Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp sẽ giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em
Hôm nay (26/9), Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng Đồng (CHD) và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) tổ chức họp chuyên đề khoa học "Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô tô" nhằm cung cấp thông tin, sự cần thiết và đề xuất những quy định cụ thể bảo vệ trẻ em trên xe ô tô.
Thông tin tại cuộc họp, PGS.TS Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng cho biết, qua khảo sát gần 500 trẻ em 9-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng xe con đi học gia tăng từ 9% trước dịch Covid-19 lên 11% sau dịch; các gia đình có trẻ em xu hướng di chuyển xa. Trong khi đó, qua khảo sát tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, chỉ có khoảng 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Đây là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến mất an toàn cho trẻ em khi di chuyển bằng ô tô.
Do đó, ông Cường cho rằng cần sớm có các quy định pháp luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với các đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 150cm; quy định độ tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước; tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng an toàn thiết bị an toàn trên xe ô tô...
Nhấn mạnh quan điểm cần thiết sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, TS. Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, thiết bị an toàn là thiết bị có đủ khả năng đảm bảo an toàn cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng, trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ .
Thiết bị an toàn cho trẻ em gồm nhiều loại như nôi, ghế chuyên dụng và đệm nâng để phù hợp với chiều cao và cân nặng của trẻ và phải được lắp đặt cố định với xe ô tô qua chốt an toàn.
Cũng theo bà Vân, vị trí an toàn nhất cho trẻ là hàng ghế sau. Các nghiên cứu, khảo sát đã chỉ ra rằng ở vị trí này giảm nguy cơ chấn thương cho trẻ em kể cả trường hợp không dùng thiết bị an toàn. Cụ thể, khi trẻ không sử dụng thiết bị an toàn, nguy cơ giảm 26% đối với trẻ ngồi phía sau so với trẻ ngồi phía trước; Khi trẻ dùng thiết bị an toàn, nguy cơ này giảm 14%. Mặt khác, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp và được lắp đúng cách có thể giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em.
Vì vậy, hiện nhiều nước đã ban hành quy định pháp luật về thiết bị an toàn. Theo báo cáo cập nhật của WHO năm 2023, có 91 quốc gia đã ban hành. Từ đây, WHO khuyến nghị Việt Nam về các yếu tố tối thiểu khi xây dựng luật sử dụng thiết bị an toàn như: Áp dụng giới hạn tối ưu cho việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ dưới 12 tuổi và dưới 150cm; hạn chế trẻ em ở độ tuổi nhất định ngồi ở ghế trước của ô tô... Tuy nhiên, cần có lộ trình thực hiện; có thể chỉ áp dụng hình phạt đối với hành vi không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và dưới 135cm, sau một thời gian mới xử phạt theo khung áp dụng với trẻ dưới 12 tuổi và cao dưới 150cm.
Cần nghiên cứu lộ trình thực hiện
Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện cả nước có khoảng trên 1.800km cao tốc với nhiều đoạn tuyến được chạy với vận tốc lên tới 120km/h, nhiều tuyến quốc lộ được nâng cấp chạy 80-90km/h.
"Trong bối cảnh nhiều ô tô hơn, nhiều đường cao tốc, quốc lộ tốt bên cạnh mặt tích cực nhưng về mặt an toàn nổi lên một số vấn đề trong đó có việc bảo vệ trẻ em khi chưa có thiết bị bảo vệ an toàn trên các ô tô. Trên thực tế, dây an toàn của người lớn trên xe ô tô chưa phát huy tác dụng đối với trẻ em. Do vậy, việc quy định về sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là cần thiết", ông Minh nói.
Ông Minh cho biết, tại Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ đã đề xuất "trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô". Cùng đó có các quy định về phương tiện, người lái... để đảm bảo an toàn khi sử dụng phương tiện ô tô đưa đón trẻ em.
Tuy nhiên, thực tế và kinh nghiệm các nước cũng đã chỉ ra một số vấn đề cần xác định kỹ để đề xuất đưa vào dự thảo luật. Trong đó, có đối tượng trẻ em phải được sử dụng thiết bị an toàn về độ tuổi, chiều cao. Cùng đó là các quy định phương tiện phải áp dụng là xe cá nhân, xe đưa đón học sinh, xe công cộng... Việc thực hiện cũng cần có lộ trình cụ thể đối với đối tượng trẻ em, phương tiện...
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cũng đề nghị cùng với các quy định về độ tuổi trẻ em phải được sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô, cần thiết ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết bị an toàn. Các quy định khi đưa ra phải thực hiện được trên thực tế, khả thi và phải đồng hành cùng nhà sản xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận