không giao xe cho học sinh
Đang chở con đến trường, anh Nguyễn Văn Cường (ngụ thị trấn Bến lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) có con học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Trung Trực Bến Lức cho biết, ngay đầu năm học nhà trường có buổi giao lưu, trao đổi với phụ huynh trong việc đảm bảo trật ATGT cho học sinh.
Đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa phụ huynh với nhà trường, không giao xe phân khối lớn cho học sinh khi chưa đủ tuổi điều khiển.
"Tôi ý thức được rằng, khi giao xe phân khối lớn cho học sinh chưa đủ tuổi điều khiển là vi phạm Luật giao thông đường bộ. Từ đó, vợ chồng tôi thay phiên nhau đưa rước con đi học mỗi ngày. Bên cạnh đó cũng thường xuyên nhắc nhở con, khi ra đường phải có ý thức trong chấp hành quy định đảm bảo trật tự ATGT. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng xe gắn máy phân khối lớn tham gia giao thông", anh Cường tâm sự.
Ông Đàm Văn Tuyến, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực Bến Lức, Long An cho biết, ngay đầu năm học đã mời CSGT đến tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, các quy định trật tự ATGT cho 100% học sinh và giáo viên nhà trường.
Trường cũng thành lập tổ tuyên truyền trật tự ATGT nhằm nhắc nhở các bạn học sinh không chạy xe phấn khối. Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, CSGT Công an huyện Bến Lức đến từng điểm giữ xe ngoài nhà trường để tuyên truyền, vận động người dân không giữ xe phân khối lớn của học sinh.
Bà Phan Thị Dạ Thảo, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho biết, thực hiện kế hoạch của Ban ATGT tỉnh, Sở đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình nói không giao xe cho học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tại Trường THPT chuyên Trần Văn Giàu thành phố Tân An.
Lập danh sách học sinh đi xe máy để quản lý
Đối với các trường, trung tâm giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình này tại một số lớp học. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tự giác chấp hành không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Lập danh sách học sinh tự đi xe đến trường để phối hợp công an địa phương và các lực lượng chức năng kiểm tra, quản lý.
"Khi phát hiện hay tiếp nhận thông tin học sinh điều khiển mô tô, xe gắn máy không đúng quy định hoặc vi phạm trật tự ATGT phải mời phụ huynh đến trao đổi và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục con em cam kết không tái phạm. Các trường đưa tỷ lệ học sinh không điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện là một trong những tiêu chí xét thi đua", bà Thảo cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoài Phong, Ủy viên Thường trực Ban ATGT tỉnh, việc tuyên truyền được thực hiện đồng bộ bằng nhiều hình thức như: qua truyền thông đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn…Đồng thời, lồng ghép vào các chương trình truyền hình thu hút nhiều học sinh, phụ huynh theo dõi.
Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên nền tảng số, qua tọa đàm, hội nghị, hội thảo, cuộc thi, sự kiện trực tuyến và trực tiếp thu hút sự quan tâm của cộng đồng; qua kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, ATGT…
Trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ TNGT liên quan đến học sinh; CSGT toàn tỉnh phát hiện, xử lý 505 trường hợp vi phạm trật tự ATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, phạt tiền trên 376 triệu đồng, tạm giữ 495 mô tô, xe gắn máy.
Bên cạnh đó, CSGT lập biên bản xử phạt 250 trường hợp giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận