Mục tiêu đến năm 2020 sẽ lắp đặt chắn tự động tại tất cả các đường ngang VNR quản lý, xóa toàn bộ đường ngang biển báo. |
Theo kế hoạch, trong năm 2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lắp đặt cần chắn tự động, cần chắn bán tự động và dàn chắn bán tự động tại 300 đường ngang, nhưng dù đã rất cố gắng tiến độ vẫn chậm, đến nay mới lắp đặt được tại khoảng 38 đường ngang trên các tuyến đường sắt.
Lý giải điều này, ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, đang chờ Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt. Sau đó sẽ triển khai nhân rộng trên toàn mạng lưới đường sắt để đảm bảo ATGT tại các đường ngang, đặc biệt là xóa đường ngang biển báo - nơi dễ xảy ra TNGT đường sắt nhất.
Theo thống kê, VNR đang quản lý hơn 610 đường ngang có người gác; Hơn 330 đường ngang cảnh báo tự động và hơn 540 đường ngang biển báo. Các đường ngang được lắp đặt thí điểm cần chắn tự động, cần chắn bán tự động và dàn chắn bán tự động (chắn tự động) được đặt tại những vị trí đường ngang có nguy cơ mất an toàn cao. Đánh giá từ phía các công ty quản lý đường sắt, hệ thống chắn tự động này hoạt động ổn định và đã phát huy được hiệu quả, giảm được sức lao động.
Ông Trần Hoán, Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, trên địa bàn quản lý của công ty được trang bị hai chắn tự động tại đường ngang Km 698+610 và Km 660+160. Cả hai cần chắn này đều đang hoạt động tốt, sử dụng nguồn điện 220VAC-400W, truyền động xích tải, điều khiển từ xa.
“Tại đường ngang Km 698+610, trước đây phải cần hai người đẩy dàn chắn mỗi khi tàu đến. Nhưng từ khi áp dụng hệ thống chắn tự động này, chỉ cần một người bấm nút điều khiển cả hai chắn nên rất thuận tiện và an toàn, giảm được sức lao động. Quan trọng hơn là đảm bảo an toàn cho phương tiện giao thông và nhân viên gác chắn”, ông Hoán nói thêm.
Về vấn đề vốn, ông Hưng cho biết nếu nhập nguyên bộ sẽ rất đắt, khoảng 2 tỷ đồng/bộ, nhưng VNR đã nghiên cứu nhập từng phần và kết nối với hệ thống tín hiệu tại các gác chắn nên cho hiệu quả mà giảm được khoảng 1/2 đến 2/3 chi phí. |
Về mặt kỹ thuật, các chắn tự động đều sử dụng điện để hoạt động nên có một số ý kiến nghi ngại chắn tự động sẽ không ổn định trong trường hợp mất điện. Ông Đới Sỹ Hưng cho biết, thực tế hệ thống này đã được nhiều nước sử dụng từ hàng chục năm qua, Việt Nam chỉ nhập về và lắp đặt nên rất an toàn. Trong trường hợp mất điện, lập tức hệ thống máy phát điện sẽ hoạt động để cấp điện cho cần chắn hoạt động. Sau khi được Bộ GTVT thẩm định phê duyệt, VNR sẽ triển khai đại trà. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ lắp đặt tại tất cả các đường ngang VNR quản lý, xóa toàn bộ đường ngang biển báo.
“Ngay cả đường ngang cảnh báo tự động bằng đèn hoặc chuông cảnh báo, chúng tôi cũng lắp đặt thêm cả cần chắn tự động. Khi tàu đến, bên cạnh cảnh báo bằng đèn, bằng chuông, hệ thống cần chắn tự động sẽ tự động đóng đường ngang lại để các phương tiện nhận biết và dừng lại cho tàu qua an toàn. Đối với những đường ngang phức tạp và rộng, chúng tôi lắp đặt cần chắn tự động và có người gác. Nhưng người gác chỉ có nhiệm vụ bấm nút để đóng chắn. Như vậy sẽ giảm được sức lao động mà vẫn đảm bảo an toàn đường ngang”, ông Hưng nói.
Đến nay, VNR đã lắp đặt 16 cần chắn bán tự động và 36 dàn chắn bán tự động cho 26 đường ngang có người gác. Lắp đặt 24 cần chắn tự động công nghệ Italia, Trung Quốc và Nhật Bản tại 12 đường ngang cảnh báo tự động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận