Chậm xoá lối đi tự mở qua đường sắt
Theo Cục Đường sắt VN, tình hình tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) trong quý I/2024 đã giảm cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Cụ thể, trên các tuyến đường sắt quốc gia đã xảy ra 46 vụ, làm chết 21 người, bị thương 25 người; so với cùng kỳ 2023, giảm 13 vụ (-22%), giảm 6 người chết (-22%), giảm 7 người bị thương (-22%). Trong đó, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra vụ nào; một vụ rất nghiêm trọng; 18 vụ nghiêm trọng và 27 vụ ít nghiêm trọng.
Đáng chú ý, trong số này có tới 24 vụ (chiếm 52%) xảy ra tại lối đi tự mở (LĐTM). Số vi phạm khổ giới hạn đầu máy - toa xe dọc hai bên đường sắt có 13 vụ, chiếm 28%; tại đường ngang cảnh báo tự động 8 vụ, chiếm 17%.
Qua thống kê cho thấy, tai nạn xảy ra tại LĐTM và dọc đường sắt nhiều. Trong khi tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt tại một số địa phương còn diễn biến phức tạp, chưa được chính quyền địa phương cấp xã, huyện giải quyết triệt để, điển hình là tại Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên...
Cục Đường sắt VN cũng cho biết hiện vẫn tồn tại 4 vị trí điểm đen tai nạn đường sắt tại Km 8+042 (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội); Km 81+487 (thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định); Km 109 + 350 (xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định); Km 266+180 (xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Mặt khác, công tác tổ chức xóa bỏ LĐTM qua đường sắt theo Quyết định số 358/2020 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương còn rất hạn chế. Ba tháng đầu năm 2024 có 6 tỉnh/thành phố đã thực hiện xóa LĐTM, nhưng số lượng không nhiều, chỉ giảm 24 vị trí.
Bố trí nhân lực cảnh giới tại các điểm đen tai nạn
Trước thực trạng trên, để hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong Năm An toàn giao thông 2024, Cục Đường sắt VN đề nghị các tỉnh/thành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật Đường sắt và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan trật tự ATGT đường sắt.
Tuyên truyền quy tắc giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn và mọi người dân để nâng cao hiểu biết pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành.
Cùng đó chủ trì kiểm tra, chỉ đạo các chủ thể liên quan tại địa phương thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các LĐTM theo quy định. Trong thời gian chờ xóa bỏ các LĐTM, bố trí nhân lực cảnh giới ATGT tại các LĐTM, các vị trí điểm đen nguy cơ cao xảy ra TNGT đường sắt.
Cương quyết không để phát sinh thêm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn; Kiểm tra việc tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ cảnh giới/chốt gác ATGT tại các LĐTM theo quy định; Tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận theo hướng dẫn kỹ thuật; Làm gồ giảm tốc theo hướng dẫn.
Khẩn trương xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, lộ trình thực hiện giảm, thu hẹp, xóa bỏ các lối đi tự mở theo Quyết định số 358 và kế hoạch của UBND tỉnh/thành phố về việc thực hiện Quyết định số 358; ưu tiên kinh phí đầu tư để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương như xây dựng hàng rào, đường gom và công trình phụ trợ khác để xóa bỏ LĐTM qua đường sắt; giải tỏa các vị trí vi phạm tầm nhìn, hành lang ATGT đường sắt; triển khai việc kết nối tín hiệu giao thông giữa đường bộ và đường sắt tại các đường ngang đảm bảo thuận lợi, an toàn cho người dân.
"Chỉ đạo đơn vị chức năng thanh tra giao thông, công an địa phương phối hợp chặt chẽ với thanh tra chuyên ngành đường sắt tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi mở LĐTM qua đường sắt, lấn chiếm/tái lấn chiếm hành lang ATGTĐS trên địa bàn", Cục Đường sắt VN đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận