Có tới 400 - 500 xe quá tải chạy trên tuyến mỗi ngày
Sáng 2/11, tại trạm thu phí đầu tuyến Km 187+700, chưa đầy 1 giờ, PV Báo Giao thông đã ghi nhận hàng chục lượt xe có dấu hiệu quá tải chạy với tốc độ cao.
Các xe đều chất đầy vật liệu xây dựng, che chắn sơ sài nối đuôi nhau chạy, điển hình như các xe BKS: 90H - 744.65, 90C - 673.97, 90C - 054.38, 90C - 046.19, 29H - 371.40, 90C - 073.97, 90C - 093.67, 90H - 001.62, 90H - 003.01.
Chiếc xe dán logo 5678 sử dụng container đã được cắt nóc có dấu hiệu chở quá tải
Cũng theo ghi nhận của PV, những xe tải chở vật liệu trên gắn tên các đơn vị như: Thắng Lan, Xuân Trường; nhiều xe như: 90C - 046.19, 90H - 003.01, 90C - 673.97 gắn logo 5678; một số xe khác gắn logo BM.
Đáng nói, quá trình PV ghi nhận, dù rất nhiều xe có dấu hiệu quá tải, nhưng tổ CSGT đang làm nhiệm vụ kiểm soát ATGT ngay tại trạm thu phí không dừng xe nào để kiểm tra.
Trao đổi với PV, một số cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đây cho biết, thời điểm trước khi dịch bùng phát, đội cũng đã ra quân kiểm soát xe quá tải trên tuyến.
Tuy nhiên, thời gian qua do dịch bệnh kéo dài nên chưa thực hiện được. Khi PV hỏi về số liệu xe quá tải đã kiểm soát, một cán bộ CSGT nói phải xin ý kiến của lãnh đạo đội.
Là đơn vị quản lý tuyến đường, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho hay, lưu lượng xe trên tuyến khoảng 60.000 xe/ngày đêm.
Trong đó, xe tải từ 4 tấn và xe container khoảng 5.000 xe/ngày đêm.
“Trong số này có nhiều xe có dấu hiệu quá tải. Dù không có con số chính xác nhưng qua nhận định trực quan, chúng tôi ước tính có tới khoảng 400 - 500 xe quá tải chạy trên tuyến một ngày đêm”, ông Oánh thông tin.
Cũng theo ông Oánh, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là cửa ngõ Thủ đô nên việc cung cấp các loại vật liệu cho thành phố chủ yếu qua tuyến đường này. Xe chở vật liệu cơi nới thành thùng rất nhiều, trong đó có cả xe sử dụng thùng container cắt bỏ nóc.
“Hàng ngày trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ xuất hiện rất nhiều xe cải tiến cắt bỏ mặt trên của container để chở hàng quá tải. Các lái xe đều biết trên tuyến chưa có trạm cân nên vô tư chất hàng chở quá tải”, ông Oánh nói.
Không có trạm cân, đơn vị quản lý bất lực
Những chiếc xe có dán logo 5678 có dấu hiệu chở quá tải trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình hiện do hai đơn vị quản lý và cùng thu phí chung. Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Tìm hiểu của PV, trong khi các trạm thu phí của VEC đã được lắp hệ thống cân để kiểm soát và từ chối phục vụ đối với xe quá tải, các trạm thu phí của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lại chưa thực hiện việc này.
Ông Vũ Ngọc Oánh cho hay, toàn tuyến Pháp Vân - Ninh Bình có 7 trạm thu phí, trong đó VEC quản lý 3 trạm, còn lại của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ 4 trạm.
Đầu vào tại các trạm của VEC đã được lắp đặt cân kiểm soát xe quá tải tại trạm thu phí. Tuy nhiên, 4 trạm thu phí gồm: Thường Tín, Vạn Điểm, Khê Hồi và trạm tại Hà Nam trên đoạn tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa được lắp đặt hệ thống cân để kiểm soát xe quá tải.
“Trong khi đó, xe chở vật tư, vật liệu chủ yếu là từ Hà Nam đi đường cao tốc để vào Hà Nội. Việc không có cân để từ chối xe quá tải lưu thông vào cao tốc khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn.
Để bảo vệ chất lượng tuyến đường, chúng tôi đã đề xuất lắp đặt hệ thống cân từ nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được. Nguyên nhân do khó khăn về nguồn vốn và lựa chọn loại cân phù hợp.
Chúng tôi rất mong được lắp hệ thống cân tự động mà Tổng cục Đường bộ VN đã thí điểm trên QL5.
Tuy nhiên, hệ thống cân này cũng đang ở giai đoạn thử nghiệm nên việc đầu tư còn nhiều vấn đề, nhất là tiêu chuẩn, quy chuẩn hệ thống cân tự động để nghiệm thu”, ông Oánh cho hay.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo VEC cho hay, các trạm VEC quản lý được bố trí cân kiểm soát xe quá tải ở làn đầu vào từ Ninh Bình, Nam Định đi Hà Nội.
Tuy nhiên, từ phía Hà Nội đi về không kiểm soát được do không có trạm cân. Khi phát hiện xe quá tải chỉ được quyền từ chối mà dữ liệu không được gửi cho lực lượng chức năng xử phạt.
Từ đầu năm đến nay, riêng tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã từ chối hàng nghìn xe quá tải.
“Câu hỏi đặt ra là xe quá tải đã tàn phá bao nhiêu km quốc lộ, đường tỉnh trước khi lên cao tốc. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng được quyền kiểm soát xe quá tải ở đâu khi xe quá tải vô tư chạy trên nhiều tuyến đường mới vào cao tốc, trong khi trách nhiệm của đơn vị quản lý chỉ lắp hệ thống cân và từ chối xe quá tải”, lãnh đạo VEC nói.
Thừa nhận về tình trạng xe quá tải trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, thời gian qua, tại một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý phương tiện vận tải.
Chủ xe và lái xe lợi dụng các lực lượng chức năng tập trung phòng, chống dịch nên tình trạng xe quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Theo ông Chung, Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đường bộ I, phối hợp với Sở GTVT Hà Nội, Hà Nam xử lý xe quá tải trên tuyến.
“Không có hệ thống cân sẽ khó kiểm soát xe quá tải. Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã lập đề án đề xuất lắp đặt hệ thống cân tự động trên tuyến để kiểm soát xe quá tải. Tuy nhiên, hiện phải chờ tiêu chuẩn cơ sở cho hệ thống này.
Tổng cục Đường bộ VN đang khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn cơ sở hệ thống cân tự động để áp dụng trong thời gian sớm nhất”, ông Chung nói.
Phải nâng cấp hệ thống cân mới dùng được dữ liệu để xử phạt
Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, Thông tư 90/2014 của Bộ GTVT hướng dẫn quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc không yêu cầu đơn vị quản lý tuyến đường phải gửi dữ liệu xe vi phạm cho lực lượng chức năng xử phạt mà chỉ quy định họ được từ chối phục vụ xe quá tải.
“Hơn nữa, đa phần thiết bị trạm cân trên các tuyến cao tốc hiện không đủ điều kiện để xử phạt. Muốn dùng dữ liệu này để xử phạt phải nâng cấp hệ thống cân có độ chính xác cao hơn và hoàn thiện quy định pháp luật”, ông Chung cho biết.
Lý giải về thắc mắc lắp đặt trạm cân là trách nhiệm của nhà đầu tư BOT để bảo vệ đường mà không cần phải đề xuất với cơ quan chức năng, ông Chung cho hay, theo quy định, hệ thống kiểm soát tải trọng xe là một bộ phận để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
“Về bản chất, nguồn vốn đầu tư dự án BOT cũng là tiền của người dân. Các nội dung bảo trì và nguồn vốn dự án BOT hàng năm phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư mới được triển khai thực hiện.
Tương tự như vậy, nhà đầu tư muốn sửa chữa, nâng cấp, đầu tư hạng mục mới nào của tuyến đường đều phải được sự cho phép của cơ quan chức năng”, ông Chung nói.
10 nghìn xe quá tải phải quay đầu trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng
Trong khi BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang loay hoay với việc lắp đặt trạm cân để kiểm soát xe quá tải, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, một tuyến cao tốc cửa ngõ Thủ đô khác là Hà Nội - Hải Phòng đang thực hiện rất hiệu quả.
Ông Lê Xuân Tú, Phó giám đốc Công ty quản lý khai khác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho hay, 15 trạm thu phí trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng đều có làn lắp đặt trạm cân để kiểm soát tải trọng xe, trong đó các trạm đầu tuyến có đến 2 làn có hệ thống cân.
Mỗi ngày đơn vị phát hiện và từ chối phục vụ từ 30 - 50 xe chở quá tải. Từ đầu năm đến nay có khoảng hơn 10.000 xe quá tải phải quay đầu.
Tuy nhiên, ông Tú cho biết, khó khăn nhất hiện nay là kết quả cân xe vi phạm chưa chuyển được cho lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính, đơn vị chỉ từ chối phục vụ bằng việc yêu cầu xe quay đầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận