Mức phạt đối với hành vi nhồi nhét khách trong Nghị định 46 tăng cao nhằm mục đích răn đe với hành vi gây mất ATGT này - Ảnh: Ngô Vinh |
Phạt cả tài xế lẫn chủ xe
Điều 23 Nghị định 46 quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ đã phân loại các mức phạt khác nhau đối với xe chạy cự ly dưới và trên 300 km. Đồng thời, nghị định cũng phân chia mức độ vi phạm để phạt với từng loại xe có số ghế ngồi khác nhau. Các mức phạt cơ sở sẽ được áp dụng từ mức: Chở quá 2 người trở lên đối với xe 9 chỗ; Chở quá từ 3 người trở lên đối với xe 10 - 15 chỗ; Chở quá từ 4 người trở lên đối với xe 16 - 30 chỗ; Chở quá từ 5 người trở lên đối với xe trên 30 chỗ.
Theo đó, đối với cự ly dưới 300 km, Khoản 2, Điều 23 quy định, phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng/người mà nhà xe chở vượt quá quy định nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt). Trong Nghị định 171 hiện nay, hành vi này chỉ bị phạt từ 300 - 500 nghìn đồng.
"Mỗi vụ TNGT liên quan đến xe khách làm chết, bị thương nhiều người không đơn thuần là thiệt hại về người, tài sản mà nó còn tạo chấn động trong dư luận xã hội, khiến người dân hoang mang lo sợ. Người dân, nhà đầu tư, khách du lịch sẽ mất niềm tin vào môi trường sống, chất lượng dịch vụ, khả năng thực thi pháp luật và an toàn xã hội”. Ông Khuất Việt Hùng |
Tương tự, đối với cự ly trên 300 km, Khoản 4, Điều 23 cũng quy định, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng/người mà nhà xe chở vượt quá quy định nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng. Tại Nghị định 171, vi phạm này chỉ phạt từ 800 nghìn - 1 triệu đồng.
Ngoài bị phạt tiền, với các hành vi nêu trên, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 3 - 5 tháng (Nghị định 171 chỉ tước GPLX 1 tháng). Đồng thời, nhà xe còn buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định.
Đối với chủ phương tiện có xe chạy tuyến dưới 300 km, Điều 30 của Nghị định quy định, phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng/người mà nhà xe chở vượt quá quy định nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân, từ 800 nghìn - 1,2 triệu đồng/người vượt quá quy định nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 80 triệu đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện.
Tương tự, với cự ly trên 300 km, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng/người mà nhà xe chở quá quy định nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng đối với chủ phương tiện là cá nhân và phạt từ 2 - 4 triệu đồng/người vượt quá quy định nhưng tối đa không vượt quá 80 triệu đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện vi phạm hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Đánh giá về mức phạt đối với hành vi nhồi nhét khách, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu một xe khách chở quá số khách và thu thêm được vài trăm nghìn đồng nhưng khi bị phạt đến hàng chục triệu đồng, doanh nghiệp chắc chắn sẽ sợ.
“Việc chở quá số người quy định khiến nhà xe không phục vụ chu đáo được hành khách. Nguy hiểm hơn, lúc này tải trọng xe sẽ tăng lên dẫn đến mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng của hành khách, nếu chẳng may xảy ra TNGT sẽ rất thảm khốc”, ông Thanh nói.
Tăng nặng mức phạt sẽ hạn chế “chung chi”
Theo Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, hiện nay, có khoảng 300 nghìn phương tiện kinh doanh vận tải, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số 45 triệu ô tô, xe máy. “Chỉ cần xảy ra một vụ TNGT liên quan đến xe kinh doanh vận tải sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, phương tiện công cộng hay thương mại ngày càng phải đòi hỏi khắt khe hơn khi thực hiện các quy định về ATGT”, ông Hùng nói.
Ủng hộ chế tài xử phạt nặng hành vi này, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, hiện nay có hiện tượng “ăn chia” trong xử phạt. Tuy nhiên, với mức xử phạt nặng mà lái xe, doanh nghiệp vẫn “ăn chia” như vậy sẽ không chịu được và không dám chở quá số người quy định. Trường hợp doanh nghiệp tăng tiền vé để đủ sức “ăn chia” hành khách sẽ tẩy chay. Hành khách đi xe không thể chấp nhận các doanh nghiệp lấy lý do là cả năm mới có vài “mùa làm ăn” mà chở quá số người quy định.
“Chở quá số người quy định là hành vi đáng lên án và phải xử nghiêm. Nếu cứ nhẹ tay với hành vi này, tình trạng nhồi nhét khách vẫn cứ xảy ra dẫn đến nhờn luật”, ông Thanh nói.
Là hành khách thường xuyên đi xe, anh Hoàng Mạnh Tuấn, trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Quê tôi ở Nghệ An, đợt Tết vừa rồi, tôi bắt xe khách giường nằm từ Hà Nội về Vinh, mỗi giường nhà xe nhồi đến 4 người khiến chân tôi lúc nào cũng phải co quắp, không tài nào duỗi ra được. Xe chật kín nên không khí ngột ngạt, nhiều cháu bé khóc ré lên. Về đến bến tôi mới biết mình còn sống”.
“Những nhà xe vì lợi nhuận, bất chấp an toàn, tính mạng của hành khách phải phạt thật nặng mới đủ sức răn đe. Có như vậy, hành khách đi xe mới bớt khổ”, anh Tuấn bày tỏ.
Ông Phan Đình Cương, Giám đốc điều hành Công ty CP Xe khách Bắc Sơn (Sơn La) cho rằng, xét ở khía cạnh khác, việc xử phạt góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phải nâng quy mô số lượng xe để phục vụ mỗi dịp cao điểm. Để giữ được thương hiệu, phục vụ hành khách tốt hơn, doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm, quản lý tốt đội ngũ lái xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận