Sáng nay (8/6), tại UBND xã Glar, Uỷ ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ban ATGT tỉnh Gia Lai, huyện Đak Đoa tổ chức lễ phát động triển khai thí điểm chương trình nâng cao ATGT xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đak Đoa.
Trước đó, Báo Giao thông có loạt bài nguy cơ mất ATGT đối với loại phương tiện thô sơ như xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên. Loạt bài báo cảnh báo nguy cơ mất ATGT đối với phương tiện nêu trên, cụ thể: Tỉ lệ bằng lái xe A4 chỉ 10% so với người sử dụng phương tiện; phương tiện độ chế bằng phế liệu, thiết bị cũ không đảm bảo; phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm; hệ thống cảnh báo ATGT trên phương tiện như đèn, còi, gương chiếu hậu... Bên cạnh đó, việc người dân sử dụng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ và tham gia giao thông ở các vị trí giao cắt trên các tuyến đường giao cắt gây nguy cơ mất ATGT; Trong nhiều năm qua, nhiều vụ TNGT thương tâm đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khoẻ của người tham gia giao thông...
Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT Quốc gia, hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 38.000 xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp. Hầu hết loại phương tiện giao thông này chưa đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật nên khi tham gia giao thông trên đường công cộng chung với các loại xe khác trở thành nguy cơ lớn xảy ra TNGT. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến loại phương tiện này, trong đó có nhiều vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương.
Để hạn chế nguy cơ và kéo giảm TNGT liên quan đến loại phương tiện này, Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT huyện Đak Đoa đã phát động triển khai thí điểm chương trình nâng cao ATGT xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đak Đoa.
"Khi tham gia giao thông trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ chung với các loại xe khác có vận tốc lớn hơn, xe máy kéo nhỏ và xe máy phục vụ nông, lâm nghiệp tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT rất lớn. Vào thời điểm ban đêm, thời tiết sương mù ở Tây Nguyên làm phương tiện khác khó phát hiện ở khoảng cách gần, đây là nguyên nhân TNGT thường xảy ra đối với phương tiện này".
Ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia.
Tại buổi lễ, người dân được phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe máy kéo nhỏ và xây dựng văn hóa giao thông đối với người đồng bào DTTS với nhiều nội dung đổi mới, đa dạng. Dịp này, có hơn 600 xe máy kéo nhỏ trên địa bàn huyện Đak Đoa được Công ty TNHH 3M Việt Nam hỗ trợ dán decal phản quang nhằm nâng cao hệ số an toàn, hạn chế thấp nhất nguy cơ và kéo giảm TNGT liên quan đến loại phương tiện xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp.
Ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu lên vấn đề mất ATGT đối với xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp là các phương tiện cơ giới. "Điều kiện kỹ thuật để tham gia giao thông vẫn còn rất thô sơ, thường do bà con nhân dân hoặc các đơn vị sản xuất tự chế. Bên cạnh đó, điều kiện địa hình lưu thông các phương tiện này rất phức tạp, người điều khiển phương tiện đa phần chưa qua đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe hạng A4, ý thức tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, chở nhiều người, trái với quy định của pháp luật.
“Bước đầu, chúng tôi đã có đánh giá thử nghiệm và cho thấy kết quả của những miếng dán phản quang mang lại tác dụng khá tích cực vào ban đêm hoặc thời điểm ánh sáng không đảm bảo. Đối với xe được dán phản quang, các phương tiện khác có thể phát hiện được ở khoảng cách từ 400 - 500m, trong khi không dán phản quang sẽ chỉ phát hiện ở khoảng cách 20m, gây khó khăn trong việc xử lý nếu có tình huống xấu xảy ra”, ông Dũng phân tích.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dũng cho biết Uỷ ban ATGT Quốc gia đã có những nghiên cứu giải pháp đảm bảo ATGT đối với loại phương tiện trên. Trong đó, có giải pháp dùng phản quang 3M làm dấu hiệu nhận biết, các tài xế phương tiện khác sẽ nhận biết và điều khiển phương tiện ở khoảng cách an toàn giảm nguy cơ gây tai nạn.
"Dự án này đang ở giai đoạn thử nghiệm, theo lộ trình cần có kết quả đánh giá sâu và cụ thể để rút kinh nghiệm. Nếu kết quả tốt, Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ có những động thái tiếp theo để nhân rộng mô hình", ông Dũng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận