• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Giao thông 24h

Siết quy định thiết bị an toàn cho trẻ nhỏ khi đi ô tô

05/06/2024, 05:31

Hiện có gần 100 quốc gia đã thể chế hóa quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân.

Đề xuất quy định trẻ dưới 10 tuổi đi ô tô phải có thiết bị an toàn

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội thảo luận, dự kiến sẽ thông qua vào ngày 26/6 tới đây đã đề xuất nhiều quy định nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông. Trong đó có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em.

Siết quy định thiết bị an toàn cho trẻ nhỏ khi đi ô tô- Ảnh 1.

Các chuyên gia đề xuất quy định trẻ dưới 12 tuổi hoặc dưới 150cm bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân dù có người lớn ngồi cùng hay không.

PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng cho biết, hiện có gần 100 quốc gia đã thể chế hóa quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân. Đơn cử như trong khu vực ASEAN, Singapore bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 135cm, Malaysia bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 136cm và dưới 12 tuổi, quy định của Philippines là dưới 12 tuổi hoặc dưới 150cm.

Khuyến nghị của WHO cũng chỉ rõ nên quy định việc bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn của trẻ em trên ô tô đối với trẻ đến 12 tuổi hoặc chiều cao dưới 150cm; quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thiết bị an toàn trên xe ô tô (chốt ghế, đệm an toàn...).

Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam chưa có quy định này dù tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM gia tăng nhanh chóng và các gia đình trẻ có xu hướng ở ngoại thành, thường xuyên di chuyển quãng đường xa cũng khá cao.

"Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách về phòng chống chấn thương năm 2021, chỉ 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, TP. HCM 1,1%, Đà Nẵng 0%", ông Cường nói và nhấn mạnh: Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trong trường hợp va chạm giao thông và trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi dùng được dây an toàn của người lớn. Trẻ chỉ có thể dùng dây an toàn khi đủ chiều cao xấp xỉ 150cm.

Hiện, trong dự thảo mới nhất của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khi quy định về thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ trên xe ô tô, ban soạn thảo đã nâng số tuổi trẻ em từ dưới 10 tuổi lên dưới 12 tuổi, chiều cao từ dưới 135cm lên dưới 150cm.

Theo ông Cường, đây là sửa đổi rất quan trọng, bảo đảm được độ bao phủ rộng hơn, với gần 20 triệu trẻ em.

Tuy nhiên, ông Cường kiến nghị bỏ cụm từ "mà không có người lớn ngồi cùng" tại quy định này, bởi điều này có thể gây hiểu theo hướng: Nếu trên xe ô tô có người lớn ngồi cùng thì trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 135cm không cần phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, với đề xuất hiện nay sẽ không bảo đảm được sự an toàn của trẻ khi tham gia giao thông đường bộ do người lớn ngồi cùng không thể thay thế thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô.

"Theo nghiên cứu, dây đai an toàn trang bị trên ô tô chỉ phù hợp với kích thước của người lớn và trẻ em từ 10 tuổi hoặc cao 135cm trở lên. Khi xảy ra va chạm, lực quán tính và tình huống bất ngờ có thể khiến người lớn không thể giữ chặt trẻ dẫn tới việc trẻ bị văng khỏi ghế, va đập và bị thương nghiêm trọng. Người lớn lái xe chở trẻ tham gia giao thông trên xe ô tô đều có thể được coi là người lớn ngồi cùng, bởi lẽ chưa có quy định nào trong dự thảo luật tách rời 2 khái niệm này", bà Hòa nói.

Thực tế, có rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã xảy ra, dù có người lớn ngồi cùng nhưng hậu quả thương vong cho trẻ vẫn cao. Đơn cử như vụ TNGT liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra ngày 18/2, khiến 3 mẹ con tử vong khi ngồi ở hàng ghế sau không thắt dây an toàn, không có thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ dưới 10 tuổi.

Hay tại Nam Định, ngày 14/7/2023, ô tô 4 chỗ di chuyển từ TP Nam Định về xã Hợp Hưng đã va chạm với xe tải. Trên ô tô lúc này có 4 người (gồm 2 phụ nữ và 2 bé gái nhỏ). Cú va chạm mạnh khiến nữ tài xế và 1 cháu bé tử vong dù có người lớn ngồi bên cạnh.

Khảo sát cho thấy thực tế, đề xuất sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em nhận được phản ứng rất tích cực của cộng đồng, mạng xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong một số cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2020 - 2023, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới 85%. Hiện nay mặc dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã tự động áp dụng.

Chị Phạm Thị Mai (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngay từ khi mua ô tô năm 2022, chị đã chủ động trang bị ghế trẻ em phù hợp với độ tuổi và cân nặng của con gái 2 tuổi, nhằm đảm bảo an toàn cho con khi tham gia giao thông cùng mình.

"Mình trang bị để bảo vệ con chứ không phải vì quy định có hay không. Con mình không bảo vệ thì trông chờ ai", chị Mai chia sẻ.

Siết quy định thiết bị an toàn cho trẻ nhỏ khi đi ô tô- Ảnh 2.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vị trí an toàn nhất cho trẻ trên ô tô là ở hàng ghế sau và phải có thiết bị an toàn phù hợp.

Vị trí an toàn nhất cho trẻ là ở hàng ghế sau

Góp ý thêm vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông Cường cho rằng cần bổ sung quy định cấm trẻ em ngồi cùng hàng ghế người lái vì trẻ em có nguy cơ thương tích nặng hoặc tử vong nếu túi khí bung. Đây cũng là khuyến cáo của nhiều hãng xe ô tô.

Một chuyên gia y tế cũng cho biết, WHO có khuyến cáo tất cả trẻ em nên được ngồi ở ghế sau của xe ô tô, đây là vị trí an toàn nhất cho trẻ em. Nghiên cứu của nhiều chuyên gia trên thế giới cho thấy, khi dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước. Trong khi đó, nếu ngồi ghế trước, khi xảy ra va chạm, túi khí bung ra sẽ gây thương tích nghiêm trọng ở đầu và cổ cho trẻ.

Về vấn đề này, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho biết: Tất cả các thực nghiệm đến nay đều cho thấy khi có tai nạn, rủi ro người ngồi cạnh ghế lái cao gấp 4 - 5 lần so với những vị trí còn lại. Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương, nên dành vị trí tốt hơn ở hàng ghế sau để trẻ ngồi.

"Nhóm trẻ em dưới 12 tuổi và có chiều cao dưới 1,5m khi ngồi trên xe dưới 10 chỗ không được ngồi cùng hàng ghế người lái", ông Minh nhấn mạnh.

Mặt khác, theo ông Cường, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Accident Analysis & Prevention cho thấy trẻ em từ 0-8 tuổi ngồi ghế trước có nguy cơ bị thương cao hơn 57% và trẻ em từ 9 - 12 tuổi có nguy cơ bị thương cao hơn 31% so với trẻ được bảo vệ ở ghế sau.

Một phân tích quy mô lớn kết hợp dữ liệu từ nhiều nghiên cứu khác nhau (phân tích tổng hợp) của Ivers và cộng sự (2016) cũng cho thấy trẻ em ngồi ghế trước so với ghế sau có nguy cơ bị thương nặng hoặc tử vong tăng 46% trong tất cả các loại va chạm (va chạm trực diện, va chạm bên hông và lật xe).

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đề nghị cần bổ sung quy định: Không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Sổ tay các biện pháp an toàn đường bộ, khi dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương cho trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước. Số liệu từ điều tra về an toàn giao thông năm 2023 cũng cho thấy, có 115 nước đã có luật cấm trẻ ngồi ghế trước, trong đó có 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm nhưng cho phép ngồi ghế trước nếu có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

"Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô tô. Nhiều phụ huynh vẫn để trẻ em ngồi ghế trước hoặc đứng trong xe, vươn tay ra cửa sổ, thò đầu qua cửa sổ trời…

Dự kiến ngày 26/6/2024, Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ (Luật TTATGTĐB). Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn và vị trí ngồi an toàn cho trẻ em được luật hoá và áp dụng hiệu quả trong Luật TTATGTĐB, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô mỗi năm tại Việt Nam. Do đó, cần sớm luật hóa với những quy định thiết thực về thiết bị an toàn, vị trí an toàn cho trẻ em, đối tượng thụ động tham gia giao thông, để ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong bảo vệ trẻ em tham gia giao thông khi số lượng ô tô tại Việt Nam ngày một tăng" - PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế Công cộng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.