Hành khách đứng chen chúc với hàng hóa cồng kềnh trên xe buýt TP Hà Tĩnh - TP Vinh |
Những ngày đầu năm mới, khi lực lượng chức năng cả nước “căng mình” kiểm tra, xử lý xe khách chở quá số người quy định, thì những chuyến xe buýt đường dài lại thoải mái nhồi nhét khách. Xe buýt được chở tối đa bao nhiêu khách, cự ly thế nào để “lấn sân” xe tuyến cố định là những vấn đề đang được đặt ra.
“Hung thần” mang tên xe buýt
Ngày 14/2, PV Báo Giao thông lên xe buýt BKS 37B- 013.84 của hãng buýt Thạch Thành tuyến Đô Lương - Vinh khi chiếc xe đã chật kín các ghế ngồi. Dọc lối đi và những khoảng trống cửa lên - xuống xe, hành khách chen chúc đứng chật kín.
"Việc đưa vào sử dụng các tuyến xe buýt song song với các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định; Rồi kéo dài lộ trình tuyến buýt không nằm ngoài mục đích phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, để hạn chế những vấn đề đã và đang phát sinh, đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để loại hình này tiếp tục phát triển một cách hiệu quả”. Giám đốc Sở GTVT Nghệ An |
Trong hành trình rời thị trấn Đô Lương, chiếc xe này tiếp tục đón thêm rất nhiều hành khách. Tất cả các cạnh ghế, thành lan can, bậc lên - xuống cửa sau đều được tận dụng tối đa làm chỗ ngồi, vịn, dựa, đứng. Sau khi rời thị trấn Đô Lương, chiếc xe lao vùn vụt trên QL7. Thi thoảng, bác tài lại phanh gấp để đón, trả khách khiến hành khách ngã dúi dụi vào nhau. Không gian ngột ngạt, xe rung lắc mạnh khiến nhiều người phải bỏ xuống giữa chừng dù đã mua vé cả chặng.
Ngày 15/2, chúng tôi lên một xe buýt khác chặng Vinh - Hoàng Mai, lại gặp cảnh bác tài liên tục tăng - giảm tốc độ để tranh giành khách với một xe khác chạy phía trước. Theo lời bác tài, chiếc xe phía trước tuy sơn giống màu xe buýt nhưng không phải xe buýt và thường xuyên đón khách tại các nhà chờ xe buýt. “Phải vượt lên, đè đầu chiếc xe nhái cho nó chừa”, bác tài giải thích trong sự nín thở vì sợ của hành khách.
Theo thống kê của Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An, năm 2015, các doanh nghiệp buýt có số lần vi phạm tốc độ thông qua thiết bị giám sát hành trình nhiều nhất. Điển hình như Công ty TNHH TM&XD Đông Bắc (Buýt Đông Bắc), chỉ tính riêng tháng 1/2015, các xe buýt của doanh nghiệp này đã có tới 26.785 lần vi phạm chạy quá tốc độ, tỉ lệ vi phạm trung bình là 33,71 lần/1.000 km. Đến nỗi, trong liên tiếp ba tháng tiếp theo, lãnh đạo Sở GTVT Nghệ An phải ban hành nhiều văn bản phê bình nhắc nhở, thậm chí phạt hành chính đối với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, mức độ vi phạm chỉ giảm chứ không triệt để.
Xe buýt thoải mái “nhồi” khách?
Chỉ tính riêng năm 2015, Nghệ An đã cấp giấy phép cho bốn doanh nghiệp, tham gia khai thác trên 15 tuyến buýt, trong đó có 5 tuyến mở mới. 100% các tuyến buýt ở Nghệ An có lộ trình chạy trên các tuyến quốc lộ. Thậm chí, có tuyến chạy lại toàn bộ lộ trình của các xe khách tuyến cố định, chỉ thêm một chặng đường vài km để đón khách trong thành phố như: Vinh - Hoàng Mai, Vinh - Thái Hòa, Vinh - Hương Sơn... Không chỉ vậy, nhiều tuyến buýt đường dài có cả nơi đi qua các cung đường đồi dốc, cong cua nguy hiểm như: QL48 đoạn huyện Quỳ Hợp, QL7 Đô Lương, QL15 Tân Kỳ…
Ông Trần Lê Thắng, Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết, xe buýt và xe khách tuyến cố định có những quy định về điều kiện hoạt động hoàn toàn khác nhau. Xe khách tuyến cố định thì tất cả hành khách đều được bố trí chỗ ngồi, còn xe buýt thì đa phần hành khách phải đứng, nên xe buýt không thể di chuyển trên đường với tốc độ cao hoặc lộ trình không thể đi qua đường đèo dốc.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An cũng đề xuất, nếu mở các tuyến buýt với cự ly tuyến từ 40 - 100 km, lại đi tốc độ cao trên các trục quốc lộ thì cần xem xét lại việc bố trí vị trí đứng, ngồi hợp lý nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Nghệ An thì giật mình khi xem lại một bộ hồ sơ thiết kế xe buýt, một ô tô khách 29 chỗ ngồi khi thành xe buýt được bố trí tới 24 ghế ngồi và 16 chỗ đứng; Loại ô tô 45 ghế ngồi khi thành xe buýt được chở tới 31 ghế và 29 chỗ đứng. Với số lượng người như vậy, chỉ cần xếp đủ người đã chật, chứ chưa nói là chở quá số người hoặc mỗi hành khách được xách theo 10 kg hành lý như quy định trong luật.
“Trong Nghị định 86 của Chính phủ và Thông tư 63 của Bộ GTVT không quy định cụ thể về cự ly tuyến của xe buýt, chỉ yêu cầu cự ly tuyến buýt không vượt quá 2 tỉnh liền kề và 3 tỉnh đối với đô thị đặc biệt. Như vậy, những tỉnh có diện tích rộng như: Thanh Hóa, Nghệ An, thì một tuyến buýt nội tỉnh đi từ trung tâm TP Vinh đến huyện xa nhất là Kỳ Sơn hay Quế Phong thì cự ly cũng tới 300 km, gần bằng ra Hà Nội. Nếu chiểu theo luật cấp phép mở buýt thì chặng đường di chuyển của buýt quá dài và bất hợp lý”, ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An nhìn nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận