Thực tế cho thấy, hầu hết loại phương tiện này không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị phao, thiết bị cứu sinh.
Không đăng ký, đăng kiểm, chẳng phao cứu sinh
Trong chuyến khảo sát thực địa lòng hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái, gồm có tuyến đường thủy quốc gia, địa phương và khu vực chưa được tổ chức vận tải) cuối tháng 8/2020, PV Báo Giao thông dễ dàng bắt gặp hàng chục trường hợp phương tiện thủy loại nhỏ có gắn động cơ được người dân dùng để chở cây, đi lại, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Hầu hết phương tiện đều là vỏ sắt, có loại dài 5 - 6m, rộng chừng trên dưới 1m, có loại dài gần chục mét, rộng 2 - 3m có boong, mái che. Các phương tiện đều không có biển số đăng ký, không trang bị phao, thiết bị cứu sinh, đèn hiệu ban đêm; phương tiện loại trên dưới chục mét (khả năng thuộc diện phải đăng kiểm) không có mã số đăng kiểm gắn trên phương tiện.
Ông Nguyễn Lê Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) cho biết, hồ Thác Bà rộng 23.000m2, thuộc địa phận của 22/24 xã, thị trấn của huyện Yên Bình, phương tiện thủy gia dụng gắn liền với sản xuất, đời sống hàng ngày của nhiều người dân.
“Hồ có diện tích rất rộng, lực lượng chức năng của huyện lại mỏng nên công tác bảo đảm an toàn giao thông thủy mới chủ yếu dừng lại ở tuyên truyền, vận động người dân trang bị và sử dụng phao cứu sinh. Còn việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải trông chờ vào các sở, ngành chức năng của tỉnh. Việc mấy năm vừa qua không xảy ra tai nạn ở đây là may mắn, vì hồ rất rộng, sóng gió nhiều”, ông Dũng nói.
Ông Bùi Danh Tú, Phó giám đốc Sở GTVT Yên Bái cho biết, tỉnh đã phân cấp cho huyện quản lý đăng ký phương tiện thủy loại công suất máy dưới 5CV từ năm 2007, nhưng đến nay chưa có phương tiện thủy loại nhỏ nào đăng ký. Còn theo lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT, địa phương có khoảng 300 phương tiện thủy gia dụng, công suất máy 6-12CV, chủ yếu ở hồ Thác Bà.
“Việc xử phạt các phương tiện này hết sức khó khăn, nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện khi gặp lực lượng chức năng thì bỏ phương tiện để trốn lên rừng. Lôi phương tiện về để xử lý rất phức tạp, phải trông coi tài sản, rồi còn vấn đề phí, lệ phí trông giữ”, ông Tú nói.
Không riêng địa phương trên, nhiều nơi khác cũng chung thực trạng và luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn.
“Trên hồ thủy điện Hòa Bình có khoảng hơn 100 phương tiện thủy loại nhỏ thô sơ, loại lắp máy 5-15CV, là phương tiện phục vụ sản xuất, đi lại và đưa trẻ em đến các điểm trường học. Phần lớn chủ phương tiện, người dân không tự trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh nên luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn”, ông Trần Văn Khiết, Trưởng đội Thanh tra - An toàn đường thủy số 9 (thuộc Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) cho biết.
Gắn trách nhiệm chính quyền xã
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, phương tiện thủy loại nhỏ phải thực hiện đăng ký hành chính và với loại có động cơ công suất máy từ 5-15 CV hoặc sức chở 5-12 người phải có chứng nhận đăng kiểm mới được hoạt động. Quy định là vậy nhưng hầu hết loại phương tiện này không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị phao, thiết bị cứu sinh.
Việc tuyên truyền, nâng nhận thức về bảo đảm an toàn phương tiện thủy loại nhỏ cần gắn liền với chính quyền cấp xã, địa phương. Tới đây, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động quyên góp, ủng hộ phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho người dân vùng sâu, vùng xa sử dụng phương tiện thủy gia dụng loại nhỏ và có các hình thức tuyên truyền, vận động để người dân tự giác thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN
“Giải pháp trước mắt cần có chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân, đối tượng thường xuyên sử dụng phương tiện thủy loại nhỏ về trang bị phao, dụng cụ cứu sinh để không xảy ra các vụ tai nạn gây thiệt mạng nhiều người như một số vụ xảy ra thời gian qua”, ông Học đề xuất.
Đội trưởng Đội Thanh tra - An toàn số 9 Trần Văn Khiết cũng cho rằng, việc tuyên truyền, khuyến khích vận động trang bị đủ phao, dụng cụ cứu sinh trên phương tiện sẽ mang lại tác dụng thiết thực trong phòng ngừa hậu quả tai nạn. Tháng 8/2020, Đội đã vận động doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ 200 phao, dụng cụ nổi cứu sinh để phát tặng và truyên truyền cho người dân vùng hồ Hòa Bình.
Theo Đại tá Nguyễn Vĩnh Giang, Trưởng phòng Hướng dẫn TTKS và đấu tranh phòng, chống tội phạm của Cục Cảnh sát giao thông, có một bất cập là lực lượng cảnh sát đường thủy không đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến lẻ, khu vực chưa được công bố khai thác vận tải. Trong khi phương tiện loại nhỏ, gia dụng chủ yếu hoạt động ở vùng sâu, vùng xa nên việc xử lý vi phạm loại phương tiện này còn bị trống.
“Luật Giao thông đường thủy nội địa đã phân cấp quản lý phương tiện nhỏ cho chính quyền cấp xã. Phương tiện nhỏ chỉ hoạt động trên địa bàn hành chính nhất định, vì vậy cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong công tác tuyên truyền, quản lý, bảo đảm an toàn đối với phương tiện thủy loại nhỏ”, Đại tá Giang đề xuất.
Ông Nguyễn Quang Bình, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Yên Bái cũng cho rằng, để quản lý được phương tiện thủy loại nhỏ cần bắt đầu từ chính quyền cấp xã, huyện. Từng xã phải thống kê, lên danh sách phương tiện trên địa bàn để đưa ra giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn cho nhóm phương tiện trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận