10% lái xe có bằng lái A4
Theo số liệu tổng hợp năm 2017 của Uỷ Ban ATGT Quốc Gia trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên có khoảng 144.369 xe máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp (Kon Tum: 4.000; Gia Lai: 37.747 phương tiện; Đăk Lăk: 78.808 phương tiện; Đăk Nông: 19.814 phương tiện; Lâm Đồng: 4.000). Con số này liên tục tăng. Số liệu mới nhất hiện nay vào khoảng 150.000 phương tiện.
Thế nhưng, hầu hết người điều khiển phương tiện chưa có GPLX hạng A4 theo quy định, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ còn hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên chỉ có trên 14.000 người dân tham gia sát hạch và được cấp GPLX hạng A4.
Chủ tịch UBND xã A Dơk (huyện Đăk Đoa) ông Lê Trọng Đoàn khi PV hỏi về loại bằng lái xe trên thì cho biết “Chưa nghe bằng lái xe A4”.
Riêng tại Gia Lai, với số lượng trên 37.000 phương tiện nhưng tỉnh này mới chỉ cấp được 120 GPLX hạng A4. Tức là chỉ 0,3% số lượng người có GPLX hạng A4/ tổng số phương tiện.
Ông Tăng Xuân Kiên, Trưởng phòng quản lý phương tiện người lái, Sở GTVT Gia Lai cho biết, việc vận động người dân tham gia đào tạo, sát hạch lấy giấy phép lái xe để lái máy kéo nhỏ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do đa số có trình độ học vấn thấp, nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa thông thạo chữ viết tiếng Việt, đời sống người dân còn khó khăn, vì vậy những năm gần đây hầu như không có người đăng ký học, thi lấy GPLX hạng A4.
Bất cập trong đào tạo, khó đăng ký xe
Theo Sở GTVT Gia Lai thống kê năm 2017, có trên 11.000 người dân có nhu cầu đào tạo cấp GPLX hạng A4. Trong đó có trên 60% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, trên địa bàn TP. Pleiku cũng có 2 đơn vị là Trường đào tạo, sát hạch GPLX và trường cao đẳng nghề đủ điều kiện để đào tạo và sát hạch GPLX hạng A4, tuy nhiên việc tuyển sinh và đào tạo gặp nhiều khó khăn nên không thể thực hiện được.
Ông Tăng Xuân Kiên cho biết: "Đặc biệt, việc thi GPLX hạng A4 lại được đào tạo theo quy trình như cấp GPLX ô tô. Việc đào tạo, sát hạch đều tuân thủ theo nguyên tắc trên nên người dân không thể học được. Ví như, người dân sát hạch GPLX trên máy tính, nhưng những người đồng bào, người ít học chưa bao giờ tiếp xúc với máy tính thì không thể làm bài trên máy tính được. Về kinh phí, với mức 2 triệu đồng/GPLX vẫn ở mức cao vì thế nên người dân không "mặn mà" với việc học để được cấp GPLX.
Trong khi đó, việc đăng ký, cấp biển số đối với loại xe trên hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.
“Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn công tác đăng ký, cấp biển số cho các xe máy kéo nhỏ đang hoạt động không có các loại giấy tờ, như: chứng từ chứng minh nguồn gốc (xe và rơ moóc), chứng từ xác định quyền sở hữu phương tiện, phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, bản vẽ thiết kế phương tiện...; chưa có hướng dẫn cụ thể về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường máy kéo nhỏ tham gia giao thông đường bộ, ông Kiên nói và cho biết, khó khăn trên là vì đa phần người dân mua phương tiện này từ việc độ chế ở các cơ sở trên địa bàn.
Đại tá Phạm Văn Uấn - Trưởng phòng CSGT công an tỉnh Gia Lai cho biết, việc đăng ký phương tiện do lực lượng CSGT thực hiện, tuy nhiên thủ tục đăng ký phương tiện gặp khó vì liên quan đến đăng kiểm phương tiện. Hiện, các phương tiện người dân sử dụng đa phần được độ chế nên không có một quy chuẩn để thực hiện đăng kiểm này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận