Lo hàng nhái, hàng giả
Sau bài viết "Bảo vệ trẻ khi ngồi trên ô tô" đăng trên Báo Giao thông, đa số ý kiến đều đồng tình với quy định với trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m khi đi trên ô tô không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng ghế an toàn phù hợp.
Chị Trần Thị Huyền (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, ngay từ khi mua ô tô và có con nhỏ, chị đã chủ động tìm hiểu và trang bị ghế trẻ em cho con nằm/ngồi trên ô tô khi tham gia giao thông.
"Chưa cần đến quy định, tôi cho rằng mỗi gia đình đều nên trang bị để chủ động bảo vệ con khi đi ô tô. Thời gian vừa qua, đọc nhiều vụ tai nạn gây hậu quả lớn cho trẻ em, tôi càng tin tưởng vào lựa chọn của mình", chị Huyền chia sẻ.
Đồng quan điểm, anh Phạm Đức Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nếu mũ bảo hiểm bảo vệ trẻ khi đi xe máy thì ghế trẻ em là trang bị quan trọng để giảm thiểu nguy hiểm, thương vong cho trẻ khi ngồi trên ô tô trong trường hợp xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, anh Thắng bày tỏ lo lắng về việc khi luật có hiệu lực, sẽ xuất hiện tràn lan ghế trẻ em hàng giả, hàng nhái, tương tự như mũ bảo hiểm. Từ đó, anh Thắng cho rằng cần sớm có các cơ chế, quy định quản lý để người tiêu dùng yên tâm khi lựa chọn các sản phẩm ghế trẻ em trên thị trường.
Nhìn từ bài học mũ bảo hiểm, PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường đại học Y tế công cộng cho rằng, việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô rất quan trọng, cần triển khai sớm. Từ đó, làm cơ sở cho các nhà sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu áp dụng, nhằm mang đến nguồn cung về thiết bị đảm bảo chất lượng.
Cần lộ trình để quy định đi vào cuộc sống
Ông Cường cho biết, từ nay đến ngày 1/1/2026 còn nhiều việc cần phải làm để đưa quy định vào cuộc sống. Trước mắt, cần đảm bảo sự sẵn có của những thiết bị này trên thị trường.
Hiện nay, hầu hết thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô (ghế trẻ em, nôi) tại Việt Nam đều được nhập từ nước ngoài, đa dạng giá thành, khoảng 1,5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 7 triệu đồng/chiếc, thậm chí có mẫu trên 11 triệu đồng.
Theo ông Cường, để đảm bảo tiếp cận thị trường tốt nhất, nên bắt đầu sản xuất để có những sản phẩm nội địa. Muốn thế, cần sớm có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị, thử nghiệm để kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Tiếp đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để từ nay đến năm 2026, người dân, các đơn vị vận tải nắm được quy định, dần dần thay đổi nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi, tạo thói quen về việc sử dụng ghế trẻ em cho trẻ khi đi trên ô tô.
Thứ ba, cần có lộ trình triển khai trên các phương tiện, có thể học hỏi các nước trên thế giới, bắt đầu từ xe cá nhân, sau đó đến các phương tiện kinh doanh vận tải. Có thể thiết kế thêm mục lựa chọn đặt thêm ghế cho trẻ em trên các ứng dụng đặt xe, từ đó, lọc các phương tiện có thể đáp ứng yêu cầu nhận chuyến.
TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản cho biết thêm, khi quy định có hiệu lực thì vai trò giám sát của các lực lượng chức năng để người dân thực hiện nghiêm túc rất quan trọng.
Do đó, cần xây dựng chế tài xử phạt hành vi không tuân thủ quy định sử dụng ghế trẻ em trên ô tô, qua đó tạo răn đe, nâng cao ý thức chấp hành.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Bộ Công an đã đề xuất mức phạt đối với tài xế chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên xe ô tô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định, từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Trường hợp là tài xế điều khiển xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non, sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 – 8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh tiểu học không có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc không sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.
Bộ GTVT đang nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về TBAT cho trẻ em trên ô tô, trong đó nêu rõ, ghế trẻ em là tổ hợp các bộ phận bao gồm ghế, dây đai, khóa an toàn, thiết bị điều chỉnh và các phụ kiện khác như nôi, tấm chắn va chạm; có khả năng lắp đặt chắc chắn lên xe ô tô.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận