CSGT ngồi trên xe vi phạm, ốp về chốt xử lý
Tối 26/11, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại đường Lê Trọng Tấn - Thanh Bình thuộc địa bàn quận Hà Đông, tổ công tác gồm: Thiếu tá Nguyễn Công Hà, Thượng uý Nguyễn Hoàng Anh và Thượng uý Nguyễn Đình Tín thuộc Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) do Thiếu tá Hà làm tổ trưởng đang tiến hành dừng, kiểm tra ô tô tải “hổ vồ” mang BKS 29C-726.59 do tài xế Lê Tuấn Anh (SN 1991, ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) điều khiển. Khi bị tổ công tác kiểm tra, tài xế Anh rút điện thoại gọi “cứu viện” một hồi bất thành. Kết quả, cân tải trọng ô tô tải “hổ vồ” 29C-726.59 vi phạm chở quá 256.56% trọng tải cho phép.
Tiếp đó, ô tô tải “hổ vồ” 29H-073.12 do tài xế Nguyễn Văn Ký (SN 1979, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) điều khiển bị yêu cầu dừng kiểm tra. Tại chốt CSGT, tài xế Ký trình bày đủ lý do, đồng thời gọi điện thoại liên tục “cứu viện” nhưng không được. Sau khi thông báo lỗi, tổ công tác hướng dẫn, yêu cầu tài xế ký vào vị trí kiểm tra trọng tải, kết quả ô tô “hổ vồ” 29H-073.12 quá trọng tải cho phép 210.32% trọng tải.
Được biết, với lỗi ô tô tải chở quá tải trên 150%, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 8-12 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước GPLX từ 3-5 tháng theo qui định…
Cùng thời điểm trên (tối 26/11), tại nút giao thông gần cầu vượt Mai Dịch hướng về Bến xe Mỹ Đình thuộc địa bàn quận Cầu Giấy, tổ tuần tra kiểm soát giao thông do Đại uý Trần Quang Chinh, phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng tiến hành dừng 7 ô tô tải “hổ vồ” với lỗi ban đầu chở vật liệu rời, che phủ bạt không kín để rơi vãi vật liệu xuống đường.
Đáng chú ý, trong số 7 phương tiện trên, có một trường hợp ô tô tải “hổ vồ” mang BKS 29C-599.09 do tổ tuần tra kiểm soát phát hiện trên đường Phạm Hùng, Trung uý Nguyễn Văn Linh (chiến sĩ Đội CSGT số 6) đã phải ngồi trên xe, "ốp" tài xế đánh về chốt để tiến hành lập biên bản xử lý.
CSGT làm nhiệm vụ không được nghe điện thoại "cầu cứu"
Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Phó Đội trưởng phụ trách Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, thời gian cuối năm, nhiều ô tô tải chở vật liệu thường chở quá tải để kịp tiến độ theo hợp đồng. Trong khi đó, trên các tuyến đường thuộc địa bàn đội quản lý có rất nhiều công trình xây dựng, như tuyến: Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến- Nguyễn Xiển - Quang Trung - Lê Trọng Tấn xe tải thường xuyên hoạt động tại các công trình xây dựng.
“Từ khảo sát, Đội CSGT số 7 nắm được dấu hiệu các xe tải chở quá trọng tải cho phép, chở vật liệu xây dựng rời, che chắn không đảm bảo để vật liệu rơi vãi xuống đường”, Trung tá Thắng nói và cho hay: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phòng CSGT, Đội CSGT số 7 đã tăng cường lực lượng, có trang bị cân trọng tải xách tay. Quá trình thực hiện cân tải đảm bảo tránh làm oan cho tài xế, cũng như không bỏ lọt xe vi phạm.
Trung tá Thắng thông tin, từ thực tế kiểm tra, quá trình dừng xe, CSGT yêu cầu cân kiểm tra trọng tải, tài xế tìm đủ các lý do, quanh co và nói giấy tờ do chủ xe cầm hết nên rất mất thời gian khi lập biên bản. Một số người thì bỏ đi, gọi điện thoại cầu cứu các mối quan hệ để can thiệp nhưng đều không được chấp thuận.
“Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Phòng CSGT, cán bộ chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trên đường tập trung xử lý, không được nghe điện thoại, bất cứ trường hợp vi phạm đều phải xử lý nghiêm theo qui định”, Trung tá Thắng nói và khẳng định: ngoài việc cân xử lý đối với các xe qúa tải thì những trường hợp ô tô tải chở hàng vi phạm che chắn, phủ bạt không đảm bảo, lắp đèn chiếu sáng ngược gây ảnh hưởng người tham gia giao thông cũng sẽ bị lực lượng CSGT lập biên bản xử lý.
Xe quá tải hoạt động ban đêm đủ chiêu xin xỏ
Trao đổi thêm, Đại uý Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, trên địa bàn Đội CSGT số 6 các phương tiện ô tô tải chở vật liệu xây dựng thường hoạt động từ 21h hàng đến 6h sáng hàng ngày. Quá trình xử lý những xe tải chở vật liệu quá tải, không che phủ làm rơi vãi xuống đường rất khó khăn với lực lượng CSGT.
"Khi CSGT kiểm tra, lái xe đều nói chỉ là người làm thuê rồi rút máy điện thoại gọi chủ xe bảo cầm giấy tờ đến nhưng chủ xe bảo lái xe đi chỗ khác nhằm gây khó khăn cho công tác xử lý. Đặc biệt hơn, các nhà xe này không chỉ có 1 phương tiện, mà có 4-5, thậm chí cả chục đầu xe, khi một xe vi phạm bị xử lý, tài xế này sẽ gọi điện báo cho các xe sau đi đường khác hoặc chờ tổ công tác di chuyển mới tiếp tục hoạt động.
Do đó, để công tác xử lý hiệu quả, Đội thường áp dụng biện pháp tuần tra lưu động, phát hiện có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành dừng xe, thông báo lỗi và đưa về chốt lập biên bản", Đại uý Trần Quang Chinh thông tin.
Đại uý Chinh thông tin thêm, 1 số xe bê tông cố hoàn thành tiến độ theo hợp đồng, bất chấp quy định, hoạt động trong khung giờ cao điểm, khung giờ cấm cũng bị xử lý nghiêm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội tuyên truyền giải quyết tai nạn, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, theo kế hoạch các Đội, trạm CSGT (thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phụ trách địa bàn, tuyến đường quản lý đồng loạt triển khai kiểm tra xử lý đối với những ô tô tải chở vật lưu thông trên địa bàn. Quá trình kiểm tra, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chở quá tải, không che phủ, để rơi vãi vật liệu xuống đường.
“Kết quả, tối 26/11 đến rạng sáng 27/11, các Đội, trạm CGT đã tổng xử lý 91 trường hợp, tạm giữ một phương tiện, 90 bộ giấy tờ. Trong đó, có 8 trường hợp dừng đỗ sai quy định; 22 trường hợp chở vật liệu rơi vãi; 17 trường hợp không chạy đúng thời gian quy định; và 2 trường hợp chở hàng quá tải...”, Trung tá Vũ Văn Hoài thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận