Ngoài những nguyên nhân chủ quan, coi thường quy định về trật tự ATGT đường thủy, diễn biến thất thường của thời tiết, thủy văn mùa bão lũ cũng gây tác động tiêu cực đối với giao thông thủy, làm gia tăng nguy cơ sự cố, tai nạn.
Liên tiếp tai nạn, sự cố
Hơn hai tuần trước, trên sông Đuống đoạn cách hạ lưu cầu Đuống (tỉnh Bắc Ninh) khoảng 2km, xảy ra vụ một tàu mang biển số Thái Bình va chạm với một tàu khác khiến một tàu lật úp và một người chết. Nguyên nhân đang được làm rõ, song thông tin ban đầu cho thấy, cả hai phương tiện đều chở quá tải.
Trước đó vài ngày, trên sông Hồng đoạn cách hạ lưu cầu Chương Dương (Hà Nội) vài trăm mét cũng xảy ra vụ hai phương tiện thủy lưu thông ngược chiều đâm nhau trong đêm tối khiến một tàu bị lật úp. May mắn là tàu của Công ty CP Quản lý đường sông số 6 ở gần đó đến ứng cứu kịp thời, cứu sống 4 thuyền viên trên tàu.
Đáng chú ý, phương tiện trong vụ tai nạn là “tàu không số” và vi phạm quy tắc giao thông dẫn đến tai nạn. Lực lượng chức năng cho biết, chiếc tàu đắm có công suất 360V, chở đầy cát nhưng không có đăng ký, đăng kiểm. Khi tàu lấy cát từ Ba Vì và chạy xuôi nước theo sông Hồng, khoảng gần 10h đêm, khi vừa qua cầu Chương Dương một đoạn, người điều khiển phát hiện một tàu chạy ngược chiều nên bật một pha đèn sáng để xin đường. Tuy nhiên, tàu cát không nhận được tín hiệu trả lời, sau đó bị tàu ngược chiều đâm vào mạn phải và lật úp. Sau đó, chiếc tàu bỏ chạy.
Gần đây nhất, sáng 7/8, phương tiện thủy KG-23239 đang chở 21 hành khách đi khảo sát du lịch tại đảo Hải Tặc (TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Phần lớn tàu bị thiêu rụi, song may mắn là toàn bộ người trên tàu được tàu cá cứu nạn kịp thời.
Theo ông Bùi Quốc Hưng, Phó phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN, phương tiện trên đã quá hạn đăng kiểm định kỳ hơn 4 tháng. Thời điểm xảy ra tai nạn, phương tiện đã được chủ sở hữu bán cho chủ khác có địa chỉ ở Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang nhưng chủ mới vẫn chưa thực hiện sang tên đổi chủ theo quy định.
Trước đó, trên suối Yến thuộc khu di tích Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng xảy ra vụ một chiếc đò có mái che chở 4 khách bị giông gió bất ngờ gây lật, chìm. May mắn cả 4 người được cứu. Đáng chú ý, thời điểm xảy ra tai nạn, trên đò không có phao cứu sinh. Hơn nữa, chiếc đò có lắp mái che (hầu hết các đò tại đây không lắp mái che, không thuộc diện phải đăng kiểm) cũng là nguyên nhân khiến đò bị lật, đe dọa an toàn của du khách.
“Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc khá nhiều lần kiểm tra, đôn đốc chính quyền, ngành chức năng địa phương quản lý chặt chẽ việc trang bị áo phao, quản lý vận tải khu vực suối Yến, song vi phạm vẫn thường xảy ra. Do đây là tuyến đường thủy địa phương quản lý nên lực lượng của Chi cục chỉ có thể đôn đốc, không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm”, lãnh đạo Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho hay.
Xuất hiện nhiều “điểm đen”, nhức nhối vi phạm
Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, từ khoảng giữa tháng 6 hàng năm, phía Bắc bước vào mùa bão lũ, kéo theo diễn biến phức tạp về luồng chảy trên các tuyến sông, xuất hiện các “điểm đen” trên đường thủy, đặc biệt tại một số khu vực cầu vượt sông, vị trí có chướng ngại vật.
Hơn một tháng nay, Cục đã cho triển khai các chốt thường trực chống phương tiện thủy va trôi tại các cầu, công trình vượt sông trên 21 tuyến đường thủy phía Bắc, nhằm ứng cứu phương tiện không may gặp sự cố. Trong đó có các vị trí trọng điểm, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn như: Cầu Đuống, cầu Hồ trên sông Đuống, cầu Bình sông Kinh Thầy, cụm cầu Việt Trì trên sông Lô, cụm cầu Long Biên - Chương Dương trên sông Hồng, cầu đường sắt Bắc Giang trên sông Thương… Cùng đó, các luồng đường thủy trọng điểm được bố trí trụ, phao neo cho phương tiện neo đậu tránh trú khi gặp thời tiết bất lợi.
“Nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố đối với phương tiện giao thông đường thủy trong mùa mưa lũ là rất lớn. Cục Đường thủy nội địa VN chỉ đạo các lực lượng cảng vụ, thanh tra đường thủy tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm phương tiện, thuyền viên vi phạm”, ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.
Dù vậy, theo khảo sát của PV Báo Giao thông, tại một số cầu trọng điểm trên sông Hồng, sông Cầu, sông Kinh Thầy, sông Đáy dễ dàng nhận thấy phương tiện thủy chở hàng dọc tuyến chở quá tải (quá vạch dấu mớn nước an toàn), tránh vượt tùy tiện, đi hàng 2 - 3, neo đậu lấn chiếm luồng, khiến không ít thuyền viên bức xúc. “Thường xuyên có tình trạng tàu không hàng khi ngược nước không nhường tàu xuôi nước chở đầy hàng khi qua cầu, hay tàu này đi trước chưa qua cầu tàu sau bám sát đuôi, chỉ sơ sẩy là bị ủi trụ cầu”, thuyền viên tên Tuấn, tàu VP-6125 than phiền.
Còn theo một số thuyền viên khác, ở các khu vực như cửa Luộc, Mỏ Neo, cầu Bồng Lạng thường xuyên có tàu to neo đậu ban đêm đỗ chiếm gần hết luồng.
Mới đây, nhiều thuyền viên chia sẻ trên mạng xã hội cảnh quay hai tàu biển số Ninh Bình cặp đôi, vượt ép một tàu Vĩnh Phúc chở hàng nặng ở đoạn sông hẹp cửa sông Mỏ Neo gây nguy hiểm, sau đó thuyền viên hai tàu chửi bới, lấy gạch đá ném nhau.
Ông Nguyễn Duy Thắng, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cũng nêu thực tế, dù trong mùa mưa bão nhưng vẫn phổ biến tình trạng phương tiện thủy chở quá tải, vi phạm quy tắc tránh vượt, neo đậu lấn chiếm luồng, là nguy cơ hiện hữu gia tăng TNGT đường thủy mùa bão lũ.
Tàu thuyền vi phạm sẽ bị phạt nguội
Theo quy định tại Thông tư số 65/2020 của Bộ Công an về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2020, lực lượng tuần tra, kiểm soát đường thủy được hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, ghi nhận hành vi vi phạm và công khai hiệu lệnh dừng phương tiện để lập biên bản, xử lý vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận