Tăng giải ngân, đẩy mạnh bảo vệ kết cấu đường bộ
Sáng 15/12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Khu QLĐB III, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó giám đốc phụ trách Khu QLĐB III cho biết, trong năm qua, đơn vị nỗ lực để hoàn thành hiệu quả, tích cực các nhiệm vụ trọng tâm.
Đáng kể, đến tháng 12/2023, khu QLĐB III hoàn thành 100% hồ sơ giải ngân vốn ngân sách giao triển khai 9 gói thầu, hơn 40 công trình sửa chữa định kỳ, 10 công trình sửa chữa đột xuất, điểm đen và 30 công trình khắc phục bão lũ với số tiền gần 1.200 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN.
Công tác đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ; triển khai tốt công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do lụt, bão gây ra. Không có tai nạn giao thông nào xảy ra do nguyên nhân cầu đường...
Theo ông Bình, các công trình khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, sửa chữa khẩn cấp cầu yếu, sửa chữa đột xuất được chú trọng triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, Khu QLĐB III phối hợp tốt với Ban ATGT, Sở GTVT, các đơn vị chức năng địa phương đảm bảo ATGT trên các tuyến quốc lộ quản lý.
Đặc biệt, công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) được chú trọng.
Thống kê của Khu QLĐB III, năm 2023, các đơn vị của khu tổ chức 43 đợt ra quân giải tỏa thông thoáng HLATĐB.
Qua đó, ngăn chặn 94 vị trí vi phạm; tháo dỡ hơn 650 trường hợp biển hiệu, biển quảng cáo các loại vi phạm; giải tỏa hơn 1.600 trường hợp ô dù, mái che vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường...
Tăng cường trách nhiệm địa phương
Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng cường trách nhiệm theo thẩm quyền của các địa phương về xử lý vi phạm HLĐB.
Ông Tạ Thanh Tình, Trưởng văn phòng QLĐB III.3 (Khu QLĐB III) cho hay, thực tế nhiều trường hợp vi phạm hành lang khi chuyển hồ sơ cho các địa phương đề nghị xử phạt vẫn còn tồn tại, nhiều vụ chưa được xử lý theo quy định mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của UBND cấp tỉnh và các văn phòng QLĐB đã đôn đốc nhiều lần, đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Theo ông Lê Phan Duy, Phó giám đốc Khu QLĐB III, thẩm quyền xử lý vi phạm hành lang đường bộ thuộc UBND cấp xã. Nhưng nhiều địa phương còn "ngại" vì đụng chạm. Công tác ngăn chặn vi phạm về KCHTGTĐB cần phải có sự phối hợp nhiệt tình, có trách nhiệm của các cơ quan liên quan mới có thể đạt hiệu quả.
Khu QLĐB III kiến nghị Cục Đường bộ VN có văn bản đề xuất UBND, Ban ATGT các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương và chính quyền cơ sở cấp huyện, xã trong việc xử lý vi phạm về bảo vệ KCHTGTĐB và trật tự ATGT trên địa bàn quản lý. UBND các cấp, chủ đầu tư khi triển khai các dự án có gây ảnh hưởng đến KCHTGTĐB phải được cấp phép của cơ quan quản lý đường bộ...
Bên cạnh đó, theo Khu QLĐB III, từ tháng 10/2022 đến nay do vướng mắc về tính pháp lý nên gặp khó khăn trong việc triển khai công tác thanh tra chuyên ngành.
Đồng thời, việc xử lý vi phạm về ATGT khi thi công trên đường bộ đang khai thác chỉ dừng lại ở mức đôn đốc nhắc nhở, lập biên bản làm việc, thông báo với chủ đầu tư đề nghị chỉ đạo khắc phục chứ chưa thể xử lý.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN đánh giá các kết quả công tác năm 2023 của Khu QLĐB III tích cực, hiệu quả cần tiếp tục phát huy để hoàn thành các nhiệm vụ năm 2024. Các kiến nghị của Khu QLĐB, cục giao đơn vị chức năng để tháo gỡ. Đây cũng là vấn đề quan tâm, ưu tiên khắc phục của cục.
Trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định mới. Cục Đường bộ VN tổ chức các buổi hướng dẫn cho các Khu QLĐB để áp dụng, triển khai.
Theo Cục Đường bộ VN, năm 2024 là năm tiền đề để thực hiện Luật Giao thông đường bộ đi vào thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nội dung, quy định mới của ngành quản lý, duy tu, sửa chữa đường bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận