Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đường ven biển đoạn vừa xảy ra vụ TNGT thảm khốc ở Quảng Nam đang trong giai đoạn xây dựng, chờ nghiệm thu nhưng tỉnh này có ít nhất 2 văn bản cho phép một số phương tiện lưu thông.
Theo các chuyên gia, nhà quản lý hạ tầng giao thông, luật sư, việc cho xe chạy trên đường chưa nghiệm thu về luật là sai, nhưng... thực tế công tác quản lý đường còn khó khăn, bất cập.
Hiện trường vụ TNGT trên tuyến đường ven biển Quảng Nam
Truy trách nhiệm...
Trao đổi với PV, một cán bộ BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi cho rằng, việc một công trình giao thông đang trong giai đoạn thi công và thuộc trường hợp đường mới hoàn toàn, có đường gom, đường phụ cận để người dân lưu thông thì sẽ cấm không cho phương tiện đi vào.
Do tính chất trên công trường có những vấn đề khác nhau nên không thể để phương tiện lưu thông được. Nhưng vấn đề UBND tỉnh cho phép một số phương tiện lưu thông cần làm rõ cả yếu tố pháp lý và nhu cầu thực tiễn.
Thực tế, tuyến đường này đi qua nhiều khu dân cư, khu du lịch nên nhu cầu lưu thông rất lớn và tỉnh Quảng Nam cho phép phương tiện lưu thông cũng có lý. Vụ TNGT dẫn đến 10 người chết là nằm ngoài ý muốn.
Theo các luật sư, cần phải điều tra để truy trách nhiệm cụ thể, đây là lỗi hỗn hợp từ công tác quản lý, đầu tư công trình đến khâu khai thác và hoạt động của các phương tiện.
Lãnh đạo một Sở GTVT địa phương lân cận cho rằng, từ vụ TNGT trên cho thấy còn nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước.
Về lý tuyến đường mới chưa nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng thì việc cho phương tiện lưu thông là sai. Tuy nhiên, trong trường hợp này tuyến đường có chiều dài hàng chục km đi qua nhiều địa phương và có đoạn thi công xong, có đoạn đang thi công.
Như vậy, rất khó để ngăn người dân tham gia giao thông, ngoại trừ cơ quan chức năng rào kín, kiểm soát tối đa. Còn không thì việc người dân lưu thông là khó tránh khỏi, nhất là người dân địa phương sống hai bên đường.
Một chuyên gia ngành GTVT ví von, nếu là một bài toán thì có đáp số, nhưng công trình giao thông trải dài qua nhiều địa phương thì như một bài văn, có nhiều đáp án.
Thực tế tai nạn giữa xe ô tô khách BKS 76B-006.60 với một xe container. Ô tô khách đi vào đường cấm là sai, còn đối với xe container có liên quan đến vụ tai nạn chạy cắt ngang qua tuyến đường ven biển tại nút giao thông để xuống cảng Tam Hiệp. Đoạn này giao cắt giữa đường cho lưu thông và đường cấm nên cần điều tra, làm rõ.
Một cán bộ lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho rằng, đường nếu hoàn thành theo hồ sơ đã được duyệt, khi nghiệm thu có điều kiện thì vẫn thông xe, sau đó làm biên bản nghiệm thu khắc phục những cái tồn tại. Cũng có thể có những hạng mục đủ điều kiện thì vẫn có thể đưa vào sử dụng, đoạn nào an toàn thì vẫn cho phương tiện lưu thông bình thường.
Còn một lãnh đạo Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Đà Nẵng cho hay, với đặc thù dự án đường nâng cấp, cải tạo thì vừa thi công vừa khai thác, phải cho người dân đi chứ không cấm được, nhưng phải đảm ATGT. Đường mới hoàn toàn khi chưa bàn giao nếu không an toàn thì phải cấm. Còn nếu đi qua khu dân cư thưa thớt hoặc không có khu dân cư thì có thể cho lưu thông nhưng phải có biện pháp đảm bảo ATGT.
Đường độc đạo - tính sao?
Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng đặt vấn đề về việc bất cập trong công tác quản lý đường trong dự án đang thi công. Nhắc lại câu chuyện năm 2021, vị lãnh đạo này cho hay: Năm 2021, tại Gia Lai, tuyến Tỉnh lộ 665 đoạn từ Đường Hồ Chí Minh đi huyện Chư Prông được đầu tư nâng cấp. Tuyến đường này vừa mới hoàn thành và đang trong giai đoạn nghiệm thu thì xảy ra việc tuyến đường hư hỏng cục bộ.
Vào thời điểm trên, Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra và xác định, trong thời gian tuyến đường thi công xong, xe tải trọng lớn chở thiết bị thi công điện gió thường xuyên đi lại và dẫn đến hư hỏng cục bộ.
Theo đó, Công ty Cổ phần Công trình 207, nhà thầu thi công đoạn đường đã xảy ra hư hỏng do đường vừa đang thi công vừa đưa vào lưu thông nên đơn vị gặp những khó khăn nhất định. Nguyên nhân chính là do lưu lượng xe chở vật liệu phục vụ xây dựng các công trình điện gió quá dày khiến mặt đường cấp 4 miền núi không thể chịu nổi tải trọng, gây nứt lớp bê tông nhựa rồi nước mưa thấm xuống làm hư hỏng nền cấp phối ở dưới và lan ra các vị trí khác.
Vào thời điểm trên, Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai là chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công đã khắc phục bằng cách đào mặt đường, xử lý các vị trí hư hỏng; sau đó, đơn vị này đã cho phủ một lớp thảm bê tông để tạo cường độ và thẩm mỹ của công trình. Thiệt hại cho doanh nghiệp thi công là rất lớn. Nhưng rồi doanh nghiệp cũng phải "cắn răng mà... gánh".
Theo vị lãnh đạo tỉnh Gia Lai, việc tổ chức thi công và đảm bảo ATGT rất quan trọng. Trách nhiệm đơn vị thi công phải đảm bảo ATGT xuyên suốt thời gian triển khai dự án, thế nhưng vẫn có rất nhiều cái khó.
"Ví dụ, như đường độc đạo qua địa phương, đường đang thi công vừa là tuyến đường chính nhân dân đi lại. Việc cấm dân đi lại, chở hàng hoá là không thể cấm được. Đơn vị thi công người ta muốn chặn đường lại để thi công vừa đảm bảo ATGT tuyệt đối chứ", vị này nhấn mạnh.
"Đơn cử như việc thực hiện thi công xong rồi sẽ tiếp tục thời gian để thẩm định, nghiệm thu. Nhiều tuyến đường dài vài chục km thi công vài năm xong mới thẩm định, nghiệm thu thì việc người dân đi lại, phương tiện xe khách xe tải đi lại thì rất khó cho đơn vị thi công.
Vậy nên, khi xảy ra TNGT lại truy trách nhiệm của địa phương là đúng nhưng vẫn phải cân nhắc. Vấn đề cốt lõi là việc tuyên truyền, giáo dục toàn dân, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện làm sao để cho họ thấy được trách nhiệm của người cầm lái", vị này nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận